Xiaomi chính thức gia nhập thị trường kính thông minh
Chiếc kính thông minh đầu tiên của Xiaomi tập trung vào tính ứng dụng hàng ngày, đồng thời vẫn đảm bảo sự thoải mái khi đeo…

Kính mắt vốn được phát minh để cải thiện thị lực. Nhưng ngày nay, chúng có thể làm được nhiều điều hơn thế. Hãy tưởng tượng bạn đang đi dạo trong một hiệu sách ở nước ngoài. Bạn nhìn lướt qua bìa cuốn tiểu thuyết và sẽ có trợ lý giọng nói nhẹ nhàng đọc tên cuốn sách bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của bạn. Sau đó, tại quán cà phê, bạn chỉ cần yêu cầu chiếc kính thanh toán hóa đơn. Giao dịch được hoàn tất tự động, không cần phải lục tìm điện thoại hay ví tiền.
Chưa đầy một thập kỷ trước, những tiện ích như vậy có vẻ còn rất xa vời. Nhưng đó chính là tham vọng mà Xiaomi hướng tới với mẫu kính thông minh mới ra mắt, theo KrASIA.
XIAOMI AI GLASSES
Được đặt tên đơn giản là Xiaomi AI Glasses, thiết bị tích hợp phần cứng và phần mềm đặc trưng của Xiaomi vào khung kính nhẹ, được thiết kế thuận tiện cho sử dụng hàng ngày. Với trọng lượng chỉ 40 gram, sản phẩm giữ nguyên dáng dấp cổ điển của kính D-frame. Camera góc siêu rộng 12 megapixel của Sony cho phép quay video độ phân giải 2K với tính năng chống rung điện tử. Thiết bị có thể chụp ảnh chỉ trong 0,8 giây và tích hợp với hàng loạt ứng dụng phổ biến tại Trung Quốc như Douyin hay DingTalk.
Tuy nhiên, điểm nổi bật nhất chính là trợ lý giọng nói tích hợp sẵn. Người dùng có thể ra lệnh bằng giọng nói để thực hiện tác vụ như chụp ảnh, quay video, phát trực tiếp, dịch văn bản nhìn thấy qua kính, trả lời câu hỏi đơn giản hoặc đặt lời nhắc. Xiaomi cho biết trợ lý còn có thể điều khiển thiết bị nhà thông minh và sắp tới sẽ hỗ trợ thanh toán qua mã QR. Phản hồi bằng âm thanh được phát ra qua loa mở hai bên tai, trong khi hệ thống 5 micro cùng công nghệ truyền âm qua xương giúp đảm bảo thu âm rõ ràng khi gọi điện hoặc ra lệnh.
Thiết bị được vận hành bởi chip Snapdragon AR1, đi kèm với pin có thể hỗ trợ tới 8,6 giờ phát video hoặc 7 giờ hoạt động liên tục.

SẢN PHẨM TẬP TRUNG VÀO TÍNH ỨNG DỤNG VÀ SỰ THOẢI MÁI
Ngoài ra, Xiaomi AI Glasses còn trang bị thấu kính electrochromic, có thể thay đổi độ sáng chỉ trong khoảng 0,2 giây bằng cách vuốt hai ngón tay trên gọng kính cảm ứng. Người dùng có thể lựa chọn giữa bốn mức độ sáng-tối khác nhau. Dù tính năng này tạo thêm vẻ hiện đại và một phần tính tiện dụng, nhưng thực chất lại giống như phiên bản nâng cấp của kính đổi màu truyền thống hơn là bước đột phá công nghệ.
Xiaomi AI Glasses sẽ có ba màu: đen, nâu và xanh lá. Phiên bản màu nâu và xanh lá được thiết kế với lớp vỏ bán trong suốt, giúp người dùng có thể thấy một phần linh kiện bên trong.
Sau khi bị trì hoãn so với kế hoạch ra mắt ban đầu vào tháng 4, chiếc kính đã chính thức được giới thiệu vào ngày 26/6. Phiên bản tiêu chuẩn có giá 1.999 NDT (tương đương 279,9 USD). Hai phiên bản electrochromic, một bản chỉ có một mức độ sáng và một bản có nhiều mức độ sáng-tối, lần lượt có giá 2.699 NDT (377,9 USD) và 2.999 NDT (419,9 USD).
CUỘC CẠNH TRANH KHỐC LIỆT TRÊN THỊ TRƯỜNG KÍNH THÔNG MINH
Rõ ràng, thị trường kính thông minh đang phát triển nhanh chóng. Theo Counterpoint Research, lượng kính thông minh xuất xưởng trên toàn cầu đã tăng 210% trong năm ngoái, dự kiến sẽ tăng thêm 60% mỗi năm vào năm 2025.

Quyết định lấn sân của Xiaomi diễn ra trong lúc nhiều đối thủ lớn nội địa đã có mặt trên thị trường. Huawei giới thiệu mẫu kính nâng cấp vào tháng 4 với khung titan, điều khiển bằng cử chỉ, lệnh giọng nói và tính năng dịch ngôn ngữ. Trong khi đó, Baidu dự định ra mắt kính thông minh thương hiệu Xiaodu vào cuối năm nay, sử dụng mô hình AI Ernie và hệ điều hành DuerOS của hãng.
Bên cạnh những tên tuổi lớn, một số công ty nhỏ hơn cũng đang tìm kiếm thị trường ngách riêng. Kính Jiehuan của Superhexa nhấn mạnh vào khả năng dịch thuật theo thời gian thực và có thể tóm tắt nội dung như tin nhắn WeChat đến. Kính A1 của Sharge lại tập trung vào việc ghi lại ký ức thông qua quay video và hỗ trợ hồi tưởng bằng trí tuệ nhân tạo, định vị như một thiết bị phong cách sống hơn là trợ lý số. Trong khi đó, kính BleeqUp Ranger của ARknovv nhắm tới đối tượng vận động viên với tính năng như ghi lại video khi có va chạm.
Nhiều hướng tiếp cận khác nhau cho thấy thị trường kính thông minh vẫn đang trong giai đoạn định hình. Một số thương hiệu tập trung vào tiện ích AI nhập vai, trong khi số khác hướng đến mục đích chuyên biệt như dịch thuật hoặc theo dõi sức khỏe. Xiaomi dường như chọn vị trí ở giữa — đặt cược vào một thiết bị đa năng, điều khiển bằng giọng nói, tích hợp nhiều tính năng thực tiễn với hệ sinh thái phần mềm sẵn có.
Và dù là “tân binh” trong lĩnh vực, Xiaomi từng chứng minh hãng có thể bắt kịp rất nhanh. Ví dụ như chiếc xe điện SU7 ra mắt năm ngoái tại thị trường xe điện đông đúc ở Trung Quốc, sau khi một vài đối thủ như BYD đã chiếm ưu thế. Thế nhưng doanh số ban đầu của SU7 lại vượt kỳ vọng, cho thấy khả năng của Xiaomi trong việc chuyển đổi sức mạnh thương hiệu và quy mô thành thị phần.
Với thị trường kính thông minh vẫn đang trong giai đoạn hình thành, Xiaomi có lý do để khẳng định chiến lược tích hợp công nghệ và khả năng phân phối rộng khắp của hãng có thể mang lại kết quả mỹ mãn.