Các ngân hàng châu Á thử nghiệm nền tảng tiền số xuyên biên giới
Một số ngân hàng trung ương châu Á đang tiên phong thử nghiệm nền tảng dựa trên blockchain giúp thao tác chuyển tiền kỹ thuật số xuyên biên giới dễ dàng hơn khi tiền ảo đang bước vào thời kỳ phổ biến rộng rãi…
Theo KrASIA, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), tổ chức tài chính toàn cầu hoạt động nhằm thúc đẩy sự hợp tác và hỗ trợ giữa các ngân hàng trung ương, đã thử nghiệm thành công nền tảng blockchain cho các đồng tiền số, được gọi là mBridge. Nền tảng nhanh chóng được các ngân hàng trung ương của Hồng Kông, Thái Lan, Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất áp dụng.
Các ngân hàng trung ương trong khu vực đã phát hành tổng cộng 12 triệu USD tiền tệ kỹ thuật số trên nền tảng này.
Chính phủ trên khắp thế giới cũng đang đầu tư phát triển CBDC, các dạng kỹ thuật số đơn vị tiền tệ riêng của quốc gia đó, và sử dụng blockchain, một dạng công nghệ liên kết với tiền điện tử như Bitcoin. Mục đích chính là giúp cho hoạt động thanh toán hiệu quả hơn, đồng thời tránh sự biến động của tiền điện tử.
Trong tháng 8 và tháng 9 vừa qua, 20 ngân hàng thương mại, bao gồm HSBC, Bank of China, Bangkok Bank và First Abu Dhabi Bank, đã điều phối 164 giao dịch thanh toán thành công và ngoại hối trị giá khoảng 22 triệu USD thay mặt cho các khách hàng doanh nghiệp trong một thí điểm sử dụng CBDC được phát hành trên mBridge.
"Thí điểm đã chứng minh tiềm năng của nền tảng trong việc cải thiện tốc độ và hiệu quả thanh toán xuyên biên giới, đồng thời giảm rủi ro thanh toán trong thời gian thực", BIS cho biết thêm.
Ba loại giao dịch đã được thử nghiệm là: phát hành CBDC giữa ngân hàng trung ương và ngân hàng thương mại trong nước, thanh toán xuyên biên giới giữa các ngân hàng thương mại và trao đổi tiền tệ xuyên biên giới giữa các ngân hàng thương mại.
Các giao dịch trong quá trình thí điểm chủ yếu bao gồm một số khoản thanh toán của doanh nghiệp cho các khu định cư thương mại quốc tế đối với hàng hóa và dịch vụ, sử dụng nhiều phiên bản CBDC của đồng đô la Hồng Kông, nhân dân tệ Trung Quốc, baht Thái Lan và dirham UAE.
BIS cho biết mBridge cần được tinh chỉnh và cải thiện trước khi sẵn sàng triển khai toàn diện, đồng thời chia sẻ thêm rằng hai năm tới sẽ tập trung vào việc phát triển các công cụ bảo mật dữ liệu cũng như tích hợp các công cụ quản lý giao dịch và thanh khoản.
Những quy định và pháp lý cũng sẽ là vấn đề cần giải quyết triệt để trước khi áp dụng rộng rãi các khu định cư CBDC quốc tế trên mBridge và để mở khóa tiềm năng của các loại tiền kỹ thuật số, BIS nhận định.
"Việc mở rộng quyền truy cập trực tiếp vào tiền của ngân hàng trung ương cho những người tham gia nước ngoài và thực hiện các giao dịch chung đòi hỏi chúng tôi phải cân nhắc thêm về chính sách, quyền riêng tư dữ liệu và quản trị".
Tính đến tháng 7/2022, đã có gần 100 dự án CBDC, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Mười quốc gia đã tung ra một loại tiền kỹ thuật số, trong đó Trung Quốc đã tuyên bố sẽ mở rộng thí điểm đồng nhân dân tệ điện tử vào năm tới. Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ là số ít cái tên đã đạt được bước tiến trong năm nay với việc phát triển hoặc hoàn thành thí điểm đồng tiền kỹ thuật số quốc gia.