Startup AI Manus chuyển trụ sở sang Singapore và xu hướng dịch chuyển ra nước ngoài của các công ty Trung Quốc
Manus AI, startup AI đình đám sau DeepSeek, đã chuyển trụ sở sang Singapore, phản ánh xu hướng các công ty công nghệ Trung Quốc định vị tại trung tâm toàn cầu để vượt rào cản địa chính trị và tiếp cận công nghệ tiên tiến giữa lằn ranh căng thẳng công nghệ Mỹ-Trung…

Công ty đứng sau trí tuệ nhân tạo (AI) đa năng Manus của Trung Quốc đã chuyển trụ sở chính sang Singapore, làm dấy lên suy đoán rằng động thái này nhằm tạo điều kiện tiếp cận dễ dàng hơn với các chip Nvidia trong bối cảnh Mỹ áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với Trung Quốc.
“Công ty hiện đặt trụ sở tại Singapore,”, ông Zhang Tao, đồng sáng lập kiêm giám đốc sản phẩm của Manus AI, tiết lộ trong một bài phát biểu tại hội nghị SuperAI ở Singapore vào ngày 18/6. Ông cũng cho biết công ty có văn phòng tại Tokyo và California. Phần “Giới thiệu” trên trang web của Manus cũng xác nhận trụ sở toàn cầu của công ty đặt tại Singapore.
SỨC HÚT CỦA MANUS VÀ THÁCH THỨC TỪ MỸ
Manus, được phát triển bởi công ty khởi nghiệp Butterfly Effect tại Trung Quốc, đã thu hút sự chú ý lớn trong cộng đồng AI toàn cầu kể từ khi ra mắt theo hình thức mời tham gia vào đầu tháng 3. Khả năng xử lý các nhiệm vụ phức tạp của Manus đã đưa nó trở thành biểu tượng hàng đầu của sự đổi mới AI tại Trung Quốc, tiếp nối thành công của DeepSeek.
Tuy nhiên, giống như nhiều công ty công nghệ Trung Quốc khác, Manus AI đối mặt với thách thức trong việc tiếp cận các chip tiên tiến của Nvidia để huấn luyện thuật toán, đồng thời mối liên hệ với Trung Quốc của công ty cũng bị Washington giám sát chặt chẽ.
Theo một báo cáo tuần trước từ trang tin Semafor, Bộ Tài chính Mỹ đang xem xét vòng gọi vốn 75 triệu USD vào Manus AI, do quỹ đầu tư mạo hiểm Benchmark tại California dẫn đầu. Vòng gọi vốn này, theo Bloomberg đưa tin vào tháng 4, đã khiến định giá của Manus tăng gấp năm lần lên gần 500 triệu USD.
Các nhà chức trách Mỹ đang điều tra liệu khoản đầu tư này có thuộc phạm vi các quy định mới, yêu cầu bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân Mỹ nào phải thông báo cho Bộ Tài chính về các khoản đầu tư vào AI có thể gây hại đến lợi ích của Mỹ.
XU HƯỚNG DỊCH CHUYỂN RA NƯỚC NGOÀI CỦA CÁC CÔNG TY TRUNG QUỐC
Việc đặt trụ sở tại Singapore có thể giúp Manus AI tiếp cận khách hàng và nguồn vốn từ Mỹ. Singapore đã nổi lên như một điểm đến chiến lược cho các công ty công nghệ liên quan đến Trung Quốc đang tìm cách vượt qua căng thẳng Mỹ-Trung. Ví dụ, gã khổng lồ thời trang nhanh Shein đã nhấn mạnh vị trí của mình tại Singapore, dù vẫn duy trì mạng lưới nhà cung cấp khổng lồ tại Trung Quốc. Tương tự, TikTok cũng đặt hoạt động tại Singapore để giữ khoảng cách với công ty mẹ ByteDance tại Bắc Kinh.
Manus AI không phải là công ty duy nhất áp dụng chiến lược mở rộng ra thị trường quốc tế. Các công ty AI khác, như HeyGen – khởi nguồn từ Trung Quốc và chuyển sang Mỹ vào năm ngoái – hay Genspark.AI – do các cựu nhân viên Baidu thành lập tại Mỹ – cũng đang theo đuổi chiến lược tương tự.
Manus AI không phải là công ty duy nhất áp dụng chiến lược mở rộng ra thị trường quốc tế. Các công ty AI khác, như HeyGen – khởi nguồn từ Trung Quốc và chuyển sang Mỹ vào năm ngoái – hay Genspark.AI – do các cựu nhân viên Baidu thành lập tại Mỹ – cũng đang theo đuổi chiến lược tương tự.
Manus AI đã bắt đầu tuyển dụng tại Singapore, với các vị trí như nhà phân tích dữ liệu và kỹ sư AI, theo thông tin trên trang web của công ty. Mức lương hàng tháng dao động từ 8.000 đến 16.000 USD, một số vị trí lên tới 18.000 USD, theo nền tảng tuyển dụng địa phương MyCareersFuture.
Những nỗ lực mở rộng diễn ra trong bối cảnh Manus AI chứng kiến số lượng người dùng hoạt động hàng tháng giảm đáng kể, từ khoảng 20 triệu người trong tháng 3 xuống còn khoảng 10 triệu vào tháng 5, theo các báo cáo truyền thông Trung Quốc. Sự sụt giảm này trùng hợp với áp lực cạnh tranh ngày càng tăng từ các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như ByteDance và Baidu, những công ty đã ra mắt các sản phẩm đối thủ tương ứng là Coze Space và AgentBuilder.

Sự dịch chuyển của Manus AI sang Singapore phản ánh một xu hướng rộng lớn hơn, khi các công ty công nghệ Trung Quốc tìm cách định vị mình ở những trung tâm toàn cầu để vượt qua các rào cản địa chính trị và tiếp cận công nghệ tiên tiến, trong bối cảnh cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung ngày càng gay gắt.