Mastercard loại bỏ việc nhập thẻ thủ công cho các khoản thanh toán trực tuyến vào năm 2030
Bắt đầu từ năm 2030, Mastercard sẽ không yêu cầu người dân Châu Âu nhập số thẻ theo cách thủ công khi thanh toán trực tuyến dù thực hiện thao tác trên bất kể nền tảng hay thiết bị nào…
Trải nghiệm thanh toán sản phẩm và dịch vụ trực tuyến có thể sẽ khác đi rất nhiều trong một vài năm tới, CNBC đưa tin.
Mastercard chính thức thông báo trong cuộc trò chuyện với CNBC mới đây rằng bắt đầu từ năm 2030, hãng sẽ không yêu cầu người dân Châu Âu nhập số thẻ theo cách thủ công khi thanh toán trực tuyến, bất kể họ đang sử dụng nền tảng hoặc thiết bị nào. Cụ thể hơn, dự kiến đến năm 2030, toàn bộ thẻ mà hãng phát hành trực tuyến tại Châu Âu sẽ được mã hóa. Thay vì số thẻ gồm 16 chữ số mà người dùng vẫn quen sử dụng để giao dịch, tài khoản sẽ được thay thế bằng mã token được tạo ngẫu nhiên.
Công ty tiết lộ đang làm việc với nhiều ngân hàng, tổ chức fintech, doanh nghiệp và các đối tác khác để loại bỏ dần việc nhập thẻ thủ công trong thanh toán thương mại điện tử ở Châu Âu, chuyển sang sử dụng hình thức one-click payments (một cú nhấp chuột duy nhất) trên tất cả nền tảng trực tuyến.
Phương thức sẽ đảm bảo thẻ của tiêu dùng an toàn trước hầu hết nỗ lực gian lận, Mastercard nhấn mạnh. Bởi lẽ, người dùng không cần phải liên tục nhập mật khẩu mỗi khi thanh toán vì Mastercard đang giới thiệu hình thức mã số mới thay thế cho password thông thường. Tính năng cũng sẽ cho phép khách hàng thực hiện thanh toán bằng xác thực sinh trắc học chẳng hạn như dấu vân tay.
Thẻ được lưu trữ trên trang bán hàng hoặc ví điện tử thông qua mã token được cập nhật tự động khi thay thế hoặc gia hạn.
GIẢM THIỂU GIAN LẬN
Mastercard khẳng định việc mã hóa toàn bộ thẻ giao dịch trên các trang thương mại điện tử sẽ giảm đáng kể tỷ lệ gian lận.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Juniper Research, thiệt hại do gian lận thanh toán trực tuyến dự kiến vượt quá 91 tỷ USD vào năm 2028, nâng con số tổng cộng lên hơn 362 tỷ USD trong 5 năm tới.
Mastercard công bố quá trình áp dụng mã token đã tăng với tốc độ 50% mỗi năm và hiện có thể xử lý khoảng 25% khối lượng giao dịch thương mại điện tử toàn cầu thông qua hệ thống.
Mastercard tập trung triển khai hoạt động tại Châu Âu vì lục địa này từ lâu luôn dẫn đầu về đổi mới thanh toán, chẳng hạn như xu hướng thanh toán không tiếp xúc hay ngân hàng số, tạo điều kiện thuận lợi cho người dùng chia sẻ dữ liệu tài khoản để truy cập nhiều sản phẩm tài chính mới.
Ông Valerie Nowak, Phó Chủ tịch điều hành mảng sản phẩm và đổi mới tại Mastercard Europe, khẳng định trong một tuyên bố: “Ở Châu Âu, chúng tôi đã chứng kiến cuộc cách mạng token hóa trên toàn hệ sinh thái, mang tới sự tiện lợi và tỷ lệ gian lận giảm đáng kể. Chúng tôi tin tưởng việc đạt được tầm nhìn vào năm 2030 sẽ mang lại kết quả các bên cùng có lợi, cho cả người mua hàng, nhà bán lẻ cũng như nhà phát hành thẻ”.
NHÌN LẠI HÀNH TRÌNH THANH TOÁN ĐIỆN TỬ
Từ lần đầu tiên ra mắt thẻ tín dụng vào những năm 1950 và 1960, cho đến quá trình chuyển sang thanh toán mọi giao dịch trực tuyến cùng với phạm vi hoạt động rộng khắp của Internet kể từ đầu những năm 2000, cách người dùng thanh toán sản phẩm và dịch vụ đã trải qua nhiều thay đổi đáng kể trong một vài thập kỷ qua.
Trong khoảng thời gian đầu khi thẻ tín dụng lần đầu tiên được giới thiệu tới công chúng, nhân viên ngân hàng phải kiểm tra số thẻ dựa trên một danh sách không chính thức hoặc gọi cho ngân hàng phát hành để kiểm tra xem người thực hiện thanh toán có phải là chủ sở hữu thẻ hay không. Hình thức sử dụng máy zip-zap sao chép số thẻ được in dập nổi lên giấy than là cách thanh toán chủ yếu được sử dụng.
Đến những năm 1970 và 1980, các dải băng từ và thiết bị thanh toán điện tử chiếm ưu thế. Dải băng từ gắn vào thẻ tín dụng ngân hàng và thẻ nợ, được mã hóa với thông tin nhận dạng chủ thẻ như số tài khoản ban đầu và ngày thẻ hết hạn, cho phép xử lý tự động giao dịch.
Cột mốc tiếp theo phải kể đến những chiếc thẻ có vi mạch lưu trữ dữ liệu về chủ thẻ, số thẻ và ngày hết hạn.
Mastercard đặt cược rằng việc chuyển đổi sang hệ thống “thanh toán nhúng” mới sẽ mang tới thay đổi đáng kể. Chẳng hạn như việc chuyển sang sử dụng chip và mã PIN hay áp dụng thanh toán không tiếp xúc hiện đều đang được sử dụng rộng rãi ở nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới.
MANG LẠI TRẢI NGHIỆM THANH TOÁN VÔ CÙNG LIỀN MẠCH
Công ty cho biết công nghệ mới sẽ giúp trải nghiệm thanh toán trực tuyến trở nên mượt mà như thanh toán không tiếp xúc tại cửa hàng. Điều này có nghĩa là người tiêu dùng có thể thực hiện thanh toán chỉ bằng một cú nhấp chuột trên bất kỳ thiết bị nào bao gồm đồng hồ thông minh, thiết bị trợ lý gia đình và thậm chí cả ô tô.
Mới đây, Mastercard vừa thiết lập quan hệ đối tác với Mercedes-Benz cho phép khách hàng của nhà sản xuất xe sử dụng cảm biến vân tay trong ô tô để thực hiện thanh toán kỹ thuật số tại hơn 3.600 trạm dịch vụ trên khắp nước Đức.