13:59 11/09/2024

Ứng dụng công nghệ thực tế ảo để huấn luyện quy trình bay

Bảo Bình

Công nghệ thực tế ảo đã được ứng dụng nhiều trong các hoạt động huấn luyện và mô phỏng, như huấn luyện phi công, quân đội, và các ngành công nghiệp khác để mô phỏng các tình huống thực tế và khẩn cấp...

Thiết bị huấn luyện quy trình bay bằng công nghệ thực tế ảo do Airbus phát triển đem đến môi trường ảo chân thực, được thiết kế riêng cho những dòng máy bay đặc thù
Thiết bị huấn luyện quy trình bay bằng công nghệ thực tế ảo do Airbus phát triển đem đến môi trường ảo chân thực, được thiết kế riêng cho những dòng máy bay đặc thù

Công nghệ thực tế ảo (VR - Virtual reality) có thể hiểu là một môi trường 3D mô phỏng, cho phép người dùng khám phá và tương tác với môi trường ảo xung quanh theo cách gần đúng với thực tế. Môi trường này được cảm nhận bằng các giác quan của người dùng, thông qua các thiết bị như mũ, tai nghe, kính thực tế ảo.

Chính vì thế, công nghệ thực tế ảo đã được ứng dụng nhiều trong các hoạt động huấn luyện và mô phỏng, như huấn luyện phi công, quân đội, và các ngành công nghiệp khác để mô phỏng các tình huống thực tế và khẩn cấp.

CUNG CẤP MÔI TRƯỜNG CÓ TÍNH NHẬP VAI VÀ TƯƠNG TÁC CAO

Mới đây, Japan Airlines đã trở thành nhà khai thác máy bay A350 đầu tiên trên thế giới ký hợp đồng với Airbus đặt mua Thiết bị huấn luyện quy trình bay bằng công nghệ thực tế ảo cho máy bay A350 (A350 VPT) dựa trên máy tính.

Công cụ huấn luyện hiện đại bằng công nghệ thực tế ảo cung cấp môi trường có tính nhập vai và tương tác cao nhằm phục vụ việc thực hành các quy trình bay quan trọng cũng như diễn tập các tình huống khẩn cấp.

Thiết bị huấn luyện quy trình bay bằng công nghệ thực tế ảo do Airbus phát triển đem đến môi trường ảo chân thực, được thiết kế riêng cho những dòng máy bay đặc thù của hãng, khiến công nghệ này phát huy cao giá trị trong việc nâng cao trình độ của phi công.

Công nghệ thực tế ảo đang ngày càng phát triển và được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Đặc điểm nổi bật nhất của công nghệ thực tế ảo là cung cấp môi trường học tập nhập vai, giúp học viên trải nghiệm thực tế mà không cần rời khỏi lớp học.

Công cụ huấn luyện hiện đại bằng công nghệ thực tế ảo cung cấp môi trường có tính nhập vai và tương tác cao. Ảnh minh họa
Công cụ huấn luyện hiện đại bằng công nghệ thực tế ảo cung cấp môi trường có tính nhập vai và tương tác cao. Ảnh minh họa

Tính linh hoạt của công nghệ giúp việc đào tạo có thể được thực hiện tại bất cứ thời gian và địa điểm nào, giảm thiểu các sự cố gây gián đoạn và tối ưu chi phí thông qua việc giảm thiểu chi phí đào tạo và thời gian ngưng hoạt động của máy bay.

Được biết, việc Japan Airlines ứng dụng A350 VPT diễn ra trong bối cảnh hãng hàng không này mở rộng quan hệ đối tác với Airbus nhằm sử dụng bộ giải pháp MATe (Trải nghiệm Đào tạo Airbus di động) cho công tác đào tạo và thực hành sử dụng hệ thống. Với sự tích hợp này, Japan Airlines được hưởng lợi từ toàn bộ các giải pháp đào tạo bay của Airbus, qua đó tận dụng các khái niệm và công nghệ đào tạo mới nhất để nâng cao hiệu quả đào tạo và duy trì kiến ​​thức bay.

Nhóm học viên đầu tiên tham dự khóa đào tạo A350 VPT của Japan Airlines bao gồm 12 phi công. Sáng kiến kéo dài trong vòng 5 năm này phản ánh cam kết kiên định của Japan Airlines trong việc duy trì tiêu chuẩn về an toàn bay cũng như giữ vững chất lượng trong hoạt động khai thác.

Balinda Zhang, Trưởng phòng Dịch vụ Thương mại tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Airbus, cho biết Airbus sẽ cung cấp hỗ trợ toàn diện trong suốt quá trình tích hợp để đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ.

“Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp giải pháp đào tạo ứng dụng các công nghệ mới nổi, giúp hãng bay duy trì chất lượng trong quy trình đào tạo phi hành đoàn".

Tính đến tháng 8 năm 2024, Japan Airlines đã khai thác 15 máy bay A350-900 và 5 máy bay A350-1000, cùng với 23 chiếc A350-900 đang chờ giao và 8 chiếc A350-1000 được đặt mua.