10:44 07/05/2024

Với thực trạng đào tạo hiện nay, Việt Nam rất khó đáp ứng nhu cầu nhân lực cao ngành bán dẫn

Bảo Bình

Thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành như trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn, công nghệ năng lượng mới, nhưng với thực trạng đào tạo hiện nay, Việt Nam rất khó đáp ứng nhu cầu của thị trường trong một vài năm tới...

Nguồn nhân lực là yếu tố tạo dựng và phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn. Ảnh minh họa
Nguồn nhân lực là yếu tố tạo dựng và phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn. Ảnh minh họa

Việt Nam đã nhận thức rõ về vai trò, tầm quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn và hiện đang đứng trước thời cơ to lớn để trở thành một điểm đến chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn. Tuy vậy, Việt Nam cũng đang phải chạy đua với thời gian để có thể gây dựng một nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu thị trường, không chỉ trong nước mà còn quốc tế.

KHÔNG CÓ NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG, CÁC CÔNG TY LỚN SẼ KHÔNG ĐẦU TƯ VÀO VIỆT NAM

Theo TS. Bùi Quý Thuấn, Trường Đại học Phenikaa, hiện nay, nguồn nhân lực công nghệ cao của Việt Nam trong các ngành thuộc lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn, công nghệ năng lượng mới... đang thiếu hụt những nhân sự chất lượng cao để có thể thu hút các công ty công nghệ hàng đầu thế giới đầu tư vào Việt Nam. 

Mặc dù, ngành công nghệ vi mạch bán dẫn không phải là ngành đào tạo tạo hoàn toàn mới, và có một số trường đại học lớn như Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TP. HCM, Đại học Quốc gia Hà Nội,.. đã và đang triển khai đào tạo nhưng số lượng sinh viên theo học và tốt nghiệp đến nay còn rất thấp, một phần do cơ hội nghề nghiệp cũng như chất lượng đào tạo không đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. 

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế Việt Nam / VnEconomy, TS. Bùi Quý Thuấn cho biết thách thức lớn nhất trong việc đào tạo nhân lực chất lượng cao ngành bán dẫn đó là Việt Nam có rất ít công ty sản xuất trong ngành bán dẫn, vi mạch và cũng không có nhà máy sản xuất chip với công nghệ cao như các nước Đài Loan, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc. 

Theo TS. Bùi Quý Thuấn, nếu Việt Nam không có nguồn nhân lực thì các công ty lớn sẽ không đầu tư vào Việt Nam, còn nếu đầu tư vào phát triển nhân lực thì chỉ được một số công đoạn ban đầu chứ chưa thể đi đến sản phẩm cuối cùng.

Bài toán này đang gây tranh cãi và chỉ có thể vượt qua bằng cách tiếp cận từng bước, chọn đúng ngành nghề, kỹ năng cần đào tạo, liên kết với các đối tác nhất là các đối tác nước ngoài, quy tụ nguồn nhân tài từ trong và ngoài nước để thực hiện việc đào tạo, đi theo một lộ trình và cả nhà nước cũng như các bên cùng chung tay mới có thể thành công được.

“Với thực trạng đào tạo và loại hình đào tạo hiện nay, rất khó có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường đối với nguồn nhân lực cao trong ngành này trong một vài năm tới”, TS. Bùi Quý Thuấn nói. “Do đó, rất cần có sự hỗ trợ của nhà nước và sự chủ động vào cuộc của các cơ sở giáo dục đại học, kết hợp cùng các tập đoàn, doanh nghiệp, nhằm đào tạo nguồn nhân lực đi trước một bước, từ đó thu hút đầu tư, phát triển thị trường lao động”.

CẦN XÁC ĐỊNH ĐẦU RA CỦA CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO NGAY TỪ KHI ĐẦU

Tại một sự kiện gần đây, trong cuộc phỏng vấn báo chí, Phó giáo sư, tiến sĩ Đào Ngọc Tiến, Phó hiệu trưởng và là Trưởng ban chỉ đạo thông tin hỗ trợ doanh nghiệp của trường Đại học Ngoại thương, cũng cho rằng Việt Nam cần tạo ra một hệ sinh thái thu hút nhiều công ty, từ các doanh nghiệp thương mại đến các công ty công nghệ, và các cơ sở giáo dục, đào tạo để cùng nhau tạo ra một môi trường phát triển và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Tiến sỹ Đào Ngọc Tiến cho biết Trường Đại học Ngoại thương đang đối mặt với một số thách thức, đặc biệt là về nguồn nhân lực và trang thiết bị. Một khó khăn chính là việc tuyển dụng giảng viên chuyên về công nghệ nhưng vẫn hiểu được triết lý của trường đại học. Nguyên nhân là lĩnh vực công nghệ thông tin đang phát triển nhanh chóng và cung cấp chế độ đãi ngộ hấp dẫn, khiến việc thu hút giảng viên chất lượng cao trở nên khó khăn. Ngoài ra, chi phí để đầu tư vào trang thiết bị và cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu đào tạo công nghệ cũng là một thách thức. 

“Trong thời đại công nghệ phát triển nhanh chóng và thế giới thay đổi không ngừng, không ai có thể hoạt động đơn độc. Do đó, hợp tác là chìa khóa để giải quyết các vấn đề phức tạp”, Phó giáo sư, tiến sĩ Đào Ngọc Tiến, nói. “Mỗi doanh nghiệp, trường đại học và tổ chức có thể nhìn nhận từ các khía cạnh khác nhau. Doanh nghiệp công nghệ tập trung vào công nghệ, trong khi các trường kinh tế chú trọng vào kinh doanh. Vì thế, để cung cấp giải pháp hoàn chỉnh cho các tổ chức và doanh nghiệp, cần có sự phối hợp giữa các bên”.

Đồng quan điểm, bàn về câu chuyện chuyển đổi đào tạo như thế nào để đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực công nghệ cao nói chung và nhân lực trong ngành bán dẫn nói riêng, TS. Bùi Quý Thuấn của Trường Đại học Phenikaa cũng cho rằng các cơ sở giáo dục phải làm việc nhiều hơn với các đối tác trong và ngoài nước để xác định được chính xác nhân lực công nghệ cao là nguồn nhân lực thuộc ngành nào, cần những kỹ năng gì. 

Ngoài ra, theo TS Bùi Quý Thuấn, cần thiết lập chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo đối với nhân sự chất lượng cao; tập trung đầu tư cơ sở vật chất theo đúng yêu cầu của chương trình đào tạo để có thể thực hiện việc đào tạo, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo phải theo các quy chuẩn quốc tế để có thể đáp ứng nhu cầu không những trong nước mà còn cho quốc tế.

TS Bùi Quý Thuấn (bên phải) tại Hội thảo quốc tế “Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu” ngày 4/5/2024.
TS Bùi Quý Thuấn (bên phải) tại Hội thảo quốc tế “Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu” ngày 4/5/2024.

“Xác định đầu ra của nhân lực chất lượng cao ngay từ khi đào tạo để đảm bảo tránh lãng phí công sức của cả đơn vị đào tạo và người được đào tạo. Điều này rất quan trọng vì nếu chỉ nói chung chung thì rất khó xác định việc đào tạo chính xác theo nhu cầu của xã hội”, TS. Bùi Quý Thuấn nói và nhấn mạnh sau khi xác định chính xác lĩnh vực cần đào tạo để đáp ứng nhu cầu của các công ty, cần tìm hiểu các phương thức đào tạo, các chứng chỉ và cách thức đào tạo để đáp ứng - qua đó tìm được nhân sự có chất lượng cao - là các giáo viên, giảng viên - để có thể đáp ứng được nhu cầu này.

Được biết, Trường Đại học Phenikaa cam kết sẽ đào tạo 8.000 kỹ sư thiết kế chip và 12.000 kỹ sư/kỹ thuật viên bậc cao có chứng chỉ quốc tế đến năm 2030, đáp ứng 40% nhu cầu nhân lực dự kiến của ngành bán dẫn Việt Nam.

Để thực hiện mục tiêu, trường đã đưa ra nhiều chiến lược như mở rộng liên kết với các trường đại học, tổ chức trong nước và quốc tế; đào tạo theo đơn hàng và nhu cầu thị trường, gắn kết với doanh nghiệp; Đầu tư 265 tỷ đồng để hoàn thiện cơ sở hạ tầng đào tạo, nghiên cứu thiết kế chip; Ký kết thỏa thuận hợp tác với các trường đại học danh tiếng như Arizona State University, Chang Gung University, các công ty Synopsys, SiCADA, Công ty CP Công nghệ VMO Holding…