Sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng khả quan

Chu Khôi
Chia sẻ

Sản xuất nông nghiệp thời điểm này đang tập trung chủ yếu vào hoàn tất thu hoạch lúa mùa, lúa thu đông trên cả nước, gieo trồng cây màu vụ đông tại các địa phương phía Bắc. Vụ đông năm nay, nhiều địa phương tập trung vào cây trồng có giá trị kinh tế cao, thực hiện thâm canh rải vụ, nâng cao chất lượng để tăng giá bán sản phẩm…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhận định về ngành thủy sản, Tổng cục Thống kê cho biết nuôi trồng thủy sản tiếp tục tăng về diện tích thả nuôi và sản lượng thu hoạch các sản phẩm thủy sản trọng điểm để đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước vào dịp cuối năm.

SẢN LƯỢNG THỦY SẢN TĂNG NHẸ

Theo Tổng cục Thống kê, sản lượng thủy sản tháng 11/2022 ước đạt 802,3 nghìn tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 577,2 nghìn tấn, tăng 3,2%; tôm đạt 115 nghìn tấn, tăng 3,7%; thủy sản khác đạt 110,1 nghìn tấn, tăng 2%. Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước đạt 521,6 nghìn tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, cá đạt 363,5 nghìn tấn, tăng 5,5%; tôm đạt 101,3 nghìn tấn, tăng 4,2%.

Sản lượng thu hoạch của cá tra trong tháng tiếp tục tăng khá so với cùng kỳ năm trước do sản phẩm cá tra có giá cả hợp lý phù hợp với khả năng chi tiêu của người tiêu dùng trên thế giới trong bối cảnh lạm phát tăng cao, cùng với đó giá cá tra nguyên liệu duy trì ổn định ở mức cao. Sản lượng cá tra trong tháng ước đạt 167,8 nghìn tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước.

Việc áp dụng mô hình nuôi tôm thâm canh công nghệ cao, nuôi tôm siêu thâm canh đã giúp tăng sản lượng tôm thu hoạch. Sản lượng tôm thẻ chân trắng trong tháng 11/2022 ước đạt 70,5 nghìn tấn, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm sú đạt 23,2 nghìn tấn, tăng 0,9%.

Sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng khả quan - Ảnh 1

Sản lượng thủy sản khai thác trong tháng 11 ước đạt 280,7 nghìn tấn, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 213,7 nghìn tấn, giảm 0,4%; tôm đạt 13,7 nghìn tấn, tương đương cùng kỳ năm trước; thủy sản khác đạt 53,3 nghìn tấn, giảm 0,6%. Sản lượng thủy sản khai thác biển ước đạt 261,8 nghìn tấn, giảm 0,6% so với cùng kỳ do giá xăng dầu tăng cao và tình trạng thiếu lao động khai thác nên gây khó khăn cho việc khai thác xa bờ.

Tính chung 11 tháng của năm 2022, sản lượng thủy sản ước đạt 8.253 nghìn tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Cá đạt 5.943,9 nghìn tấn, tăng 2,6%; tôm đạt 1.124,8 nghìn tấn, tăng 7,7%; thủy sản khác đạt 1.184,3 nghìn tấn, tăng 1,2%

SẢN LƯỢNG GỖ RỪNG TRỒNG TĂNG CAO

Đối với sản xuất lâm nghiệp, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước tháng 11/2022 ước đạt 33,6 nghìn ha, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 18,3 triệu cây, tăng 6,4%.

Trong tháng 11, sản lượng củi khai thác đạt 1,6 triệu ste, tăng 7,9%; sản lượng gỗ khai thác đạt 2.019,8 nghìn m3, tăng 9%. Sản lượng gỗ khai thác tăng cao so với cùng kỳ do diện tích rừng trồng đến tuổi cho thu hoạch và nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gỗ tăng.

Một số địa phương có sản lượng gỗ khai thác tăng cao so với cùng kỳ: Tuyên Quang đạt 132,8 nghìn m3, tăng 71,7%; Thanh Hóa đạt 70,9 nghìn m3, tăng 17,2%; Nghệ An đạt 179,5 nghìn m3, tăng 12%; Quảng Ngãi đạt 276,6 m3, tăng 11,3%...

Tính chung 11 tháng, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 260,6 nghìn ha, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 96,5 triệu cây, tăng 5,3%; sản lượng củi khai thác đạt 17 triệu ste, tăng 1%; sản lượng gỗ khai thác đạt 17,6 triệu m3, tăng 6,6%.

Diện tích rừng bị thiệt hại trong tháng là 58,2 ha, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chủ yếu do rừng bị chặt, phá với 46,8 ha, tăng 26,8%; diện tích rừng bị cháy là 11,4 ha, giảm 58,5%. Tính chung 11 tháng năm 2022, cả nước có 1.047,6 ha rừng bị thiệt hại, giảm 58,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 37,9 ha, giảm 97,5%; diện tích rừng bị chặt, phá là 1.009,7 ha, giảm 1,6%.

THU HOẠCH LÚA MÙA SỚM HƠN MỌI NĂM

Theo Tổng Cục Thống kê, tính đến trung tuần tháng 11/2022, cả nước thu hoạch được 1.326,7 nghìn ha lúa mùa, chiếm 85,4% diện tích gieo cấy và bằng 101,2% cùng kỳ năm trước. Trong đó: Các địa phương phía Bắc thu hoạch 980,4 nghìn ha, chiếm 95,8% và bằng 98,2%; các địa phương phía Nam thu hoạch 346,3 nghìn ha, chiếm 65,1% và bằng 111,1%.

Các địa phương phía Nam thu hoạch lúa mùa sớm hơn so với cùng kỳ năm trước do điều kiện thời tiết thuận lợi, các địa phương chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu để hạn chế xâm nhập mặn nên người dân mở rộng diện tích gieo cấy.

Vụ mùa năm nay, mặc dù lượng mưa lớn nhưng các địa phương đã chủ động xây dựng kịch bản điều tiết nước; chuẩn bị tốt nhất các điều kiện phục vụ công tác chống ngập úng, hạn chế thấp nhất thiệt hại do các yếu tố bất lợi của thời tiết gây ra nên sản xuất vụ mùa đạt kết quả tốt, năng suất tăng so với năm trước.

Năng suất thu hoạch lúa mùa tại các địa phương phía Bắc ước đạt 53,1 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha; sản lượng ước đạt 5,43 triệu tấn, tương đương vụ mùa năm trước.

Riêng vùng Đồng bằng sông Hồng, năng suất ước đạt 57,5 tạ/ha, tăng 0,3 tạ/ha; sản lượng ước đạt 2,7 triệu tấn, giảm 43 nghìn tấn do diện tích gieo cấy giảm 9,6 nghìn ha. Tại các địa phương phía Nam, năng suất lúa mùa ước đạt 52,4 tạ/ha, tăng 2,4 tạ/ha so với vụ mùa năm trước; sản lượng ước đạt 2,77 triệu tấn, tăng 191 nghìn tấn.

Diện tích gieo trồng lúa thu đông năm 2022 tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 648,7 nghìn ha, giảm 70,6 nghìn ha so với vụ thu đông năm trước do sản xuất vụ này không ổn định, không chủ động được nguồn nước, bên cạnh đó vụ lúa thu đông năm nay còn bị tác động bởi giá phân bón, vật tư đầu vào tăng cao nên người dân hạn chế đầu tư hoặc chuyển sang trồng cây lâu năm cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Tính đến 15/11/2022, toàn vùng đã thu hoạch được 323 nghìn ha lúa thu đông, chiếm 49,8% diện tích gieo cấy và bằng 99,8% cùng kỳ năm trước. Theo báo cáo sơ bộ, năng suất toàn vụ ước đạt 56 tạ/ha, giảm 0,1 tạ/ha so với vụ thu đông năm trước; do diện tích gieo cấy giảm nên sản lượng chung toàn vụ ước đạt đạt 3,63 triệu tấn, giảm 390 nghìn tấn.

Sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng khả quan - Ảnh 2

Tính đến ngày 15/11/2022, các địa phương phía Nam đã gieo cấy được 308,1 nghìn ha lúa đông xuân sớm, bằng 86% cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tiến độ gieo trồng lúa đông xuân chậm hơn cùng kỳ do một số địa phương chỉ đạo lịch thời vụ xuống giống muộn hơn để tránh hạn mặn.

Hiện tại các địa phương ở miền Bắc đã thu hoạch xong lúa mùa, đang tập trung vào triển khai sản xuất cây vụ đông. Vụ đông năm nay, nhiều địa phương tập trung vào cây trồng có giá trị kinh tế cao, thực hiện thâm canh rải vụ, nâng cao chất lượng để tăng giá bán sản phẩm, đặc biệt, tập trung vào sản xuất các loại cây làm thức ăn gia súc để thực hiện kinh tế nông nghiệp tuần hoàn như ngô sinh khối, đậu tương.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con