Big tech chọn đầu tư vào Malaysia, Indonesia và cơ hội cho Việt Nam
Việc Microsoft và Nvidia đầu tư vào Malaysia và Indonesia không chỉ mang lại lợi ích cho hai quốc gia này mà còn thúc đẩy sự phát triển công nghệ toàn ASEAN, trong đó có Việt Nam...
Gần đây, thế giới công nghệ trở nên nóng hơn bao giờ hết trước những thông tin về các khoản đầu tư kếch xù lên tới hàng tỷ USD của các Big Tech như: Microsoft vào Malaysia và Indonesia, hay Nvidia thiết lập trung tâm AI mới tại Indonesia. Apple trong chuyến thăm các quốc gia Đông Nam Á gần đây cũng đã đề cập đến một khoản đầu tư vào Indonesia.
Theo ông Marco Foerster, Giám đốc khu vực ASEAN tại Dezan Shira & Associates, điều này sẽ mang lại lợi ích cho toàn khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam. Thực tế, Tổng giám đốc điều hành của các tập đoàn công nghệ lớn gần đây cũng đã có những chuyến thăm, làm việc và gặp gỡ tại Việt Nam.
CƠ HỘI TỪ NHỮNG KHOẢN ĐẦU TƯ KẾCH XÙ CỦA BIG TECH VÀO ĐÔNG NAM Á
Dezan Shira & Associates là công ty tư vấn và xúc tiến đầu tư có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài với sự hiện diện ở khắp Châu Á. Trong cuộc trao đổi với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, ông Marco Foerster cho rằng: “Sự phát triển công nghệ không chỉ đơn thuần là việc đầu tư vào một quốc gia đơn lẻ mà còn là sự hưởng lợi của toàn bộ khu vực. Khi các gã khổng lồ công nghệ quyết định đầu tư vào Đông Nam Á, đó là một dấu hiệu tích cực cho toàn khối ASEAN, bao gồm cả Việt Nam”.
“Lấy ví dụ từ Liên minh Châu Âu (EU), khi một công ty như Siemens mở rộng nhà máy ở Đức, không chỉ riêng Đức được hưởng lợi. Các công ty Pháp cung cấp linh kiện, lập trình viên Ba Lan viết mã, và nhà thiết kế người Ý tạo ra sơ đồ - tất cả đều hưởng lợi từ sự hợp tác và liên kết trong khu vực EU. Tương tự, ASEAN cũng có thể hưởng lợi từ các khoản đầu tư công nghệ như vậy”, ông Marco Foerster nói.
Do đó, việc Microsoft đầu tư vào Malaysia không chỉ cải thiện năng lực công nghệ của Malaysia mà còn góp phần nâng cao trình độ kỹ năng của lực lượng lao động trong toàn khu vực. Việt Nam, với lực lượng kỹ sư và chuyên gia công nghệ ngày càng phát triển, có thể tận dụng lợi ích này để nâng cao trình độ và mở rộng hợp tác công nghệ.
Tương tự, khi Nvidia thiết lập trung tâm AI tại Indonesia, không chỉ riêng Indonesia được hưởng lợi. Các kỹ sư và chuyên gia từ toàn khu vực, bao gồm cả Việt Nam, có thể học hỏi và hợp tác, từ đó đẩy mạnh sự phát triển công nghệ AI trong toàn ASEAN.
Việt Nam đã chứng kiến sự đầu tư mạnh mẽ từ các công ty công nghệ lớn như Apple và Samsung Electronics. Những khoản đầu tư này không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho Việt Nam mà còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa tích cực cho toàn khu vực ASEAN. Các nhà máy và trung tâm nghiên cứu tại Việt Nam không chỉ phục vụ cho riêng thị trường nội địa mà còn đóng góp vào chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu, mang lại lợi ích cho các quốc gia láng giềng.
Một bằng chứng nữa cho hiệu ứng lan tỏa của đầu tư chính là sự trỗi dậy trong khu vực của những gã khổng lồ công nghệ như Grab, Gojek và Tokopedia, đã chứng minh rằng sự đầu tư và phát triển công nghệ là không biên giới. Các doanh nghiệp này đã tạo ra những cơ hội mới, không chỉ trong lĩnh vực công nghệ mà còn trong nhiều ngành công nghiệp khác, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế và công nghệ trong toàn khu vực.
ĐỂ VIỆT NAM CÓ THỂ ĐÓN ĐẦU CƠ HỘI "NƯỚC LÊN, THUYỀN LÊN"
“Nước lên, thuyền lên” là một hình ảnh lan tỏa đầu tư và phát triển công nghệ được ông Marco Foerster ví von. Trong thời kỳ bùng nổ công nghệ này, toàn bộ khu vực ASEAN đang cùng nhau tiến lên, hưởng lợi từ sự hợp tác và phát triển chung.
“Chúng ta nên nhiệt tình chào đón mọi khoản đầu tư đáng kể vào công nghệ tương lai mà chọn ASEAN làm điểm đến thay vì các khu vực khác trên toàn cầu. Ví dụ, Việt Nam có thể thu được nhiều lợi ích hơn từ một trung tâm AI ở Indonesia so với một trung tâm ở Brazil”, ông Marco Foerster nói.
Tất nhiên, để có thể hưởng lợi trong xu thế “nước lên, thuyền lên” này và không bị nhấn chìm, tụt hậu, ông Marco Foerster cũng đề xuất rằng Việt Nam phải cần cực phấn đấu thu hút các công nghệ then chốt, đặc biệt là AI, chất bán dẫn và trung tâm dữ liệu. Trong đó, điều quan trọng là phải giải quyết các thách thức pháp lý, môi trường đầu tư, những vấn đề về thiếu hụt cơ sở hạ tầng và cải thiện hiệu quả hoạt động để duy trì tính cạnh tranh của đất nước trong khu vực và trên toàn cầu.
“Việc Nvidia công bố kế hoạch xây dựng Trung tâm AI tại Indonesia nhấn mạnh sự cấp bách của việc thúc đẩy đổi mới cũng như nghiên cứu và phát triển (R&D). Nhưng nó cũng cho thấy những lựa chọn mới, và các công ty có thể sẽ chuyển sang quốc gia có giá rẻ tiếp theo trong tương lai gần. Do đó, điều quan trọng là phải ưu tiên đào tạo nhân tài kỹ thuật để đảm bảo tăng trưởng bền vững và khả năng cạnh tranh”, Giám đốc khu vực ASEAN tại Dezan Shira & Associates nói.
Nhấn mạnh cơ hội với Việt Nam, ông Marco Foerster cho rằng Việt Nam “đang ở ngã ba đường”, và cần tận dụng cơ hội vàng của nguồn vốn đầu tư nước ngoài để phát triển. “Trong thực tế, một nền kinh tế đang phát triển thực sự có thể là phương pháp tốt nhất để duy trì sự ổn định”, chuyên gia Marco Foerster nói. “Ngoài ra, những vấn đề Việt Nam nên lưu ý là cải thiện cơ sở hạ tầng (đường sắt, điện, sân bay, quản lý chất thải) và cải cách giáo dục để thúc đẩy các môn công nghệ mới, tính sáng tạo trong quá trình học tập ghi nhớ”.
Đặc biệt, ông Marco Foerster nhấn mạnh vào việc đầu tư cho giáo dục. Khi ASEAN tự khẳng định mình là một lựa chọn thay thế đáng tin cậy cho các điểm đến như Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Mỹ, Việt Nam sẽ nhận được sự đáp lại, đơn giản vì nước này ở gần hơn. Sự gần gũi của các nước ASEAN khiến Việt Nam trở thành một lựa chọn dễ tiếp cận và hấp dẫn hơn để theo đuổi các cơ hội giáo dục, cuối cùng góp phần phát triển nguồn nhân lực và tiến bộ kinh tế của Việt Nam.
Ông Marco Foerster giải thích rằng thương mại nội khối châu Âu là một ví dụ điển hình về việc sự tham gia của các nước lớn đã mang lại lợi ích như thế nào cho tất cả các nước thành viên. Khi các nền kinh tế nổi bật hơn trong EU tham gia vào thương mại, hoạt động kinh tế tổng thể và sự thịnh vượng của khu vực sẽ tăng lên.
Ngoài ra, nhu cầu thống nhất để tiếp cận thị trường EU ngày càng tăng, thu hút các doanh nghiệp từ khắp các quốc gia thành viên mong muốn khai thác cơ sở người tiêu dùng rộng lớn của EU. Hơn nữa, việc dễ dàng tiếp cận toàn bộ thị trường EU khi một doanh nghiệp thành lập ở một quốc gia thành viên sẽ nâng cao sức hấp dẫn của thương mại nội khối châu Âu.
“Mặc dù ASEAN có thể chưa liên kết chặt chẽ với nhau nhưng khối này có tiềm năng sao chép mô hình này, thúc đẩy hội nhập kinh tế và cơ hội lớn hơn trong khu vực”, ông Marco Foerster nói.