Được biết, trước khi bước chân vào lĩnh vực đầu tư mạo hiểm, Dung từng có một công việc nhiều người mơ ước tại IBM. Vậy Dung có thể chia sẻ với Seal the Deals đâu là lý do đưa chị đến với “cơ duyên” đầu tư mạo hiểm?
Có một cụm từ có lẽ sẽ miêu tả đầy đủ nhất về lý do tôi bước vào lĩnh vực đầu tư mạo hiểm, đó là “Connecting the dots” - sự kết nối, kết nối tất cả các điểm trải nghiệm của mình từ khi là sinh viên năm 3 khoa kinh tế trường Đại học Osaka Nhật Bản, cho đến khi làm việc ở IBM, và những trải nghiệm thông qua hoạt động hỗ trợ các công ty khởi nghiệp trong chương trình IBM Blue Hub.
Chuỗi trải nghiệm này giúp mình có một bài học vô cùng quan trọng, đó là khởi nghiệp nên được chắp cánh từ những nền tảng kiến thức và có những đòn bẩy đằng sau. Những đòn bẩy đó chính là những nguồn lực quan trọng, như kinh nghiệm khởi nghiệp, công nghệ và cũng như các mối quan hệ cần thiết để hỗ trợ công ty phát triển. Hai chuỗi trải nghiệm đấy khiến cho mình rất thấm thía về những điều một startup thực sự cần thiết để có thể gia tăng cơ hội chiến thắng và thành công trong tương lai.
Sau những trải nghiệm ở IBM Blue Hub, mình cảm thấy đã đến lúc muốn dấn thân sâu hơn nữa và hệ sinh thái khởi nghiệp để trực tiếp đồng hành cùng các công ty khởi nghiệp, hỗ trợ kết nối những nguồn lực cần thiết để startup phát triển. Và nghề đầu tư mạo hiểm là một trong những công việc có thể giúp mình thực hiện điều đó, do đó mình quyết định đầu quân cho Genesia Ventures.
Những thách thức lớn nhất mà chị gặp phải khi bước chân vào lĩnh vực đầu tư mạo hiểm, nhất là trong suốt hơn 2 năm đại dịch vừa qua là gì?
Thách thức lớn nhất của tôi khi tham gia vào quỹ đầu tư mạo hiểm là những rào cản thông tin. Thực sự, trong hoạt động đầu tư tài chính nói chung cũng như đầu tư mạo hiểm nói riêng, vấn đề thông tin bất đối xứng là một trong những vấn đề vô cùng nan giải, cản trở mình tiếp cận thông tin đúng và đủ.
Khó khăn sẽ xảy ra khi một trong hai bên hoặc cả hai bên không hiểu nhau, song lại không có cơ hội tìm hiểu lẫn nhau, xây dựng niềm tin và đồng hành với nhau một cách dài hạn. Đặc biệt, điều này đã trở thành một thách thức rất lớn với tôi khi làm ở quỹ đầu tư mạo hiểm những ngày đầu tiên tại thị trường Nhật Bản, khi mình vừa là nữ giới và vừa là người nước ngoài, phải đối mặt với nhiều rào cản thông tin.
Thêm một điều nữa là bản thân các công ty khởi nghiệp ở giai đoạn sớm các bạn không có nhiều dữ liệu về tài chính, không có nhiều thông tin sẵn để có thể tìm kiếm. Tình thế này đòi hỏi phải có năng lực đi tìm thông tin, đặc biệt với những người mới vào nghề. Đây cũng là một trong những hạn chế khi mình không có những mối quan hệ, những network (mạng lưới) cần thiết để có thể đào sâu thông tin.
Tôi luôn luôn nỗ lực hạn chế và khắc phục những rào cản này bằng cách lăn xả và xây dựng các mối quan hệ thân thiết, từ đó có thể tìm ra nhiều thông tin quan trọng giúp ích cho hoạt động đầu tư và hỗ trợ các công ty startup.
Bên cạnh đó, tôi cũng nhận thức được vấn đề thông tin bất đối xứng tồn tại trong thế giới đầu tư khởi nghiệp, cụ thể là giữa các quỹ đầu tư và startup – khi quỹ không thể hiểu được hết về startup và startup cũng không thể hiểu hết được các quỹ nghĩ gì. Do đó, đây là động lực rất lớn để tôi từ khi bắt đầu sự nghiệp đầu tư của mình tới nay, bền bỉ viết blog zunzunstartups để chia sẻ những bài học quan trọng từ sự quan sát và kinh nghiệm đồng hành ở cự ly gần với các công ty startup của mình, với mong muốn mạnh mẽ là để kéo gần khoảng cách thông tin giữa startup và các quỹ đầu tư lại với nhau hơn.
Theo như chị vừa chia sẻ, startup cần liên tục cung cấp thông tin cho các quỹ đầu tư. Trong một tình huống ngược lại, đâu là yếu tố để quỹ quyết định rót vốn vào công ty này mà không phải công ty khác, khi cùng một lĩnh vực có nhiều startup và startup nào cũng đã cung cấp đầy đủ thông tin?
Yếu tố mà các quỹ đầu tư mạo hiểm cực kỳ coi trọng, đặc biệt là với Genesia Ventures, một quỹ đầu tư đến từ Nhật Bản, chuyên tập trung đầu tư vào giai đoạn sớm, chính là con người - ở đây là đội ngũ sáng lập.
Lý do là trong rất nhiều các thành tố của một công ty khởi nghiệp, từ mô hình kinh doanh, sản phẩm, thậm chí là thị trường startup này nhắm đến, đó thật sự là những yếu tố hoàn toàn có thể thay đổi, khả biến được. Nếu đội ngũ đủ mạnh, đủ bản lĩnh thì các bạn hoàn toàn có thể chèo lái công ty phát triển vượt trội trước đối thủ của mình. Do đó, yếu tố con người là điều vô cùng quan trọng.
Tuy nhiên, các quỹ đầu tư sẽ nhìn vào điều gì trong yếu tố con người, đây là câu hỏi mà chắc chắn ai trong chúng ta cũng muốn đi tìm câu trả lời.
Quỹ đầu tư mạo hiểm luôn luôn mong mỏi đi tìm thứ vô cùng quan trọng trong yếu tố con người, đấy là tính kết nối. Họ kết nối với động lực khởi nghiệp của mình. Họ kết nối với những trải nghiệm, kinh nghiệm trước đó ra sao để đi đến được sản phẩm như hiện nay. Sự kết nối của họ đến từ chính kết nối với khách hàng, thuyết phục sử dụng sản phẩm của mình. Họ kết nối với đồng đội để đưa doanh nghiệp đi xa, nhanh và đi được một cách bền vững nhất có thể.
Vậy ngoài đánh giá về tính kết nối hay đội ngũ con người, còn những nút thắt nào nữa khiến các quỹ đầu tư lớn nước ngoài e ngại đầu tư vào thị trường Việt Nam?
Dung tin rằng một trong những nút thắt vô cùng quan trọng nằm ở các thủ tục pháp lý. Nút thắt này khiến các công ty khởi nghiệp, đặc biệt là các công ty ở giai đoạn sớm, mất hàng tháng trời hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết để có thể sẵn sàng cho các quỹ đầu tư nội và quỹ đầu tư ngoại đồng hành trong cùng một vòng đầu tư.
Điều này vô hình trung sẽ cướp đi rất nhiều cơ hội cũng như nguồn lực, về cả thời gian và tiền bạc khiến các startup không thể nhanh chóng hoàn tất vòng gọi vốn và tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi, thúc đẩy công ty phát triển. Rất hy vọng trong khoảng thời gian tới, tất cả chúng ta cùng đồng lòng, các cơ quan chính phủ cũng như các ban ngành và các công ty khởi nghiệp sẽ có những hướng đi chung đồng nhất cũng như rõ ràng nhất, tạo điều kiện cho các thủ tục pháp lý trở nên tinh giản, rút ngắn nhiều thời gian và nguồn lực cần thiết, làm sao cho tất cả mọi người có thể cùng nhau nhanh chóng “lên thuyền” và đưa “con thuyền” đó phát triển thay vì dành quá nhiều thời gian khởi động.
Thương vụ đầu tư nào của Genesia Ventures ở Việt Nam từng khiến chị ấn tượng nhất và thương vụ nào được chốt nhanh nhất và vì sao?
Câu hỏi đầu tiên là về thương vụ nào khiến cho tôi cảm thấy ấn tượng nhất? Thật ra đây cũng là một deal đánh dấu thương hiệu đầu tư đầu tiên của tôi khi từ Nhật Bản trở về Việt Nam vào tháng 9/2019. Đó là một trải nghiệm khá thú vị khi bản thân mình cảm thấy được nỗi đau của thị trường.
Cụ thể, khi mới về Việt Nam, tôi vẫn chưa quen với thời tiết và nhanh chóng bị ốm. Khi đó mình đi qua một vài hiệu thuốc nhỏ lẻ trên đường và mua thuốc về uống, tuy nhiên không cảm thấy hiệu quả rõ rệt và mình vẫn cảm thấy vẫn mệt mấy ngày sau đó.
Đó chính là thời điểm tình cờ khiến mình có cơ hội cân nhắc đầu tư vào nền tảng phân phối dược phẩm. Thông qua khảo sát thị trường, mình cũng nắm được thông tin là tại thời điểm đó, thị trường cũng có đến 30% các loại thuốc bị trà trộn và không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo về chất lượng. Từ dữ liệu thông tin đấy, mình có những nghi ngại là có thể thuốc mình dùng thời điểm đó không đảm bảo chất lượng, do đó hiệu quả chữa trị không tốt.
Từ chính trải nghiệm thực tế đó của bản thân, mình cảm thấy không có gì tuyệt vời hơn khi mỗi một người dân có cơ hội được tiếp cận với nguồn thuốc dược phẩm uy tín chất lượng và đảm bảo được công lực chữa trị. Càng ngày, mình càng quyết tâm hơn với nung nấu phải có một giải pháp như vậy trên thị trường. Đó cũng là lý do thúc đẩy mình cùng Genesia Ventures ra quyết định rất tự tin và đầy kỳ vọng vào thương vụ đầu tư thuocsi.vn hay được gọi là Buymed.
Đây là nền tảng phân phối dược phẩm dành cho các nhà thuốc, từ đó các nhà thuốc có cơ hội tiếp cận những sản phẩm dược phẩm uy tín chất lượng cao, minh bạch về giá cả cũng như nguồn gốc xuất xứ. Những người tiêu dùng cuối như chúng ta có cơ hội tiếp cận với những sản phẩm thuốc như vậy. Đấy chính là thương vụ đáng nhớ nhất với Dung khi mình là một phần trong cuộc và mong muốn hơn bao giờ hết là mang đến một giá trị như vậy cho thị trường.
Về câu hỏi thứ hai liên quan đến thương vụ chốt deal nhanh nhất, có lẽ đó là với Fundiin, một công ty thuộc kiểu “Buy Now Pay Later”, nền tảng mua trước trả sau tại thị trường Việt Nam. Đây cũng chính là công ty khởi nghiệp mà Genesia Ventures đã ra quyết định đầu tư chỉ trong vòng một tháng, từ buổi họp đầu tiên cho đến lúc kết thúc giải ngân và hoàn thành thương vụ đầu tư.
Thật ra bối cảnh đầu tư vào startup này cũng rất thú vị. Đó là vào thời điểm tháng 8/2021 khi mọi người đang phải thực hiện giãn cách nghiêm ngặt và không ai có thể ra ngoài. Nhà sáng lập cũng ở trong một thành phố với mình, nhưng mình cũng không thể đi gặp đội ngũ sáng lập cũng như đến thăm trực tiếp công ty. Tất cả mọi thứ chỉ giao tiếp thông qua nền tảng trực tuyến.
Tuy nhiên nhà sáng lập có năng lực và bản lĩnh rất lớn khi có thể xây dựng được niềm tin với các quỹ đầu tư trong đó có Genesia, bởi chỉ trên nền tảng trực tuyến, nhưng đã có thể khiến tất cả mọi người đồng hành, nhìn chung về một hướng và quyết định đầu tư. Đấy cũng là thương vụ khiến tôi nhận ra một điều vô cùng quan trọng, đó là dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, có trở ngại về vật lý hay khoảng cách, nhưng chúng ta cùng hướng về một điểm nhìn, chúng ta có đầy đủ thông tin, chúng ta dựng niềm tin và sự tin tưởng đồng hành với nhau thì thương vụ hoàn toàn có thể thực hiện được.
Đó có lẽ là thương vụ mà quỹ Genesia đã thực hiện giải ngân, chốt deal nhanh nhất lịch sử toàn bộ tất cả các thương vụ đầu tư trên toàn thế giới của Genesia từ trước đến nay.
Trong những ngày đầu tiên, nhiều startup đứng trước bài toán cần có thời gian để chứng minh công ty của họ có thể đạt doanh thu hay lợi nhuận như sự kỳ vọng của nhà đầu tư. Với các nhà đầu tư như Dung và Quỹ Genesia, có cách nào để cân bằng và hài hòa các yếu tố khi quyết định đầu tư cho startup?
Để trả lời câu hỏi này, tôi muốn chia sẻ một nội dung vô cùng quan trọng của giáo sư Clayton Christensen đến từ trường Đại học Harvard Business School, khi thầy chia sẻ về học thuyết “Good money and bad money” (“Tiền tốt, tiền xấu”).
Nội dung quan trọng nhất của học thuyết nói về tư duy của nhà đầu tư. Họ nên kiên nhẫn với cái gì và không nên kiên nhẫn với cái gì. Theo đó, nhà đầu tư nên kiên nhẫn với các công ty khởi nghiệp ở giai đoạn sớm, các bạn phải thật sự kiên nhẫn để tìm ra công thức chiến thắng với sản phẩm phù hợp với thị trường, tìm được mô hình tăng trưởng có thể tạo ra lợi nhuận bền vững và tạo ra được quy trình vận hành có thể mở rộng. Từ đấy cho đến lúc đạt được mục tiêu kể trên, cả nhà đầu tư lẫn nhà sáng lập đều không được vội vàng, không được đặt quá nhiều áp lực tăng trưởng không cần thiết bằng mọi giá. Mặt khác, cái họ không nên kiên nhẫn là startup cần tìm mọi cách, thử nghiệm nhiều lần để tìm ra công thức chiến thắng bằng mọi chi phí và nhanh nhất có thể.
Do đó, bài học rút ra ở đây là tôi muốn bản thân các nhà sáng lập cũng như nhà đầu tư nên có tiếng nói chung, có điểm nhìn chung. Từ đó, họ có thể đồng hành với nhau, hiểu được nhau là ai, chúng ta đang ở giai đoạn nào, đang cần cái gì. Điều gì cần sự kiên nhẫn và điều gì không nên kiên nhẫn? Qua đó có được mối quan hệ hợp tác lâu dài và hiệu quả nhất có thể.
Giới quan sát nhận định thời gian này đang là “mùa đông gọi vốn” của startup. Vậy Genesia có định hướng như thế nào trong các kế hoạch rót vốn hay chiến lược đầu tư ở thị trường Việt Nam hiện tại và trong thời gian tới?
Thật sự thì trong bối cảnh mọi người gọi là “mùa đông gọi vốn” như hiện nay, Genesia Ventures sẽ không giảm tốc độ đầu tư, thay vào đó vẫn sẽ tích cực đầu tư. Bởi vì hơn bao giờ hết, Genesia chuyên đầu tư vào các công ty ở giai đoạn sớm từ giai đoạn hạt giống và đầu tư với trọng tâm chính là con người cũng như tiềm năng của thị trường với tầm nhìn dài hạn. Do đó, “mùa đông gọi vốn” như hiện nay chỉ mang tính chất tạm thời vào thời điểm này thôi, nó không phải lý do chính để hạn chế tốc độ đầu tư và Genesia Ventures vẫn tích cực đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Dung có dự đoán như thế nào về bức tranh đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam so với các quốc gia khác, về các yếu tố như quy mô của deals hay tốc độ làm deals, tốc độ rót vốn, giải ngân trong tương lai?
Có lẽ vẫn sẽ có một thông tin tích cực dành cho hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam. Đó là trong giai đoạn hiện nay, rất nhiều các quỹ đầu tư nội và ngoại vừa công bố kết thúc vòng gọi vốn mới cho quỹ của họ. Điều này cho thấy có rất nhiều các quỹ đầu tư có nguồn lực dồi dào để tiếp tục hoạt động đầu tư và giải ngân đầu tư.
Với các công ty startup ở giai đoạn hạt giống, lần đầu tiên tiếp cận với quỹ đầu tư, các bạn có một đội ngũ rất mạnh, dày dạn kinh nghiệm, tập trung vào một thị trường tiềm năng phát triển với tầm nhìn dài hạn có thể tiếp cận với các quỹ đầu tư mạo hiểm ở giai đoạn hạt giống như Genesia Ventures để nhận vốn đầu tư.
Tuy nhiên, với các công ty startup đã trải qua ít nhất một vòng gọi vốn, các bạn sẽ phải rất cẩn thận trong việc chia sẻ thông tin về hiệu quả các bạn sử dụng vòng vốn trước đó trong việc phát triển kinh doanh ra sao, sản phẩm đã phù hợp với thị trường cụ thể như thế nào, thực tế khách hàng sử dụng sản phẩm ra sao. Đấy sẽ là những thông tin vô cùng quan trọng mà startup phải thuyết phục các nhà đầu tư tiềm năng của mình.
Trong giai đoạn hiện nay, các quỹ đầu tư đang “siết chặt kỷ luật đầu tư” hơn. Họ sẽ dành nhiều thời gian để thẩm định công ty khi họ cất nhắc đầu tư, do đó giai đoạn này có thể sẽ tốn thời gian hơn một chút xíu. Các startup sẽ phải kiên nhẫn, bền bỉ để thuyết phục các quỹ đầu tư.
Dung tin rằng thời của những dòng tiền dễ dãi đã qua, bây giờ là thời của kỷ luật đầu tư, sử dụng dòng tiền một cách thực sự hiệu quả, xây dựng được sức mạnh nội tại của tổ chức.
VnEconomy 13/09/2022 06:00
06:00 13/09/2022