18:59 25/06/2024

Top các startup Edtech đáng chú ý tại Đông Nam Á

Sơn Trần

Kể từ khi giáo dục bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19, công ty khởi nghiệp Edtech ở Đông Nam Á có vai trò quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách giáo dục và đảm bảo học sinh không bị bỏ lại phía sau…

Công ty khởi nghiệp Edtech mang đến nhiều giải pháp sáng tạo, cho phép người học phát triển kiến thức và kỹ năng ngay tại nhà.
Công ty khởi nghiệp Edtech mang đến nhiều giải pháp sáng tạo, cho phép người học phát triển kiến thức và kỹ năng ngay tại nhà.

Công ty khởi nghiệp Edtech mang đến nhiều giải pháp sáng tạo, cho phép người học phát triển kiến thức và kỹ năng ngay tại nhà. Bài học được xây dựng theo hướng đa dạng, trò chơi hóa, cá nhân hóa và kết hợp nhiều hình thức khác nhau như video hay podcast. Qua đó, nâng cao trải nghiệm học tập cho học sinh. Hơn nữa, học sinh và phụ huynh có thể dễ dàng kết nối với giáo viên và chương trình giảng dạy, theo Tech Collective Asia.

Có thể nói, ngành công nghiệp Edtech tại Đông Nam Á đã gặt hái được nhiều thành công đáng kể bởi cơ sở hạ tầng internet khu vực ổn định, việc sử dụng điện thoại thông minh trở nên phổ biến và dân số am hiểu công nghệ muốn sử dụng giải pháp học tập và tương tác trong lớp học ảo.

Theo Statista Research, doanh thu trên thị trường Giáo dục trực tuyến dự kiến đạt khoảng 2,06 tỷ USD vào năm 2024. Đến năm 2029, con số này sẽ tăng lên khoảng 2,52 tỷ USD, với lượng người dùng Edtech đạt 46,4 triệu.

Năm 2023, Singapore dẫn đầu khu vực với tỷ lệ các startup thành công trong lĩnh vực Edtech là 47%. Indonesia và Thái Lan theo ngay sau với tham vọng cải tiến chất lượng giáo dục trực tuyến. Dưới đây là năm công ty khởi nghiệp Edtech đáng chú ý.

RUANGGURU 

Ruangguru, có trụ sở tại Indonesia, là ứng dụng học trực tuyến tương tác kết nối người học và gia sư, cung cấp các bài kiểm tra tiêu chuẩn. Ứng dụng cho phép người dùng tải xuống và lưu trữ bài học video. Tính năng Adapto giúp điều chỉnh lớp theo mức độ hiểu biết của người học và tóm tắt dưới dạng infographics (đồ hoạ thông tin). Phụ huynh có thể truy cập ứng dụng để theo dõi tiến độ và học sinh có thể quản lý thời gian học tập ngay trên app.

Với cơ sở hơn 40 triệu người dùng, Ruangguru đang lên kế hoạch tiếp tục mở rộng, phát triển tại thị trường Việt Nam và Thái Lan. Theo East Ventures, công ty giải quyết các vấn đề giáo dục tại Indonesia bằng cách tạo ra những sản phẩm vừa túi tiền, giảm thiểu chi phí không cần thiết và cung cấp quyền truy cập bình đẳng vào giáo dục.

EMERITUS 

Emeritus, có trụ sở tại Singapore, cung cấp khóa học trực tuyến chất lượng cao, giảng dạy kỹ năng cần thiết cho tương lai với giá cả phải chăng và dễ tiếp cận. Công ty hợp tác với một số tổ chức giáo dục toàn cầu khác để cung cấp khóa học ngắn hạn, chứng chỉ chuyên môn và chương trình dành đào tạo lãnh đạo cấp cao. Nền tảng sử dụng công nghệ tiên tiến, huấn luyện, hướng dẫn thực hành và chương trình giảng dạy sáng tạo, hỗ trợ đội ngũ học viên đông đảo.

Emeritus trở thành kỳ lân vào năm 2021 sau khi nhận được 650 triệu USD tài trợ Series E từ các nhà đầu tư như Accel, Chan Zuckerberg Initiative và Sequoia Capital India. Ngoài ra, một số nhà đầu tư khác bao gồm CPP Investments, Peak XV Partners và Bertelsmann India Investments.

PANDAI

Pandai là ứng dụng học tập trực tuyến của Malaysia giúp học sinh cải thiện điểm số. Ứng dụng cung cấp các lớp học trực tuyến vui nhộn cùng giáo viên giàu kinh nghiệm. Vừa qua, Pandai huy động được 1,6 triệu USD trong vòng gọi vốn hạt giống.

Điểm nổi bật của Pandai là phương pháp học tập cá nhân hóa, cho phép học sinh học theo tốc độ riêng của mình và xác định lĩnh vực cần cải thiện. Ngoài ra, Pandai sở hữu loạt tính năng thú vị khác như trò chơi theo dạng câu hỏi trắc nghiệm, tóm tắt bài giảng theo chủ đề, kiểm tra theo chuyên đề, báo cáo tiến độ học tập, v.v.

Pandai không chỉ mang lại lợi ích cho học sinh mà còn hỗ trợ giáo viên thiết kế bài giảng, bài kiểm tra phù hợp với trình độ mỗi người, đồng thời giúp phụ huynh dễ dàng quản lý học phí và theo dõi tình hình học tập.

QUIPPER

Quipper là nền tảng quản lý học tập trực tuyến của Indonesia, nơi học sinh có thể truy cập nội dung học tập địa phương, phù hợp với chương trình giáo dục quốc gia. Ngoài ra, Quipper còn mang đến các dịch vụ hỗ trợ học tập như bồi dưỡng, gia sư và bài kiểm tra đánh giá. Hiện công ty đang hoạt động tại Nhật Bản, Philippines và Mexico, cung cấp giải pháp giáo dục cho học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12.

Mô hình học tập của Quipper bao gồm các bài học video với giáo viên giàu kinh nghiệm, học sinh có thể tải xuống để xem ngoại tuyến. Bên cạnh đó, học sinh còn nhận được hướng dẫn học tập và thông báo theo thời gian thực về bài tập và bài kiểm tra.

TIỀM NĂNG LĨNH VỰC EDTECH ĐÔNG NAM Á

Thời gian sử dụng thiết bị điện tử của học sinh cũng được cho là một trong những thách thức với công ty Edtech.

Tốc độ ứng dụng công nghệ và thời gian sử dụng thiết bị điện tử của học sinh (ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe) cũng là một trở ngại với sự phát triển của Edtech
Tốc độ ứng dụng công nghệ và thời gian sử dụng thiết bị điện tử của học sinh (ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe) cũng là một trở ngại với sự phát triển của Edtech

Mặc dù đang trên đà phát triển mạnh mẽ, nhưng startup Edtech tại Đông Nam Á không tránh khỏi nhiều thách thức về đầu tư, cơ sở hạ tầng internet, khả năng kết nối vùng nông thôn, quyền riêng tư và thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Thêm vào đó, tốc độ ứng dụng công nghệ và thời gian sử dụng thiết bị điện tử của học sinh (ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe) cũng là một trở ngại. Thêm nữa, tình trạng đạo văn tràn lan và chi phí triển khai Edtech cao.

Tuy nhiên, Edtech vẫn có nhiều cơ hội để thúc đẩy ngành giáo dục khu vực thông qua trí tuệ nhân tạo (AI). Những công nghệ mới có thể tăng cường tính cá nhân hóa, mang lại trải nghiệm học tập nhập vai và tương tác thông qua Metaverse (vũ trụ ảo). Bên cạnh đó, chính phủ các nước cần tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng, hỗ trợ chi phí công nghệ, khuyến khích giáo dục trực tuyến như một giải pháp thay thế học tập trực tiếp mà vẫn đảm chất lượng và trình độ học vấn.