Phát triển công nghiệp bán dẫn, Việt Nam sẽ có cơ hội cao ở khâu thiết kế vi mạch
So với sản xuất vi mạch, việc thiết kế sẽ tốn ít nguồn lực đầu tư, đỡ rủi ro hơn, thích hợp với những nước có dân số trẻ, giỏi về các môn STEM (toán, khoa học, công nghệ) như Việt Nam…
Chỉ khi có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết như hệ thống chính trị ổn định, nguồn nguyên liệu phong phú, nhân lực dồi dào, và cơ sở hạ tầng số phát triển…, ngành công nghiệp bán dẫn mới có thể phát triển mạnh mẽ. Sự chuyển dịch của các tập đoàn công nghệ lớn về chip bán dẫn mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam.
ĐƯA VIỆT NAM THAM GIA SÂU HƠN VÀO NGÀNH BÁN DẪN TOÀN CẦU
Bên cạnh sự hỗ trợ từ chính phủ thông qua các chính sách khuyến khích đầu tư và phát triển hạ tầng công nghệ, tăng cường hợp tác quốc tế thu hút đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực sản xuất nghiên cứu của mình để có thể tham gia chuỗi cung ứng đầy cơ hội nhưng cũng vô cùng thách thức này. Đây là thời điểm vàng để các doanh nghiệp bán dẫn Việt Nam nắm bắt cơ hội tăng cường năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Trưởng Ban Công nghệ Bán dẫn, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel), cho biết là một tập đoàn đi đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trong những năm gần đây Viettel đã đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển (R&D) nhằm tạo ra nhiều dòng sản phẩm công nghệ thông tin chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế.
Mới đây, Viettel đã công bố dòng chip cao cấp 5G được thử nghiệm thành công bởi chính những kỹ sư người Việt của Viettel. Việc kỹ sư Việt Nam làm chủ hoàn toàn công nghệ này là một tiền đề để mở ra sự chủ động trong công nghệ tương lai. Chip 5G DFE là một thành tựu mới nhất của Việt Nam trong làm chủ chipset cao cấp mà chỉ có ít nước làm được, giúp đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào ngành bán dẫn toàn cầu để sản xuất nhiều loại chip phục vụ các lĩnh vực như là AI, 6G, IOT trong tương lai.
Chia sẻ về hành trình thiết kế chip của Viettel, ông Nguyễn Trung Kiên cho biết năm 2017, Tập đoàn Viettel nhận thấy chip rất quan trọng và khó mua, nên đã quyết tâm xây dựng đội ngũ phát triển chip. “Việc này rất khó khăn do số lượng nhân lực tại Việt Nam ít. Sau hơn một năm xây dựng đội ngũ vài chục người, Viettel bắt đầu thực hiện các dự án chip đầu tiên vào năm 2019, khi chương trình 5G của Viettel khởi động”, ông Kiên cho biết.
Năm 2024, sau khi Chính phủ ban hành chiến lược quốc gia về chip, sứ mệnh của Viettel càng được nâng cao. Ông Nguyễn Trung Kiên tiết lộ ba trụ sản phẩm chính trong mảng chip bán dẫn của Viettel là sản phẩm cho viễn thông, cụ thể là 5G; Sản phẩm lưỡng dụng, sử dụng cho an ninh quốc phòng và dân sự; Sản phẩm AIoT, tức là AI cho thiết bị IoT, bao gồm cả AI cho datacenter và tính toán tại biên.
Theo ông Nguyễn Thanh Yên, Tổng giám đốc CoAsia Semi (Hàn Quốc) Việt Nam nhận định, trong ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam có cơ hội cao ở khâu thiết kế vi mạch. So với sản xuất vi mạch, việc thiết kế sẽ tốn ít nguồn lực đầu tư, đỡ rủi ro hơn, thích hợp với những nước có dân số trẻ, giỏi về các môn STEM (toán, khoa học, công nghệ) như Việt Nam.
Việt Nam có thể thông qua ngành bán dẫn để xây dựng nguồn nhân lực có tiềm năng thu nhập cao, thu hút công ty nước ngoài lập chi nhánh tại địa phương và hỗ trợ các công ty trong nước khởi nghiệp.
Hiện nay, công nghệ bán dẫn đang là xu hướng và Việt Nam nhận định đây là thời điểm có nhiều cơ hội để tham gia vào cuộc đua này. Từ năm 2001 đến 2021, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã tăng trưởng trung bình 14% mỗi năm, đạt doanh thu gần 600 tỷ USD vào năm 2023. Dự kiến, doanh thu sẽ đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Ước tính, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu sẽ cần thêm hơn 1 triệu nhân sự vào năm 2030 cho tất cả các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói và kiểm thử chip.
Ngành dịch vụ bán dẫn được xác định là ngành công nghệ trọng tâm và để phát triển, cần tăng cường đồng bộ cơ sở hạ tầng, bao gồm giao thông, điện nước, cáp quang…. Trong đó, không thể không kể đến mục tiêu phát triển nguồn nhân lực. Bà Nguyễn Thị Lệ Quyên, Phó Giám đốc cơ sở Hà Nội, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền, để từng bước chuẩn bị cho sự phát triển ngành công nghệ bán dẫn, trong đó quan trọng nhất là phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
MỤC TIÊU ĐÀO TẠO 50.000 KỸ SƯ BÁN DẪN LÀ HOÀN TOÀN KHẢ THI
“Đây là những giải pháp kiên quyết để Việt Nam có thể tham gia vào ngành công nghệ bán dẫn”, bà Lệ Quyên nói và cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện đang xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 dựa trên một số nguyên tắc.
Nguyên tắc thứ nhất, phát triển nguồn nhân lực phải gắn liền với phát triển hệ sinh thái, trong đó liên quan mật thiết đến các doanh nghiệp. “Ví dụ, khi đặt ra mục tiêu phát triển nhân lực, chúng tôi cũng thực hiện các công việc khác như thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp để tạo ra hệ sinh thái, kết nối doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài để dần hoàn thiện. Ngoài ra, chúng tôi còn làm việc về cơ chế chính sách và đối ngoại. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tích cực phối hợp với các bộ ngành trung ương, địa phương và các cơ sở để triển khai theo định hướng tốt nhất mà chính phủ giao”, bà Nguyễn Thị Lệ Quyên cho biết.
Nguyên tắc thứ hai, phát triển đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn phải đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Theo đó, trước mắt có thể tập trung vào đào tạo chuyển đổi, vì đào tạo mới đòi hỏi nhiều thời gian và nguồn lực. Cụ thể, chiến lược sẽ tập trung đào tạo chuyển đổi từ các ngành liên quan sang ngành bán dẫn. Ngoài ra, công tác đào tạo cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, vì khi tham gia ngành bán dẫn nghĩa là các mục tiêu hướng tới đều mang tính quốc tế.
Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc với gần 20 cơ sở giáo dục và đại học tại Việt Nam để xác định mục tiêu và lập kế hoạch. Các trường sẽ cùng hướng tới mục tiêu chung, xác định phương án triển khai và phân bổ nguồn lực, phối hợp với các bộ ngành.
Mục tiêu là đào tạo khoảng 50.000 kỹ sư công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, trong đó có 15.000 kỹ sư cho công đoạn thiết kế và 35.000 kỹ sư trong lĩnh vực sản xuất, đóng gói, kiểm thử và các lĩnh vực khác. Ngoài ra, kế hoạch cũng đặt mục tiêu đào tạo 1.300 giảng viên giảng dạy tại các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp; đồng thời mở rộng mạng lưới đào tạo, hỗ trợ đào tạo lên khoảng 200 cơ sở.
“Trong quá trình xây dựng đề án, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu và khảo sát hơn 100 cơ sở giáo dục và đào tạo tại Việt Nam. Kết quả cho thấy mục tiêu đề ra là hoàn toàn khả thi”, bà Lệ Quyên cho biết.
“Hiện nay, Việt Nam có khoảng 240 trường đại học, trong đó có 160 trường đào tạo chuyên ngành công nghệ kỹ thuật, với 134.000 sinh viên đầu vào mỗi năm. Trong các năm tới, dự kiến sẽ có khoảng 1.400 sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành công nghiệp bán dẫn/năm. Trong 20 năm qua, Việt Nam đã đào tạo ra hàng trăm nghìn lập trình viên, hàng triệu nhân lực công nghệ thông tin và các ngành liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn. Những con số này là nền tảng vững chắc để khẳng định mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn trong thời gian tới là hoàn toàn khả thi”.
Một số nhóm giải pháp sẽ được áp dụng để phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn bao gồm nhóm các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù cho công tác đào tạo; Nhóm các nhiệm vụ, giải pháp về đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, công nghệ phục vụ đào tạo; Nhóm các nhiệm vụ, giải pháp về đào tạo; Nhóm các nhiệm vụ, giải pháp về huy động, đa dạng hóa nguồn lực; Nhóm các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng hệ sinh thái, tạo đầu ra cho nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; Nhóm các nhiệm vụ, giải pháp về nghiên cứu và phát triển; Nhóm các nhiệm vụ, giải pháp khác.