Thất vọng tại thị trường Mỹ, TSMC đặt hy vọng vào nhà máy chip Nhật Bản
TSMC đang thực hiện một nỗ lực chưa từng có trong lĩnh vực sản xuất chip ở nước ngoài. Ngoài ra, hãng đang ngày càng có cái nhìn tích cực với thị trường Nhật Bản, cũng như những vấn đề còn tồn tại tại nhà máy mới ở Arizona…
Vài tháng trước, TSMC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, phải đối mặt với những khó khăn trong việc tuyển dụng công nhân máy tại Arizona. Bên cạnh đó, tập đoàn cũng cần giải quyết những vấn đề liên quan đến sự phản đối của công đoàn Mỹ khi nỗ lực đưa công nhân Đài Loan vào nhà máy làm việc.
Các nguồn tin cho biết, TSMC đặt niềm tin vào thị trường Nhật Bản, nơi một nhà máy trị giá 8,6 tỷ USD của công ty đang được xây dựng tại trung tâm sản xuất chip trên đảo Kyushu. Nhà máy dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất chip công nghệ tiên tiến vào năm 2024.
Mặc dù mong muốn đảm bảo quá trình phát triển suôn sẻ tại nhà máy đầu tiên, nhưng nhà sản xuất chip của Đài Loan đang xem xét tăng công suất và phát triển thêm nhà máy thứ hai ở Nhật Bản để sản xuất các chip tiên tiến hơn.
Việc TSMC mở rộng thành công tại Nhật Bản có thể thúc đẩy nỗ lực của nước này nhằm lấy lại vị thế đã mất là một cường quốc sản xuất chip, hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô và điện tử trong bối cảnh cạnh tranh khu vực ngày càng tăng.
TSMC cho biết trong một báo cáo rằng việc mở rộng tại thị trường nước ngoài phụ thuộc vào các yếu tố bao gồm nhu cầu của khách hàng, mức độ hỗ trợ của chính phủ và chi phí. Tại Arizona, TSMC có kế hoạch sản xuất chip tiên tiến nhưng tình trạng thiếu công nhân lành nghề đã buộc công ty phải đẩy lùi hoạt động sản xuất tại nhà máy một năm đến năm 2025.
TSMC cho biết đang mở rộng các nhà máy ở Mỹ, Nhật Bản và Đức. Tuy nhiên không thể so sánh các nhà máy với nhau vì sự khác biệt về vị trí, quy mô sản xuất...
SỰ PHÙ HỢP LÀ YẾU TỐ TIÊN QUYẾT
Mỹ, Nhật Bản và Đức đã trợ cấp hàng tỷ USD cho TSMC để nội địa hóa sản xuất nhằm đa dạng hóa nguồn cung chip. Khoản đầu tư 40 tỷ USD vào nhà máy ở Arizona cho phép TSMC bổ sung công suất bên ngoài Đài Loan, nơi họ phải đối mặt với những hạn chế về đất đai, điện, nước và lao động.
Tuy nhiên, công ty chia sẻ rằng Nhật Bản là quốc gia phù hợp với TSMC hơn về văn hóa làm việc và chính phủ nước này cũng hào phóng với các khoản trợ cấp. Lucy Chen, nhà phân tích tại Isaiah Research cho biết: “Mối quan hệ giữa TSMC và chính phủ Nhật Bản là đôi bên cùng có lợi”.
Bà Chen chia sẻ thêm lợi thế của Nhật Bản đối với nhà sản xuất chip bao gồm mạng lưới các nhà cung cấp vật liệu và thiết bị chip, sự tương đồng về văn hóa làm việc và sự gần gũi về mặt địa lý với Đài Loan.
TSMC nhận thấy người lao động ở Nhật Bản sẵn sàng làm việc theo lịch trình khắt khe hơn và làm thêm giờ khi máy sản xuất chip hoạt động suốt ngày đêm trong phòng sạch vô trùng. Một giám đốc điều hành ngành chip cho biết: “Rất nhiều máy không thể tắt vì TSMC phải tốn chi phí để hiệu chỉnh lại khi khởi động lại”.
Các nguồn tin cho biết các công nhân Đài Loan đến giúp thiết lập nhà máy đều được chào đón và nhà sản xuất chip sẽ trả mức lương cao để đảm bảo có được nhân viên nội địa khi cạnh tranh với các đối thủ như liên doanh đúc Rapidus.
Một quan chức cấp cao của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết: “Có vẻ như TSMC thực sự tích cực về đầu tư vào Nhật Bản. Nói chung, chúng tôi sẽ thực sự hoan nghênh dự án fab thứ hai nhưng chúng tôi phải xem chi tiết trước”.
CHI TIÊU VỐN CỦA TSMC TĂNG
Sự nhiệt tình của TSMC đối với Nhật Bản đang bị giảm bớt do lo ngại về chi phí cao hơn trong toàn doanh nghiệp và lo lắng về môi trường vĩ mô. Chi tiêu vốn của TSMC đã tăng lên 36 tỷ USD vào năm ngoái từ mức 10 tỷ USD vào năm 2018, công ty dự báo dòng vốn chảy ra sẽ nhỏ hơn một chút trong năm nay.
TSMC cho rằng chi phí xây dựng nhà máy ở Mỹ sẽ cao hơn 20% so với ở Đài Loan nhưng thực tế cao hơn khoảng 50%.
Ngoài ra, nhà sản xuất chip này có kế hoạch hợp tác với các công ty địa phương để xây dựng một nhà máy trị giá 11 tỷ USD ở Đức. Tuy nhiên, TSMC cũng thể hiện sự lo ngại về khác biệt văn hóa làm việc tại Đức, nơi có những ngày nghỉ dài và công đoàn mạnh mẽ, sẽ ảnh hưởng đến sản lượng.
Brady Wang, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu Counterpoint cho biết, các nhà đầu tư lo lắng về tác động của chi phí cao nhưng TSMC không bị ảnh hưởng nhiều như chúng ta nghĩ vì công nghệ hàng đầu mang lại cho họ quyền định giá các sản phẩm của mình.