Lời giải cho bài toán khơi thông vốn vay từ ngân hàng tới Startup tại Việt Nam

Hoàng An
Chia sẻ

Sự chuyển dịch lớn trong tư duy tín dụng, từ mô hình cho vay dựa trên tài sản thế chấp sang đánh giá dựa trên dòng tiền và dữ liệu kinh doanh có thể giúp dòng vốn ngân hàng tiếp cận startup hiệu quả, tạo nền tảng phát triển bền vững cho hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam…

Sự chuyển dịch lớn trong tư duy tín dụng, từ mô hình cho vay dựa trên tài sản thế chấp sang đánh giá dựa trên dòng tiền và dữ liệu kinh doanh có thể giúp dòng vốn ngân hàng tiếp cận startup hiệu quả,
Sự chuyển dịch lớn trong tư duy tín dụng, từ mô hình cho vay dựa trên tài sản thế chấp sang đánh giá dựa trên dòng tiền và dữ liệu kinh doanh có thể giúp dòng vốn ngân hàng tiếp cận startup hiệu quả,

Vừa qua, Hội nghị Banking Innovation For Startups do Genesia Ventures và Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đồng tổ chức đã thu hút sự quan tâm lớn từ các nhà sáng lập startup, quỹ đầu tư, tổ chức tài chính trong và ngoài nước, cùng đại diện các cơ quan phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam. Tâm điểm của Hội nghị là tìm kiếm lời giải cho bài toán làm sao để dòng vốn từ ngân hàng – nguồn tài chính lớn và ổn định nhất – có thể thực sự chảy vào startup, trở thành vùng đệm phát triển bền vững cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Bà Hoàng Thị Kim Dung, Giám đốc Quốc gia quỹ Genesia Ventures, đã chia sẻ những đúc kết quan trọng từ Hội nghị, nhấn mạnh kỷ nguyên mới mà công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. "Startup ngày càng được tạo điều kiện với nhiều chính sách tiến bộ, điển hình là Nghị quyết 68 của Chính phủ," bà Dung nhận định. "Nghị quyết này khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay dựa trên phương thức sản xuất kinh doanh, dữ liệu, dòng tiền, chuỗi giá trị, và xem xét các tài sản bảo đảm bao gồm cả tài sản vô hình, tài sản hình thành trong tương lai, cùng hình thức cho vay tín chấp".

Điều này đã tạo ra sự chuyển dịch lớn trong tư duy tín dụng, từ mô hình cho vay dựa trên tài sản thế chấp sang đánh giá dựa trên dòng tiền và dữ liệu kinh doanh, giúp startup và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo dễ dàng tiếp cận vốn hơn. Tuy nhiên, để Nghị quyết không chỉ nằm trên giấy, chúng ta thực sự cần những người tiên phong.

ĐỘT PHÁ TỪ SỰ THAY ĐỔI TƯ DUY TÍN DỤNG NỘI TẠI NGÂN HÀNG

Genesia Ventures là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện điều này. Tháng 9 năm 2024, quỹ đã ký kết hợp tác chiến lược toàn diện với OCB, triển khai sản phẩm cho vay không tài sản bảo đảm dành riêng cho các startup có thời gian hoạt động từ 1 năm trở lên. Theo đó, startup có thể vay vốn đến 3 tỷ đồng trong thời gian tối đa 12 tháng để bổ sung vốn lưu động, tài trợ thương mại, phát hành bảo lãnh phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bà Hoàng Thị Kim Dung (bìa trái) và ông Phạm Hồng Hải, CEO ngân hàng OCB (bìa phải) trong một phiên thảo luận
Bà Hoàng Thị Kim Dung (bìa trái) và ông Phạm Hồng Hải, CEO ngân hàng OCB (bìa phải) trong một phiên thảo luận

"Từ khi triển khai, đã có 4 startup trong danh mục đầu tư của Genesia Ventures tiếp cận sản phẩm này từ OCB. Trong quá trình đồng hành, chúng tôi nhận thấy sự chuyển hóa mạnh mẽ trong tư duy tín dụng, với cách tiếp cận đổi mới từ bên trong ngân hàng", bà Dung chia sẻ.

Bà Dung phân tích thêm, trong nhiều năm, hệ thống ngân hàng truyền thống vận hành dựa trên bảo toàn rủi ro bằng tài sản thế chấp. Nhưng với startup, họ có mô hình kinh doanh mới mẻ, tốc độ tăng trưởng nhanh, đi kèm rủi ro cao và tài sản vật lý ít ỏi. Nếu cứ nhìn bằng "lăng kính cũ", rất khó để ngân hàng đồng hành cùng sự đổi mới của nền kinh tế.

"Tuy nhiên, một số ngân hàng tiên phong như OCB đang cho thấy tư duy dịch chuyển. Ngân hàng đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến mô hình kinh doanh, kế hoạch phát triển, sự ổn định dòng tiền và – quan trọng nhất – chính con người sáng lập doanh nghiệp," bà Dung nhấn mạnh.

Trong đó, dòng tiền được coi là "tài sản mềm" vô cùng quan trọng. OCB đã tập trung vào yếu tố dòng tiền bên trong doanh nghiệp khi đánh giá tín dụng cho startup tiếp cận khoản vay không cần tài sản đảm bảo. Điều kiện cần là dòng tiền của startup phải chảy qua ngân hàng để ngân hàng theo dõi và kiểm soát rủi ro. Ngoài ra, nếu startup có khách hàng là đối tác lớn, đảm bảo ít rủi ro với khoản phải thu, có dòng tiền doanh thu đều đặn, minh bạch thì cũng rất phù hợp.

Không dừng lại ở đó, nhà sáng lập là "tài sản cứng" đáng giá nhất, là "chỉ số" cần phân tích sâu sắc nhất để "chấm điểm tín dụng". Kinh nghiệm, cam kết, tinh thần kiên định, khả năng phục hồi sau thất bại, sự minh bạch trong quản trị – đó là những điều quan trọng không kém báo cáo tài chính, thậm chí là yếu tố quan trọng nhất.

Bà Dung cũng trích dẫn chia sẻ của ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc OCB, trong phiên Fireside Chat: "Thay đổi tư duy không hề dễ dàng, nhưng nếu không thay đổi, ngân hàng sẽ bị bỏ lại phía sau trong cuộc chơi đổi mới sáng tạo. Trong bối cảnh Nghị định 68 và startup là mạch sống mới của nền kinh tế, ngân hàng không thể đứng ngoài cuộc, mà phải trở thành huyết mạch dẫn dòng vốn thông minh, linh hoạt và chiến lược để thúc đẩy kênh tiếp cận vốn cho startup phát triển bền vững."

Để mở được cánh cửa tín dụng này, startup cần chuẩn bị một cách bài bản, minh bạch và chiến lược. Bà Dung đưa ra những yếu tố then chốt. Thứ nhất là Báo cáo tài chính – Nền tảng bắt buộc: Đây không chỉ là tài liệu để ngân hàng đánh giá tình hình kinh doanh mà còn là "ngôn ngữ chung" giữa doanh nghiệp và tổ chức tài chính. Startup cần có CFO hoặc nhân sự tài chính hiểu sâu về quản trị dòng tiền, chi phí và cấu trúc vốn để xây dựng niềm tin với ngân hàng.

Thứ hai là Thiết lập giao dịch từ trước – Tạo dữ liệu và niềm tin. Cụ thể, các chương trình vay tín chấp như gói vay 3 tỷ của OCB thường yêu cầu doanh nghiệp đã sử dụng ít nhất ba sản phẩm dịch vụ ngân hàng (tài khoản doanh nghiệp, dịch vụ chuyển khoản, thu hộ, quản lý dòng tiền). Điều này giúp ngân hàng có cơ sở dữ liệu để đánh giá và chứng minh startup đang xây dựng mối quan hệ dài hạn.

Bà Dung cho biết thêm, quy trình hồ sơ vay vốn trong gói vay 3 tỷ VND của OCB đã được chuẩn hóa, nhanh chóng, hiệu quả, phù hợp với quy mô vận hành tinh gọn của startup. Danh sách hồ sơ được cung cấp sẵn và ngân hàng có thể phản hồi trong 1-3 ngày làm việc.

CASE STUDY ĐIỂN HÌNH

Thành công của M Village – một trong những startup Genesia Ventures đầu tư tại Việt Nam được xem là một trong những trường hợp điển hình. M Village, chuỗi khách sạn lưu trú phong cách với 47 cơ sở và đang phát triển thêm 8 cơ sở, là startup đầu tiên trong lịch sử ngân hàng tại Việt Nam tiếp cận được khoản vay trung hạn 5 năm không tài sản đảm bảo từ OCB với tổng vốn 100 tỷ VNĐ.

Đặc biệt, OCB đã giải ngân toàn bộ khoản vay thay vì giải ngân theo từng dự án, cho phép M Village giữ tiền trong tài khoản ngân hàng và tiếp cận ngay khi cần đầu tư, đảm bảo sự linh hoạt hiệu quả. "Đối với M Village, OCB có thể được coi là một 'Growth Partner' vô cùng quan trọng và chiến lược," bà Dung nhận định.

Quá trình thẩm định tín dụng cho M Village là một trường hợp đặc biệt. OCB đã đi sâu hơn vào cấu trúc và tiềm năng thật sự của doanh nghiệp, tìm câu trả lời thuyết phục cho các câu hỏi quan trọng như: Startup có tạo ra giá trị gia tăng thực sự không? Nhà sáng lập có đang "sống chết" với doanh nghiệp? Doanh nghiệp có hiểu rõ điểm hòa vốn và kế hoạch kiểm soát dòng tiền, chi phí? Nếu nhà đầu tư rút vốn, ngân hàng có bị ảnh hưởng? Startup có chiến lược tài chính dài hạn thay thế nào? "Đây là những câu hỏi quan trọng, không nhằm làm khó doanh nghiệp, mà là cách để cả hai bên cùng hiểu, cùng tin, và cùng đi đường dài," bà Dung giải thích.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Hải Ninh, nhà sáng lập M Village, đã chia sẻ một bài học quan trọng: Nhà sáng lập cần thường xuyên đọc bảng cân đối kế toán (Balance Sheet). "Chỉ khi đọc bảng cân đối kế toán, nhà sáng lập mới biết tiền đang ở đâu, khoản phải thu, phải trả có ổn không, có khoản nào bị 'treo' không. Điều này giúp tối ưu dòng tiền doanh nghiệp rất tốt," ông Ninh nhấn mạnh.

Ông Ninh còn đưa ra một lời khuyên "ngược đời": "Khi startup có tiền, hãy đi vay ngân hàng." Ông giải thích: "Về bản chất, khi doanh nghiệp còn tiền, có nghĩa là có nhiều sự lựa chọn. Ngược lại, khi startup hết tiền, sẽ mất hết lựa chọn. Khi có tiền, startup có thể tự tin đưa báo cáo tài chính cho ngân hàng thấy tiền trong tài khoản còn đầy, ngân hàng có thể tự tin cho vay." Đây là chiến lược giúp startup tận dụng đòn bẩy từ vốn đầu tư, chủ động tiếp cận dòng vốn dồi dào hơn để an tâm tập trung phát triển dài hạn.

ĐỀ XUẤT PHỔ CẬP BANKING INNOVATION CHO STARTUP VIỆT

Hướng tới việc mở rộng kênh tiếp cận vốn ngân hàng cho startup Việt, ông Nguyễn Hữu Minh Hoàng, nhà sáng lập BuyMed, đã chia sẻ hai đề xuất quan trọng tại Hội nghị.

Thứ nhất là điều chỉnh cấu trúc thưởng phạt đi kèm KPI cho nhân viên ngân hàng. Cụ thể, cần khuyến khích và tạo động lực cho nhân viên ngân hàng cho startup vay nhiều hơn. Cụ thể, trong lĩnh vực cho vay đổi mới sáng tạo, nhân viên thành công nên được thưởng cao, còn thất bại thì không bị phạt. Nếu chỉ thưởng dựa trên tỷ lệ phần trăm khoản vay, phần thưởng sẽ quá thấp, không đủ hấp dẫn so với việc cho vay bất động sản hoặc các khoản vốn lớn khác. Gói vay cho startup là gói đặc thù: cần ít vốn, có rủi ro cao, nhưng nếu thành công thì mang lại giá trị lớn.

Thứ hai là đa dạng hóa các gói cho vay. Theo đó, ngân hàng có thể mở rộng chương trình cho nhiều nhóm startup với nhu cầu vốn khác nhau theo từng giai đoạn phát triển, bằng việc chia nhỏ, đa dạng hóa các gói cho vay, ví dụ từ vài ngàn, vài chục ngàn USD. Điều này sẽ tăng tính linh hoạt, thực tiễn và giảm thiểu rủi ro cho vay tập trung.

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con