10 ngành hàng mang lại hàng tỷ USD cho doanh nghiệp Việt
Tổng trị giá xuất khẩu hàng hoá trong 5 tháng đầu năm 2019 tăng 7,1%, tương ứng tăng 6,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước
Có 10 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2019, trong đó máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện dẫn đầu với mức tăng 1,45 tỷ USD.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất khẩu trong 5 tháng năm 2019 của doanh nghiệp Việt Nam đạt 101,12 tỷ USD, tăng 7,1%, tương ứng tăng 6,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, có 10 nhóm hàng dẫn đầu, đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD là điện thoại, máy vi tính, hàng nông sản, máy móc, giày dép, gỗ, phương tiện vận tải, thuỷ sản và sắt thép.
Cụ thể, dẫn đầu vẫn là nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện. Xuất khẩu mặt hàng này trong 5 tháng đầu năm đạt 19,72 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó xuất khẩu chủ yếu sang EU (28 nước) đạt 5,27 tỷ USD, giảm 6,5%; xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt trị giá 3,77 tỷ USD tăng mạnh 91,7%; sang thị trường Hàn Quốc đạt 2,04 tỷ USD, tăng 7,6%... so với cùng kỳ năm trước.
Đứng thứ hai là hàng dệt may với kim ngạch đạt 12,19 tỷ USD trong 5 tháng qua, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.
Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam với trị giá đạt 5,7 tỷ USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước, và chiếm 46,8% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước.
Tiếp theo là thị trường Nhật Bản đã tiêu thụ 1,46 tỷ USD, tăng 5%; thị trường EU (28 nước) tiêu thụ 1,56 tỷ USD, tăng 7,5%...
Máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng đứng thứ ba với trị giá xuất khẩu đạt 12,55 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang Trung Quốc đạt 3,19 tỷ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước; sang thị trường EU (28 nước) đạt 2,05 tỷ USD, giảm 1,5%; sang thị trường Hoa Kỳ đạt 1,78 tỷ USD, tăng mạnh 71,6%; sang Hàn Quốc đạt 1,16 tỷ USD, tăng 3,7%...
Nhóm hàng nông sản (bao gồm hàng rau quả, hạt điều, hạt tiêu, chè, cà phê, gạo, sắn và sản phẩm sắn, cao su) là ngành hàng xuất khẩu nhiều thứ tư.
Xuất khẩu nhóm hàng này đạt 7,02 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất nhập khẩu mặt hàng nông sản của Việt Nam trong 5 tháng qua với 2,48 tỷ USD, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Tiếp theo là thị trường EU (28 nước) đạt 1,09 tỷ USD, giảm 9,4%; sang Hoa Kỳ với 668 triệu USD, giảm 21,6%...
Thứ năm là máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác với kim ngạch 6,82 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước.
Các thị trường nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam là Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Trong khi đó, giày dép các loại và gỗ tiếp tục chiếm lĩnh vị trí thứ sáu và thứ bảy. Xuất khẩu giày dép các loại trong 5 tháng qua đạt 7,11 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2018, với hai thị trường chính là EU và Mỹ, chiếm 64,9% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam.
Còn xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,02 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu được xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc.
Ngành hàng xuất khẩu nhiều thứ tám và thứ chín là phương tiện vận tải, phụ tùng và hàng thuỷ sản.
Cụ thể, xuất khẩu phương tiện vận tải và phụ tùng trong 5 tháng đầu năm đạt 3,58 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Còn hàng thuỷ sản xuất khẩu đạt 3,18 tỷ USD, giảm nhẹ 0,7% so với cùng thời gian năm 2018.
Hàng thủy sản của Việt Nam trong 5 tháng qua chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Mỹ, EU và Trung Quốc.
Ngành hàng xuất khẩu nhiều thứ mười của Việt Nam là sắt thép các loại. Xuất khẩu mặt hàng này trong 5 tháng đạt 2,93 triệu tấn, trị giá 1,89 tỷ USD, tăng 24,4% về lượng và tăng 7,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.