20:07 19/11/2024

Xây dựng hệ sinh thái liên ngành để doanh nghiệp tiến xa hơn trong nền kinh tế số

Bảo Bình

Hệ sinh thái liên ngành không chỉ là một chiến lược mà còn là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp Việt Nam đạt được sự đột phá trong thời đại số…

Để tối ưu hóa công nghệ và tạo ra bước nhảy vọt, doanh nghiệp cần mở rộng tầm nhìn và tham gia vào một hệ sinh thái lớn hơn chính mình - hệ sinh thái thông minh liên ngành. Ảnh minh họa
Để tối ưu hóa công nghệ và tạo ra bước nhảy vọt, doanh nghiệp cần mở rộng tầm nhìn và tham gia vào một hệ sinh thái lớn hơn chính mình - hệ sinh thái thông minh liên ngành. Ảnh minh họa

Theo ông Trần Huy Bảo Giang, Tổng Giám đốc FPT Digital, Tập đoàn FPT, xây dựng một hệ sinh thái thông minh không chỉ là xu hướng mà còn là nền tảng quan trọng cho các doanh nghiệp Việt Nam tiến xa hơn trong nền kinh tế số. 

Với một hệ sinh thái thông minh, khả năng kết nối khách hàng sẽ liền mạch, doanh nghiệp  có thể định hình lại cách tương tác với khách hàng, từ đó tạo ra giá trị mới, xây dựng những hệ sinh thái mới không bị giới hạn bởi ngành nghề hay lĩnh vực truyền thống.

Ngành nghề truyền thống sẽ dần mất đi sự phân biệt rõ ràng khi các hệ sinh thái xuất hiện, kết nối nhiều lĩnh vực khác nhau. Doanh nghiệp nào sở hữu dữ liệu sẽ là người chiến thắng trong dài hạn, bởi dữ liệu không chỉ là tài sản mà còn là yếu tố quyết định sự tồn tại của hệ sinh thái. 

CÁ NHÂN HÓA VÀ TẬN DỤNG DỮ LIỆU: CHÌA KHÓA CỦA HỆ SINH THÁI THÔNG MINH

Hệ sinh thái thông minh liên ngành cũng chính là một phần quan trọng của quá trình chuyển đổi số. Theo đó, chuyển đổi số là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến và hiện đại, được gọi là "phương thức sản xuất số". 

Chuyển đổi số tạo ra phương thức sản xuất số, lực lượng sản xuất số để từ đó mở ra khả năng xây dựng các hệ sinh thái thông minh liên ngành, nơi các ngành nghề khác nhau sẽ tương tác và cộng hưởng lẫn nhau, tạo động lực cho phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Điều này đòi hỏi sự thay đổi cơ bản trong cách tổ chức sản xuất và quản lý xã hội, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng những thách thức của nền kinh tế số.

Tại sự kiện FPT Techday 2024 vừa qua, ông Trần Huy Bảo Giang đã chia sẻ rằng một trong những câu hỏi phổ biến nhất của lãnh đạo các doanh nghiệp là “làm thế nào sử dụng công nghệ số không chỉ nhằm tối ưu hóa mà còn tạo ra bước nhảy vọt”. Chuyên gia cho rằng câu trả lời nằm ở chỗ khả năng của doanh nghiệp có thể mở rộng tầm nhìn và tham gia vào một hệ sinh thái lớn hơn chính mình - hệ sinh thái thông minh liên ngành.

Ông Trần Huy Bảo Giang, Tổng Giám đốc FPT Digital, Tập đoàn FPT
Ông Trần Huy Bảo Giang, Tổng Giám đốc FPT Digital, Tập đoàn FPT

Cùng quan điểm, ông Fumiaki Katsuki, Giám đốc hợp danh tại McKinsey & Company, khẳng định các hệ sinh thái thông minh không còn là một khái niệm trừu tượng mà đã trở thành hiện thực tất yếu và sẽ ngày càng tăng tốc. McKinsey ước tính thị trường hệ sinh thái tại Việt Nam hiện đạt 7,2 tỷ USD và sẽ tiếp tục tăng trưởng hai con số trong những năm tới.

“Ba yếu tố cốt lõi để một hệ sinh thái thành công là sự phá vỡ ranh giới ngành nghề, sự gắn kết khách hàng sâu sắc hơn và khả năng sở hữu dữ liệu”, ông Fumiaki Katsuki nói.

Để hệ sinh thái thành công, cả hai chuyên gia đều đồng ý rằng việc cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng và tận dụng dữ liệu là yếu tố cốt lõi. Ông Fumiaki Katsuki giải thích: "Một hệ sinh thái thành công không chỉ thu hút khách hàng mà còn phải duy trì sự tương tác liên tục với họ. Dữ liệu chính là nền tảng để cá nhân hóa dịch vụ và tạo ra giá trị dài hạn. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp  phải xây dựng các nền tảng công nghệ mạnh mẽ, có khả năng thu thập, phân tích và sử dụng dữ liệu để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng”.

Theo ông Giang, tư duy đổi mới và hành động nhanh chóng là yếu tố quan trọng trong thời đại số. “Các doanh nghiệp cần xác định rõ vấn đề cốt lõi, tập trung giải quyết triệt để các “điểm đau” của khách hàng và nhanh chóng hành động. Nếu không, họ sẽ bỏ lỡ cơ hội trong một thị trường đang thay đổi từng ngày”. Bên cạnh đó, công nghệ và dữ liệu chính là chìa khóa để tạo ra những giá trị đột phá thực sự cho tất cả các bên tham gia, từ đó doanh nghiệp  đạt được sự đổi mới và bền vững. 

VAI TRÒ ĐIỀU PHỐI HỆ SINH THÁI LIÊN NGÀNH CỦA NGÂN HÀNG

Về việc xây dựng hệ sinh thái, ông Fumiaki Katsuki nhấn mạnh vai trò đặc biệt của ngành ngân hàng như một “nhạc trưởng” điều phối. Theo ông, ngân hàng sở hữu những lợi thế độc nhất, bao gồm khả năng quản lý dòng tiền, thương hiệu tin cậy và tiêu chuẩn bảo mật dữ liệu cao. Do đó, chuyên gia McKinsey cho rằng ngân hàng là điểm kết nối tự nhiên trong mọi hệ sinh thái bởi họ sở hữu các sản phẩm cốt lõi như thanh toán và tín dụng – những yếu tố không thể thiếu để thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan.

Theo đại diện McKinsey, ngân hàng có thể tham gia vào hệ sinh thái theo ba cách chính. Thứ nhất, ngân hàng có thể trở thành một thành viên tham gia vào hệ sinh thái đã tồn tại, đóng vai trò là một phần trong mạng lưới rộng lớn. Thứ hai, ngân hàng có thể trở thành người điều phối, kết nối các dịch vụ và tạo ra giá trị từ việc kết hợp các ngành. Cuối cùng, một số ngân hàng có thể tự xây dựng hệ sinh thái riêng của mình, tạo nên một nền tảng độc lập để quản lý và kiểm soát hoàn toàn. 

Ông Fumiaki Katsuki, Giám đốc hợp danh tại McKinsey & Company
Ông Fumiaki Katsuki, Giám đốc hợp danh tại McKinsey & Company

Tất cả những cách này đòi hỏi các năng lực khác nhau và thời gian thực hiện khác nhau, không chỉ với ngân hàng mà còn với bất kỳ ngành nào. Đặc biệt, để một hệ sinh thái thành công, luôn cần có một sản phẩm trọng tâm thu hút người dùng, hay còn gọi là “sản phẩm hook" - sản phẩm này phải giải quyết đúng vấn đề mà khách hàng đang gặp phải. Một trong những sản phẩm thu hút và gắn kết trong hệ sinh thái, như nhiều người có thể nhận ra, chính là thanh toán, và đây là lợi thế mà các ngân hàng và tổ chức tài chính có.

Một lợi thế khác là khả năng cung cấp tín dụng, đây là điều mà nhiều ngành khác không thể làm được do các quy định. Khả năng này giúp ngân hàng trở thành phần quan trọng nhất trong hệ sinh thái.

Ngoài ra, ngân hàng cũng có những lợi thế mà các ngành khác không có, đặc biệt là vấn đề bảo mật dữ liệu. Các ngân hàng luôn có tiêu chuẩn bảo mật dữ liệu cao, giúp họ duy trì vị thế trong hệ sinh thái. Thêm vào đó, các ngân hàng đã có sẵn một mạng lưới đối tác rộng lớn trong mô hình kinh doanh hiện tại, từ các công ty bảo hiểm nhân thọ, quản lý tài sản cho đến bất động sản, giúp họ tận dụng nhiều cơ hội hơn trong hệ sinh thái, ông Fumiaki Katsuki nhận xét.

HỆ SINH THÁI LIÊN NGÀNH LÀ MỘT HÀNH TRÌNH DÀI HẠN ĐÒI HỎI SỰ KIÊN NHẪN, ĐẦU TƯ VÀ QUYẾT TÂM

Theo kinh nghiệm của McKinsey, chỉ khoảng 10% doanh nghiệp thực sự đạt được mục tiêu khi triển khai chiến lược hệ sinh thái. Phần lớn các doanh nghiệp phải mất từ 5 đến 6 năm để thấy kết quả rõ ràng. Điều này cho thấy hệ sinh thái không phải là một chiến lược ngắn hạn, mà là một hành trình dài hạn đòi hỏi sự kiên nhẫn, đầu tư và quyết tâm.

Ông Fumiaki Katsuki cũng lưu ý rằng, để hệ sinh thái thành công, doanh nghiệp cần tập trung vào việc xây dựng các sản phẩm "hook" nhằm thu hút khách hàng và duy trì sự gắn kết thông qua cá nhân hóa dịch vụ. Khi dữ liệu đạt đến quy mô đủ lớn, doanh nghiệp có thể mở rộng các sản phẩm và dịch vụ, không chỉ để đáp ứng nhu cầu hiện tại mà còn để dự đoán xu hướng và tạo ra các giá trị mới.

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, ông Trần Huy Bảo Giang tin rằng đây là thời điểm vàng để chuyển mình và định vị trên bản đồ kinh doanh toàn cầu. Ông nhấn mạnh rằng sự thay đổi không chỉ đến từ công nghệ mà còn phụ thuộc vào tư duy lãnh đạo, khả năng hợp tác và sự quyết liệt trong việc triển khai.

Tuy nhiên, theo chuyên gia, các doanh nghiệp Việt, bao gồm cả ngân hàng, cần thay đổi cách tiếp cận để không chỉ thu hút khách hàng mà còn duy trì sự gắn kết lâu dài với họ. Theo thống kê từ McKinsey chỉ khoảng 10% các tổ chức đã tư vấn thực sự đạt được mục tiêu ban đầu trong chiến lược hệ sinh thái. 

Theo ông Fumiaki Katsuki, để xây dựng hệ sinh thái liên ngành, doanh nghiệp cần có một giá trị đề xuất rất mạnh mẽ để thu hút khách hàng. Điều này có thể là một sản phẩm như thanh toán, trò chuyện, hoặc thương mại điện tử. Nhưng điều quan trọng hơn là phải giải quyết đúng vấn đề mà khách hàng đang gặp phải. “Chúng ta thường thấy sự không tương đồng giữa những gì doanh nghiệp cung cấp và vấn đề thực tế của khách hàng”, ông Fumiaki Katsuki cho biết.

Sau khi thu hút được khách hàng, bước tiếp theo là duy trì sự gắn kết. Một nền tảng thành công là nền tảng có thể khiến khách hàng quay lại thường xuyên, không phải sau 12 hoặc 18 tháng, mà là hàng ngày hoặc hàng tuần. Dữ liệu sẽ cho phép bạn cá nhân hóa dịch vụ, làm cho khách hàng cảm thấy rằng sản phẩm hoặc dịch vụ đó chỉ dành riêng cho họ.

"Hệ sinh thái không phải là chiến lược ngắn hạn. Nó đòi hỏi sự kiên nhẫn, đầu tư và tư duy lãnh đạo mạnh mẽ. Nhưng khi được xây dựng thành công, nó sẽ trở thành một nền tảng bền vững, mang lại giá trị vượt trội cho tất cả các bên tham gia”, ông Fumiaki Katsuki nói.