Các trường đại học hàng đầu Trung Quốc áp dụng chính sách kiểm duyệt nội dung AI khắt khe

Hoàng Hà
Chia sẻ

Hơn chục trường đại học hàng đầu ở Trung Quốc đã áp đặt giới hạn nội dung AI trong luận văn tốt nghiệp từ 15% đến 40%...

Trung tâm chỉ huy kỳ thi giáo dục quốc gia tỉnh Quý Châu làm việc tại một phòng giám sát được trang bị hệ thống giám sát thông minh theo thời gian thực, vào ngày đầu tiên của kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia
Trung tâm chỉ huy kỳ thi giáo dục quốc gia tỉnh Quý Châu làm việc tại một phòng giám sát được trang bị hệ thống giám sát thông minh theo thời gian thực, vào ngày đầu tiên của kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia

Các trường đại học tại Trung Quốc đang đưa ra một yêu cầu mới, đó là tất cả luận văn của sinh viên năm cuối phải được kiểm tra qua các công cụ phát hiện nội dung do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra. Nếu luận văn bị đánh dấu có hơn 30% nội dung do AI tạo ra, bài viết sẽ bị từ chối.

Một sinh viên năm cuối chuyên ngành văn học Đức tại một trường đại học ở Đông Bắc Trung Quốc cho biết cô đã tự viết bài luận dài 16 trang của mình, chỉ sử dụng ChatGPT và DeepSeek để chỉnh sửa một vài đoạn văn. Tuy nhiên, để chắc chắn, cô bỏ ra 70 nhân dân tệ (khoảng 10 USD) để kiểm tra luận văn trên một nền tảng mà trường sử dụng. Kết quả khiến cô bàng hoàng: một nửa bài luận bị đánh dấu là do AI tạo ra. “Toàn bộ quá trình này thật vô lý”, cô nói.

NGHỊCH LÝ TRONG KIỂM DUYỆT NỘI DUNG AI

Theo trang Restofworld, tại Trung Quốc, hàng chục ngàn sinh viên như vậy đang phải đối mặt với một làn sóng kiểm soát học thuật nghiêm ngặt, dẫn đến một nghịch lý: nhiều sinh viên buộc phải sử dụng các công cụ AI để qua mặt chính các bài kiểm tra được thiết kế để phát hiện nội dung do AI tạo ra.

Hơn chục trường đại học hàng đầu, bao gồm Đại học Phúc Châu, Đại học Tứ Xuyên và Đại học Giang Tô, đã áp đặt giới hạn nội dung AI trong luận văn tốt nghiệp từ 15% đến 40%. Luận văn tốt nghiệp là yêu cầu bắt buộc, không vượt qua bài kiểm tra AI có thể dẫn đến bị đuổi học hoặc trì hoãn tốt nghiệp.

Trong khi các trường đại học cho rằng các quy định này nhằm ngăn chặn gian lận học thuật, sinh viên lại phàn nàn rằng các nền tảng kiểm tra AI này không đáng tin cậy và hay gặp lỗi. Nhiều sinh viên chỉ sử dụng AI ở mức tối thiểu, hoặc thậm chí không sử dụng, vẫn bị đánh trượt.

Trên mạng xã hội, sinh viên đã bày tỏ sự thất vọng khi phải “ngu hóa” phong cách viết để tránh bị nghi ngờ, biến những bài luận mà họ tự hào thành những câu văn vụng về, ngây ngô. Khi chỉnh sửa thủ công không hiệu quả, nhiều người chuyển sang các công cụ AI được thiết kế để chỉnh sửa văn bản nhằm qua mặt hệ thống phát hiện. 

Các trường đại học chủ yếu dựa vào các công cụ do China National Knowledge Infrastructure (CNKI), Wanfang Data và Chongqing VIP – những công ty công nghệ học thuật lâu nay cung cấp dịch vụ phát hiện đạo văn – phát triển. Nhưng một số nền tảng, bao gồm Chongqing VIP và PaperPass, lại đồng thời cung cấp những dịch vụ giúp sinh viên vượt qua kiểm tra, tạo ra một vòng lặp lợi nhuận.

Sinh viên chia sẻ rằng họ bối rối trước các chính sách “đột ngột” này và cảm thấy áp lực phải trả tiền cho các dịch vụ AI để tốt nghiệp. Một số người tìm đến các nền tảng quảng cáo dịch vụ “viết lại hoàn toàn bằng con người” do các nghiên cứu sinh thực hiện, với chi phí lên đến hàng trăm nhân dân tệ (gần 100 USD). Những người khác chọn các chatbot AI giá rẻ hơn để chỉnh sửa từ vựng và cú pháp. Tuy nhiên, kết quả không đồng đều: một số dịch vụ giúp họ vượt qua bài kiểm tra, trong khi số khác lại tạo ra lỗi nghiêm trọng.

Dede, một sinh viên từ tỉnh Phúc Kiến, đã chi khoảng 500 nhân dân tệ (70 USD) cho một gia sư hứa sẽ chỉnh sửa thủ công. Mặc dù điểm AI của cô giảm, nội dung bài luận trở nên lộn xộn. Các thuật ngữ quan trọng bị hiểu sai và được thay thế bằng các từ đồng nghĩa không phù hợp. Một sinh viên cho biết dịch vụ hỗ trợ AI đã thay đổi từ “bán dẫn” trong bài luận của cô thành “0,5 dẫn”.

Các công ty dẫn đầu thị trường công nghệ học thuật hầu hết đều không phản hồi công khai về các khiếu nại. Trang web của họ đều để cảnh báo rằng “kết quả kiểm tra có thể chứa lỗi” đồng thời có những tuyên bố miễn trừ trách nhiệm tương tự. Các trường đại học cũng không lên tiếng trước thực trạng này.

Xiaobing, một sinh viên, đã thử mọi cách để vượt qua bài kiểm tra mà không cần đến AI: tái cấu trúc các lập luận trong bài luận, viết lại câu, thay đổi từ. Nhưng điểm nội dung AI của cô vẫn trên 50%. Cuối cùng, cô phát hiện ra một mẹo: thay dấu chấm bằng dấu phẩy. Các câu văn trở nên dài dòng, nhưng điểm AI của cô giảm hơn 20%. “Cảm giác như bạn bị phạt vì viết quá tốt”, cô nói. Xiaobing tốt nghiệp vào giữa tháng 6 với luận văn được trường đánh giá là 2% nội dung AI.

CẤM HAY KHÔNG CẤM SINH VIÊN SỬ DỤNG AI?

Việc sử dụng các công cụ phát hiện AI không đáng tin cậy đã gây ra tranh cãi tại Mỹ và nhiều nơi khác. Nhưng Trung Quốc nổi bật bởi tốc độ nhanh chóng mà các trường đại học lớn áp dụng chúng, bất chấp sự bùng nổ chung về sự nhiệt tình với AI.

Một số giáo sư lo ngại rằng cuộc đàn áp này dạy sinh viên những bài học sai lầm. “Vấn đề lớn hơn là các công cụ này khiến sinh viên cảm thấy sử dụng AI là điều đáng xấu hổ”, một giáo sư truyền thông từ tỉnh Sơn Đông, chia sẻ. “Giống như cách chúng ta luôn tránh giáo dục giới tính. Khi một điều gì đó không thể thảo luận một cách trung thực, nó không thể được xử lý đúng cách”.

Một số trường đại học kêu gọi một lập trường ôn hòa hơn. Vào tháng 5, Đại học Nam Kinh đã ban hành thông báo thừa nhận giới hạn của các công cụ phát hiện AI và kêu gọi giáo viên không chỉ dựa vào kết quả của chúng.

Yanzi, một sinh viên chuyên ngành kinh doanh từ Sơn Đông, ban đầu lo sợ các công cụ phát hiện AI sẽ đánh cắp công sức của cô. Nhưng sau khi bạn cùng lớp phàn nàn về kết quả “dương tính giả”, cô đã kiểm tra luận văn tự viết qua CNKI. Kết quả cho thấy hơn 30% nội dung là do AI tạo ra.

Cô đã thử viết lại từng dòng, nhưng vẫn không qua được. Với thời hạn chỉ còn bốn ngày, cô đành bỏ ra 16 nhân dân tệ (2 USD) cho một công cụ khởi nghiệp AI hứa sẽ chỉnh sửa văn bản để vượt qua phát hiện AI. “Thật đáng sợ,” cô chia sẻ và lo ngại nguy cơ không tốt nghiệp.

Trước khi có chính sách mới, các sinh viên hầu như chưa từng nghe rằng việc sử dụng AI trong bài tập là bị cấm. Việc sinh viên công khai sử dụng AI là điều phổ biến. Một số giáo viên thậm chí còn khuyến khích sinh viên sử dụng AI để nghiên cứu.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con