TikTok Mỹ chuẩn bị tách riêng: Ứng dụng mới, thuật toán mới, luật chơi mới
Ngày càng có nhiều tin đồn cho rằng nếu TikTok bị bán, người dùng Mỹ sẽ phải tải một ứng dụng mới, và điều này đồng nghĩa với trải nghiệm hoàn toàn khác biệt…

Sau nhiều lần trì hoãn việc thực thi luật yêu cầu công ty mẹ của TikTok có trụ sở tại Trung Quốc là ByteDance phải bán ứng dụng hoặc đối mặt với lệnh cấm tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump hiện tuyên bố đã tìm được người mua. Trong khi đó, theo trang The Information, TikTok được cho là đang xây dựng phiên bản ứng dụng hoàn toàn mới chỉ dành riêng cho thị trường Hoa Kỳ, có thể ra mắt ngay từ ngày 5/9.
Thông tin về ứng dụng mới không quá gây bất ngờ. Trước tiên, có một yếu tố then chốt là "bí quyết" của TikTok — thuật toán tạo ra trang “Dành cho bạn” nổi tiếng. Chính phủ Trung Quốc nhiều lần khẳng định sẽ chặn mọi nỗ lực chuyển giao thuật toán này sang chủ sở hữu mới, điều đó đồng nghĩa là ứng dụng TikTok mới tại Mỹ sẽ cần thuật toán riêng biệt, có thể phải xây dựng lại từ đầu.
TikTok không phản hồi yêu cầu bình luận nên CNN Business chưa thể xác minh thông tin.
Tuy nhiên, tin đồn cũng trở thành lời cảnh tỉnh rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng có thể dẫn đến thay đổi đáng kể đối với 170 triệu người dùng TikTok Hoa Kỳ, đặc biệt đối với một số yếu tố cốt lõi như nội dung người dùng nhìn thấy và người có thể tương tác cùng.

ỨNG DỤNG HOÀN TOÀN MỚI
The Information dẫn lời hai nguồn tin giấu tên cho biết ứng dụng TikTok hiện tại sẽ bị gỡ khỏi toàn bộ cửa hàng ứng dụng ở Mỹ cùng ngày phần mềm mới ra mắt, tuy nhiên người dùng có thể tiếp tục sử dụng phiên bản hiện tại cho đến tháng 3 năm sau. Nguồn tin chia sẻ thêm rằng mốc thời gian có thể vẫn còn thay đổi.
Việc chuyển hồ sơ cá nhân và nội dung của người dùng hiện tại sang ứng dụng mới cũng gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật, theo báo cáo. Bước chuyển đổi thậm chí khiến người dùng Mỹ khó tiếp cận nội dung từ quốc gia khác — và ngược lại.
Tất cả sự xáo trộn làm cho một số người dùng rời bỏ nền tảng, ông Jim Johnston, đối tác tại công ty luật Davis+Gilbert đặt trụ sở tại New York, nhận định.
Tuy nhiên, báo cáo cho thấy quan điểm của TikTok về việc xây dựng ứng dụng riêng đã thay đổi kể từ tháng 1, khi luật sư đại diện nói với Tòa án Tối cao rằng sẽ mất “nhiều năm” để tạo ra phiên bản tương tự cho người dùng Mỹ. Vị luật sư nhấn mạnh đó sẽ là “nền tảng hoàn toàn khác với nội dung khác biệt”.
TikTok từng lập luận trong hồ sơ tòa án rằng nếu tách ứng dụng Mỹ khỏi ByteDance, thì “TikTok Mỹ sẽ trở thành ‘hòn đảo’ bị cô lập, không cạnh tranh được với nền tảng quốc tế”. Cuối cùng, Tòa án Tối cao đưa ra phán quyết luật bán - hoặc - cấm là hợp hiến.
CÂU CHUYỆN KHÔNG HỒI KẾT
ByteDance buộc phải tìm người mua cho hoạt động của TikTok tại Hoa Kỳ kể từ khi cựu Tổng thống Joe Biden ký luật bán - hoặc - cấm vào năm ngoái vì lo ngại an ninh quốc gia. Luật có hiệu lực từ tháng 1/2025, sau khi được Tòa án Tối cao ủng hộ.
Tuy luật chỉ cho phép trì hoãn thi hành lệnh cấm một lần duy nhất, Tổng thống Trump đã hoãn thực hiện tới ba lần, tuyên bố muốn “cứu TikTok” bằng cách hỗ trợ một thỏa thuận trao quyền kiểm soát nền tảng cho chủ sở hữu Mỹ. Hiện ByteDance có hạn chót là ngày 17/9 để bán ứng dụng hoặc đối mặt với lệnh cấm.
Ông Trump tuần trước cho biết có một nhóm “thương gia giàu có” sẵn sàng mua lại hoạt động của TikTok tại Mỹ, và tên của nhóm sẽ sớm được công bố, mặc dù chưa rõ phía chính quyền Bắc Kinh có đồng ý thương vụ hay không.
Thông tin TikTok đang làm việc trên ứng dụng mới dành riêng cho Mỹ “chắc chắn củng cố cho phát biểu của Tổng thống rằng một thỏa thuận đang cận kề, điều mà nhiều người từng nghi ngờ sẽ không thể thành hiện thực do số lần gia hạn trước đó”, ông Johnston bày tỏ.
“Vấn đề lớn luôn nằm ở phía TikTok”, ông Johnston nhận xét. “Có vô số doanh nghiệp Mỹ sẵn sàng mua lại mảng kinh doanh này, nhưng mọi tín hiệu đều cho thấy phía Trung Quốc không hứng thú hay sẵn lòng bán”.
ỨNG DỤNG MỚI CŨNG PHẢI TUÂN THỦ LUẬT
Theo luật, sau khi bán, TikTok Mỹ không được tiếp tục hợp tác với ByteDance trong vận hành thuật toán hay chia sẻ dữ liệu người dùng.
Điều này đồng nghĩa là ByteDance có thể giữ một phần cổ phần nhỏ trong thực thể mới — điều mà Nhà Trắng đang cân nhắc — nhưng ứng dụng phải trang bị thuật toán riêng biệt nhằm tuân thủ luật.
Luật cũng yêu cầu, trong bất kỳ thương vụ nào, dữ liệu người dùng TikTok Mỹ phải được tách biệt với dữ liệu người dùng toàn cầu. Việc ra mắt ứng dụng mới có thể giúp đạt được mục tiêu.
Dù vậy, một số chuyên gia pháp lý cho rằng chính quyền Tổng thống Trump chưa thực sự tuân thủ đúng luật khi trì hoãn thực thi quá nhiều lần, dù luật chỉ cho phép một lần gia hạn 90 ngày nếu đang trong tiến trình đàm phán. Và Tổng thống là người có quyền quyết định liệu “chuyển nhượng hợp lệ” đã diễn ra hay chưa, theo luật.

Giáo sư tại trường luật Cornell Gautam Hans cho biết TikTok có thể nhận ra dù chính quyền Tổng thống đương thời hiện muốn bảo vệ công ty, nhưng chính quyền sau này vẫn có thể nhắm vào ứng dụng hoặc đối tác công nghệ của hãng, như cửa hàng ứng dụng hoặc nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây — nên việc đưa ra quyết định không thể trì hoãn mãi mãi.
Tuần trước, cổ đông Google là ông Anthony Tan, người từng kiện Google vì khôi phục TikTok trên cửa hàng ứng dụng, vừa công bố nhiều bức thư do Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Pam Bondi gửi cho Google và đối tác công nghệ của TikTok, trong đó nêu rõ sẽ không truy cứu trách nhiệm pháp lý nếu các công ty tiếp tục hỗ trợ TikTok. Ông Tan lấy được những lá thư thông qua Đạo luật Tự do Thông tin.
Giáo sư luật tại Đại học Georgetown Steve Vladek gọi nội dung trong những bức thư là “nhảm nhí”, cho rằng các công ty vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm trong tương lai bất chấp lời đảm bảo của bà Bondi.
“Rồi sẽ có thay đổi chính trị, và có thể sẽ có thêm trách nhiệm được đặt ra”, ông Hans nói. “Nên nếu tôi là công ty, có thể tôi hài lòng với những gì đang diễn ra hiện tại, nhưng tôi cũng phải nghĩ cho tương lai”.