Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng: Cần triển khai đồng bộ các yếu tố
Theo ông Ngô Tuấn Anh, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng cần triển khai đồng bộ các yếu tố, từ trẻ em với thiết bị điện tử, đến giải pháp của cơ quan nhà nước và các đơn vị cung cấp nội dung. Ngoài ra, không thể thiếu yếu tố gia đình, nhà trường...
Tác động tích cực của mạng internet trong đời sống và đối với trẻ em là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, Internet cũng có mặt trái, đó là nguy cơ những thông tin không phù hợp tiếp cận trẻ, hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, thậm chí nhận thức bị lệch lạc.
TRẺ EM VIỆT NAM TIẾP XÚC VỚI THIẾT BỊ ĐIỆN TỬ VƯỢT NGƯỠNG CHO PHÉP
Tại Talkshow the WISE Talk số 09 với chủ đề: “Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng: Những lỗ hổng cần 'trám'", ông Ngô Việt Khôi, chuyên gia đào tạo Nhận thức An toàn thông tin, nguyên Giám đốc Quốc gia Trend Micro, cho biết theo báo cáo được Hiệp hội các bác sĩ nhi khoa Hoa Kỳ công bố tháng 5/2023 vừa qua, trẻ em dưới hai tuổi hoàn toàn không nên tiếp xúc với các loại màn hình điện tử, từ máy tính đến điện thoại, TV. Trẻ em từ 2-11 tuổi có thể tiếp xúc trong khoảng 1 giờ/ngày. Đối với trẻ em từ 11 trở lên và kể cả người lớn, thời gian tiếp xúc với thiết bị điện tử là 2 giờ/ngày. Những giới hạn thời gian này sẽ đảm bảo sức khỏe tâm thần của người xem không bị ảnh hưởng. Nhưng chuyên gia cho rằng với thực tế điều kiện ở Việt Nam, rất khó đảm bảo các con số đấy.
Có mặt tại talkshow, ông Ngô Tuấn Anh, CEO Công ty An ninh mạng thông minh SCS, cũng cho biết: “Thực tế ở Việt Nam, số liệu thống kê phải hơn cái tiêu chuẩn đó 3-4 lần”.
Hiện nay người dùng Internet ở mọi lứa tuổi thường được gọi/xem là … người dùng Internet nói chung. Tuy nhiên, nghiên cứu sâu hơn cho thấy tác động của Internet vào … người dùng Internet ở từng độ tuổi là hoàn toàn khác nhau. Chẳng hạn, các em ở độ tuổi từ 5-11 tuổi sẽ có tâm sinh lý khác, các em chịu những ảnh hưởng từ mạng internet khác so với các em từ 11-18 tuổi - lứa tuổi có nhận thức và khả năng chịu tổn thương từ những hiểm họa Internet ở mức độ khác. Ví dụ, với các em ở độ tuổi 5-11 tuổi, mức độ bắt nạt trực tuyến dẫn đến đánh nhau hầu như hiếm khi xảy ra, nhưng với các em ở độ tuổi lớn hơn, những mâu thuẫn hay bắt nạt trực tuyến có thể dẫn đến những cuộc gặp ngoài đời và đánh nhau thật.
Trong khi đó, có những ứng dụng cài đặt thuật toán khiến người xem như “bị nghiện”, vì bạn càng muốn xem một nội dung nào đó, thuật toán càng đẩy nội dung liên quan đến phần đó lên, khiến người xem không thể dứt ra khỏi chiếc màn hình. Và như vậy, có những nội dung xấu, độc liên tục xuất hiện, khiến nhận thức về cuộc sống của các bạn trẻ bị méo mó. Nó là thứ vô hình không làm hại ai cả nhưng làm trí lực của người xem lùn dần và trở nên lệch lạc.
VIỆT NAM KHÓ ÁP DỤNG GIẢI PHÁP BẢO VỆ TRẺ TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG GIỐNG TRUNG QUỐC
Câu chuyện bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng chưa bao giờ hết “nóng”, đặc biệt trong bối cảnh năm học mới sắp bắt đầu. Thời gian nào là dành cho học tập, thời gian nào để giải trí, thời gian nào để học trực tuyến, nâng cao vốn từ tiếng Anh, học Toán, Văn online… Theo ông Ngô Tuấn Anh, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng sẽ cần xem xét mối quan hệ giữa nhiều đối tượng và triển khai đồng bộ các yếu tố. Đầu tiên là trẻ em với thiết bị điện tử, thứ hai là giải pháp từ phía cơ quan nhà nước và thứ ba là các đơn vị cung cấp nội dung. Ngoài ra, không thể thiếu yếu tố gia đình, nhà trường.
Nhiều thông tin cho biết để bảo vệ trẻ em trong thế giới Internet, Trung Quốc đang đề xuất chỉ cho phép trẻ em sử dụng điện thoại từ 1 đến 2 tiếng/ngày, đồng thời yêu cầu các nhà sản xuất thiết bị có giải pháp bảo vệ trẻ em trước tác hại của thiết bị điện tử và môi trường mạng. Liệu Việt Nam có thể áp dụng những biện pháp bảo vệ cứng rắn như thế?
Ông Ngô Tuấn Anh cho rằng việc giới hạn ngay từ gốc đối với các cơ quan quản lý nhà nước cũng được coi là một mục tiêu cần phải đưa ra, nhưng để thực hiện sẽ phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của mỗi nước. “Nếu triển khai việc làm này trên diện rộng, câu chuyện không hề dễ dàng. Thiết bị di động hay các thiết bị điện tử cá nhân, xét theo một khía cạnh nào đó là vật sở hữu riêng của người dùng. Chưa kể, thiết bị có thể kết nối nhiều mạng internet khác nhau, như mạng ở nhà, ở trường học, nơi công cộng, quán cà phê… Ngoài ra, các giải pháp kiểm soát cũng cần lưu ý tình huống can thiệp quá sâu vào tính riêng tư cũng như quyền sở hữu của mọi người”, ông Ngô Tuấn Anh nói.
Chuyên gia Ngô Việt Khôi cũng cho rằng giải pháp này khó thực hiện ở Việt Nam, vì nhiều nguyên nhân. “Trung Quốc không có Facebook, không có Google, họ dùng ứng dụng nội bộ và kiểm soát rất chặt. Trong khi đó, câu chuyện này tại Việt Nam hoàn toàn khác. Bạn có từng thấy ai ở Việt Nam hút thuốc nơi công cộng bị phạt chưa? Đây là câu chuyện tương tự như vậy nếu chúng ta áp dụng việc sử dụng internet từ 1-2 tiếng/ngày cho cá nhân”, ông Khôi nói.
XÂY DỰNG “HỢP ĐỒNG” SỬ DỤNG INTERNET GIỮA BỐ MẸ VÀ CON CÁI
Rút điện, cắt Wifi là những biện pháp mà không ít ông bố bà mẹ đã áp dụng khi con chơi game hay sử dụng Internet quá đà. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đấy là những cách là “không hay lắm” và cuối cùng thì “cái gì càng cấm đoán thì lại càng thôi thúc trẻ thực hiện”.
Vì vậy, với bố mẹ, tất cả những biện pháp hành chính hay kỹ thuật đều không thay thế được việc trở thành một người bạn mà con tin cậy và lắng nghe. Nhưng đó cũng là một thách thức của nhiều người khi “làm cha mẹ”.
Một giải pháp “công bằng” được các chuyên gia đưa ra trong chương trình The Wise Talk là xây dựng cuốn sổ tay sử dụng Internet. Nó như một “hợp đồng”, với các điều khoản thỏa thuận sử dụng Internet giữa bố mẹ và con cái.
“Điều này trông rất buồn cười nhưng các con và bố mẹ sẽ cùng thảo luận, đọc và hiểu kỹ các quy định. Về sau, nếu có “tranh chấp” hay phàn nàn, bố mẹ và các con cùng đưa điều khoản ra để xem và thực hiện”, ông Ngô Việt Khôi chia sẻ kinh nghiệm. Tuy nhiên, ông Khôi cũng cho rằng đấy là cách làm “vui vui” để thực hiện khi trẻ còn ở lứa tuổi nhỏ, còn khi con đã qua tuổi teen, việc bố mẹ thường xuyên nói chuyện với con quan trọng hơn rất nhiều mọi cái biện pháp cấm đoán khác.
Ông Ngô Tuấn Anh cũng cho rằng: “Chúng ta nên tập đối thoại trong gia đình, giữa bố mẹ và con cái. Bố mẹ cũng nên lắng nghe con cái, khi đó con mới cởi mở để giao tiếp với bố mẹ và đồng thời phải có quy định thống nhất về cách dùng mạng Internet, về thời gian, về nội dung. Khi đã có một thỏa thuận thống nhất, bố mẹ có thể triển khai các biện pháp kỹ thuật để đảm bảo cả gia đình “tuân thủ hợp đồng”.