"Nóng" chuyện thể chế, chính sách khi muốn làm chủ công nghệ năng lượng và môi trường
Sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, làm chủ các công nghệ năng lượng mới đang trở nên quan trọng và cấp thiết. Tuy nhiên, "mới" có nghĩa là chưa có tiền lệ và chắc chắn sẽ có những vướng mắc …
Ngày 29-6, tại Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Diễn đàn Công nghệ Năng lượng và Môi trường 2023.
Trong bối cảnh ngành năng lượng và môi trường đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và các mục tiêu phát triển bền vững, việc ứng dụng công nghệ nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng truyền thống, đồng thời chuyển giao và làm chủ các công nghệ năng lượng mới, năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường ngày càng trở nên quan trọng và cấp thiết.
PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ NĂNG LƯỢNG GẮN LIỀN VỚI BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG LÀ XU HƯỚNG TẤT YẾU
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, phát triển công nghệ năng lượng tiên tiến gắn liền với bảo vệ môi trường đang là xu hướng tất yếu trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước và hướng tới xây dựng một nền kinh tế xanh và hiện đại.
“Việc phát triển các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường, đặc biệt là các nguồn năng lượng tái tạo song hành với các nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng trở nên quan trọng trong cơ cấu nguồn năng lượng, qua đó góp phần giải quyết các bài toán nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng của Việt Nam, giúp đa dạng hóa các nguồn năng lượng, phân tán rủi ro, tăng cường đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm phát thải khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu toàn cầu”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng phát biểu tại Diễn đàn.
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích sự phát triển của năng lượng và môi trường tại Việt Nam. Năm 2020, Bộ Khoa học Công nghệ tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2117/QĐ-TTg về danh mục công nghệ ưu tiên nghiên cứu phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó một trong những lĩnh vực được ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ là "Năng lượng và môi trường".
Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan căn cứ Quyết định này và các quy định khác của pháp luật liên quan để định hướng, ưu tiên bố trí nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ năng lượng và môi trường…
"Diễn đàn hôm nay là cơ hội để các nhà quản lý, các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhà khoa học trao đổi về các thành quả trong việc triển khai các chủ trương, chính sách nêu trên; xác định những khó khăn, thách thức trong việc phát triển ngành năng lượng và môi trường; đồng thời, tìm kiếm những cơ hội kinh doanh và mở rộng hợp tác đầu tư", Thứ trưởng Bộ Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng khẳng định.
Theo Thứ trưởng, thành công của Diễn đàn cũng như chuỗi các hoạt động trong khuôn khổ ENTECH Hà Nội 2023 sẽ nâng cao tính lan tỏa, xây dựng hoàn thiện chính sách phát triển công nghệ năng lượng, môi trường và đưa lĩnh vực ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng, môi trường thành một trong những lĩnh vực có đóng góp ngày càng hiệu quả cho phát triển kinh tế-xã hội; thúc đẩy mở rộng hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mới, tăng cường chuyển giao công nghệ có hàm lượng tri thức cao, nguồn vốn từ các đối tác quốc tế.
BA TRỤ CỘT QUAN TRỌNG ĐỂ LÀM CHỦ CÔNG NGHỆ NĂNG LƯỢNG VÀ MÔI TRƯỜNG
Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, cho biết chuyển dịch năng lượng là ưu tiên hàng đầu của thủ đô. Hà Nội luôn hỗ trợ để các doanh nghiệp cải tiến quy trình công nghệ trong sản xuất sạch, sản xuất xanh đối với ngành công nghiệp. Hà Nội cũng đi đầu trong chuyển đổi sử dụng giao thông xanh, hiện nay Hà Nội đã có các tuyến xe buýt điện. Mục tiêu đến năm 2025, Hà Nội sẽ chuyển đổi trên 70% xe buýt sang xe buýt điện.
Tại diễn đàn, các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ năng lượng và môi trường trong và ngoài nước đã giới thiệu nhiều giải pháp như công nghệ trong sản xuất điện rác sinh khối, Hydro xanh và thu hồi carbon; công nghệ xử lý Solar panel; giải pháp kiểm soát vận hành rác thải thành năng lượng và xử lý nước thải được hỗ trợ bởi AI; giảm thiểu tác động của nguồn vRE đến lưới điện hiện nay; giải pháp chuyển đổi Biomass và rác thải thành năng lượng.
Tuy vậy, vấn đề áp dụng các công nghệ mới để đảm bảo an ninh năng lượng và môi trường tại Việt Nam vẫn còn nhiều vướng mắc. Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và phát triển Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, đã đề cập đến vấn đề đổi mới sáng tạo trong công nghệ năng lượng. Theo ông Hoàng, đổi mới sáng tạo sẽ liên quan đến 3 trụ cột. Thứ nhất là liên quan đến công nghệ. Trong thời đại công nghệ phát triển rất nhanh, sự hội tụ của công nghệ, nghĩa là các công nghệ được tích hợp với nhau, là một vấn đề quan trọng. Phần ứng dụng chuyển giao và làm chủ, phát triển công nghệ rất quan trọng. Bởi vì, nếu không phát triển và làm chủ công nghệ, “chúng ta sẽ chỉ là nơi để các công ty nước ngoài vào khai thác”.
Hai trụ cột quan trọng khác cần được lưu ý để thực hiện thành công đổi mới sáng tạo chính là mô hình quản lý và thể chế chính sách. “Những quy định mới phải có sự thay đổi về thể chế, về chính sách để theo kịp với những thay đổi của xã hội và cùng với công nghệ, ba trụ cột này cần phải tiến hành song song với nhau”, lãnh đạo Cục Ứng dụng và phát triển Công nghệ cho biết.
Cũng băn khoăn về những khó khăn, vướng mắc trong chính sách, thể chế khi doanh nghiệp phát triển, áp dụng các công nghệ mới, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, nguyên giám đốc chiến lược FPT, Giám đốc Trung tâm Khoa học tư duy, VUSTA cho rằng "mới" có nghĩa là chưa có tiền lệ và chắc chắn sẽ có những vướng mắc và các rủi ro về phê duyệt.
Các vấn đề về định hướng, giải pháp cũng như chính sách nhằm tạo điều kiện phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo lĩnh vực năng lượng đã được các chuyên gia đặt lên bàn nghị sự của Diễn đàn. Đây là cơ hội để các đơn vị trong các ngành khoa học và công nghệ, công thương, tài nguyên và môi trường nhìn nhận tổng quan, rõ nét về thực trạng các hoạt động liên quan đến ứng dụng, chuyển giao và phát triển công nghệ trong lĩnh vực Năng lượng và Môi trường.
Kết quả của Diễn đàn là cơ sở để Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, UBND Thành phố Hà Nội tổ chức nghiên cứu, tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước trong hoàn thiện các cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ, khuyến khích thúc đẩy chuyển giao công nghệ năng lượng và môi trường mới từ các tổ chức trong và ngoài nước, rút ngắn khoảng cách về trình độ công nghệ với các nước tiên tiến, hướng tới công nghệ xanh, công nghệ sạch.