Việt Nam đang đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ đặc biệt để phát triển nguồn nhân lực bán dẫn chất lượng cao
Việt Nam đặt mục tiêu đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực chất lượng cao, trong đó có 42.000 kỹ sư, 7.500 thạc sĩ, 500 nghiên cứu sinh và 5.000 chuyên gia về AI phục vụ ngành bán dẫn...

Ngành bán dẫn đang bước vào kỷ nguyên bùng nổ, trở thành tâm điểm chiến lược trong cuộc đua công nghệ toàn cầu. Thị trường chip bán dẫn duy trì tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) lên tới 14% trong suốt hai thập kỷ qua.
Với đà phát triển này, ngành bán dẫn sẽ cán mốc nghìn tỷ USD vào năm 2030, trở thành trụ cột chiến lược của nền kinh tế toàn cầu. Không chỉ là động lực kinh tế và công nghệ, chất bán dẫn ngày nay còn là biểu tượng của sức mạnh và vị thế quốc gia trên bản đồ địa chính trị.
Chiều ngày 30/6/2025, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (UEB-VNU) đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Quản trị nguồn nhân lực chiến lược trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam - Strategic Human Resource Management for Vietnam’s Semiconductor Industry” nhằm góp phần làm rõ yêu cầu và thách thức về nhân lực quản trị chiến lược trong bối cảnh ngành bán dẫn đang vươn lên thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Hội thảo hướng tới tìm kiếm các mô hình đào tạo hiệu quả, giải pháp kết nối giữa doanh nghiệp – nhà trường – cơ quan quản lý, từ đó xây dựng hệ sinh thái phát triển nhân lực toàn diện, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu.
NHỮNG ƯU ĐÃI NHẰM PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO
Theo bà Nguyễn Thị Kim Anh, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công Nghệ và Môi trường của Quốc hội, một trong những nội dung quan trọng để tạo nên kỷ nguyên mới của Việt Nam chính là các chính sách liên quan đến lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và công nghiệp công nghệ số, đặc biệt là ngành công nghiệp bán dẫn. Chia sẻ về một số nội dung mới trong Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo về thu hút nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, bà Kim Anh cho biết Luật có phạm vi điều chỉnh rất rộng, tác động đến nhiều đối tượng và doanh nghiệp.

Việc ban hành Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo nhằm thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, đặc biệt là bốn nghị quyết chiến lược của Bộ Chính trị: Nghị quyết Nghị quyết 57-NQ/TW, Nghị quyết 59-NQ/TW, Nghị quyết 66-NQ/TW và Nghị quyết 68-NQ/TW. Trong đó, Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là nền tảng quan trọng, tạo cơ hội cho ngành công nghiệp bán dẫn cũng như các lĩnh vực công nghiệp công nghệ số và khoa học, công nghệ phát triển.
“Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo được xây dựng với nguyên tắc lấy con người làm trung tâm, đảm bảo việc phát triển và ứng dụng công nghệ luôn nằm dưới sự giám sát và kiểm soát của con người”, bà Kim Anh cho biết. “Luật cũng bảo đảm quyền tự do nghiên cứu và sáng tạo của các nhà khoa học, trong khuôn khổ vì cộng đồng, xã hội, sự phát triển kinh tế và quốc an ninh quốc phòng”.
Đặc biệt, Luật định hướng mang tính chiến lược, tập trung vào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước, khơi dậy và kết nối mọi nguồn lực trong xã hội để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Do đó, Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đã có những quy định về phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Những cá nhân tham gia hoạt động này được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và được ưu tiên trong bổ nhiệm, tuyển dụng, bố trí việc làm, thu nhập, thuế thu nhập cá nhân, lao động, nhà ở, xuất nhập cảnh, cư trú, cấp giấy phép lao động.
“TỔNG CÔNG TRÌNH SƯ” TRONG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO
Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo cũng lần đầu tiên quy định về vai trò của “tổng công trình sư” trong nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Tổng công trình sư được bố trí nhà ở công vụ, phương tiện đi lại, có thẩm quyền điều động nhân lực, quyết định sử dụng kinh phí, bao gồm cả việc mua trực tiếp công nghệ, sản phẩm, thiết bị, hoặc bí quyết công nghệ từ nước ngoài với giá thỏa thuận. Đây là một bước đột phá lớn, học hỏi kinh nghiệm quốc tế để tạo điều kiện tối đa cho tổng công trình sư.
Theo ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, Việt Nam đã có các chính sách tập trung vào phát triển kỹ sư và chuyên gia bán dẫn, nhưng vai trò của các nhà lãnh đạo công nghệ, các doanh nghiệp bán dẫn – những người dẫn dắt kinh doanh – vẫn còn "mờ nhạt" trong các chính sách. Hệ thống giáo dục hiện nay, dù đã có những cải thiện, vẫn bị chia thành hai hướng: đào tạo kỹ thuật chuyên sâu hoặc các chương trình MBA. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Tiến Thịnh, các lãnh đạo công nghệ cần một sự kết hợp đặc biệt – kiến thức kỹ thuật sâu rộng, tư duy chiến lược sắc bén, và khả năng "trò chuyện" với cả nhà đầu tư và thị trường toàn cầu.
Việt Nam đã có các chính sách tập trung vào phát triển kỹ sư và chuyên gia bán dẫn, nhưng vai trò của các nhà lãnh đạo công nghệ, các doanh nghiệp bán dẫn – những người dẫn dắt kinh doanh – vẫn còn "mờ nhạt" trong chính sách. Hệ thống giáo dục hiện nay, dù đã có những cải thiện, vẫn bị chia thành hai hướng: đào tạo kỹ thuật chuyên sâu hoặc các chương trình MBA.
Vì thế, Việt Nam cần một chiến lược đồng bộ và dài hạn. “Trước hết, cần xây dựng các chương trình đào tạo liên ngành, kết hợp giữa công nghệ và quản trị chiến lược. Những chương trình này không chỉ dạy lập trình hay tài chính, mà còn trang bị kiến thức về sở hữu trí tuệ, gọi vốn, và các xu hướng công nghệ toàn cầu”, ông Đỗ Tiến Thịnh nói.
Đặc biệt, ông Thịnh cho rằng việc hợp tác với các trường đại học danh tiếng như MIT, Stanford hoặc Harvard – tuy chi phí cao – nhưng là khoản đầu tư xứng đáng để tạo ra đội ngũ lãnh đạo cho các công ty công nghệ hàng đầu.
Ngoài ra, lãnh đạo NIC cũng nhấn mạnh việc tạo cơ hội cho các lãnh đạo trẻ được cọ xát thực tế. Các chương trình trao đổi quốc tế, thực tập tại các tập đoàn công nghệ lớn hoặc tham gia các dự án đa quốc gia sẽ giúp họ tích lũy kinh nghiệm thực tiễn.
Ông Đỗ Tiến Thịnh cho rằng có thể cân nhắc chính sách đặc thù dành cho nhóm lãnh đạo công nghệ cao là người Việt Nam ở nước ngoài để thu hút họ về nước và giữ chân nhân tài, ví dụ như miễn thuế thu nhập cá nhân, phân bổ ngân sách nghiên cứu, và quan trọng hơn cả là trao quyền thực sự trong các dự án quốc gia.
“Nhiều lãnh đạo tại Việt Nam đã trưởng thành từ các chương trình đào tạo nội bộ, như ở Viettel, FPT... Họ là những ví dụ sinh động cho thấy nếu có môi trường và cơ chế phù hợp, nguồn nhân lực Việt Nam hoàn toàn có thể vươn tầm quốc tế”, ông Đỗ Tiến Thịnh nhìn nhận. “Tuy nhiên, điều mà Việt Nam cần không chỉ là một vài cá nhân điển hình, mà là một đội ngũ – đông đảo, chất lượng và được ươm tạo liên tục. Các nhà lãnh đạo cần được "rèn luyện" trong các dự án quy mô lớn, phức tạp, mang tính toàn cầu, nơi họ buộc phải va chạm với thị trường, luật pháp quốc tế và áp lực cạnh tranh liên tục”.
ĐỀ XUẤT HỢP TÁC GIỮA CƠ SỞ GIÁO DỤC, CHÍNH PHỦ VÀ DOANH NGHIỆP
Theo PGS.TS. Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, ngành công nghiệp bán dẫn là nền tảng của đổi mới công nghệ và tăng trưởng kinh tế, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nhiều ngành công nghệ cao. Việt Nam đang nỗ lực vươn lên để trở thành một mắt xích chiến lược trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu, công tác quản trị nguồn nhân lực sẽ là một trong những vấn đề trọng yếu.

"Để ngành bán dẫn phát triển mạnh mẽ và bền vững, Chính phủ Việt Nam đã triển khai các chiến lược, đề án mạnh mẽ cho ngành này. Tuy nhiên, một yếu tố quan trọng không thể thiếu trong quá trình này là nguồn nhân lực chất lượng cao – nhân tố quyết định trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn.
Đặc biệt, trong bối cảnh ngành này đang phát triển mạnh mẽ, vai trò của những người quản lý chiến lược trong ngành bán dẫn chưa được nhắc đến nhiều. Đây chính là cơ hội để chúng ta tập trung thảo luận và tìm ra giải pháp cho vấn đề cốt lõi này".
Hội thảo “Quản trị nguồn nhân lực chiến lược trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam" đã thảo luận các vấn đề trọng tâm như chính sách và chiến lược nhân lực cho ngành bán dẫn, cụ thể là các khuôn khổ pháp lý và phát triển hệ sinh thái nhân lực. Các chuyên gia cũng sẽ chia sẻ những góc nhìn thực tiễn về mô hình đào tạo và tăng năng suất lao động từ các doanh nghiệp trong ngành, nêu bật các phương pháp hiệu quả trong việc phát triển nguồn nhân lực.
Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1018/QĐ-TTg ngày 21/9/2024) và Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 (Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21/9/2024). Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực chất lượng cao, trong đó có 42.000 kỹ sư, 7.500 thạc sĩ, 500 nghiên cứu sinh và 5.000 chuyên gia về AI phục vụ ngành bán dẫn.
Các chuyên gia đã nhấn mạnh về việc thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực cũng như thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở giáo dục và các doanh nghiệp. Hội thảo cũng đề xuất các giải pháp phát triển nguồn nhân lực như đổi mới phương pháp, liên kết đào tạo giữa trường đại học với doanh nghiệp.
“Sự hợp tác giữa các cơ sở giáo dục, Chính phủ và doanh nghiệp là điều kiện cần thiết để đảm bảo chúng ta có đủ nguồn nhân lực và chính sách phù hợp hỗ trợ ngành công nghiệp chiến lược này”, PGS.TS. Nguyễn Anh Thu nhấn mạnh.