10 phút giao dịch dồn dập tại cổ phiếu Techcombank phiên chào sàn
10 phút này điển hình cho tình huống của một cổ phiếu tạo mức lãi khổng lồ một năm qua
Ngày 4/6, hơn 1,16 tỷ cổ phiếu Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank, mã TCB) bước vào phiên giao dịch đầu tiên tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE). Giá sàn trở thành tham chiếu cho nhiều yếu tố xoay quanh.
Với 128.000 đồng giá tham chiếu phiên chào sàn, TCB trở thành một trong những cổ phiếu tạo được mức lãi lớn nhất khi chuyển từ giao dịch trên thị trường tự do (OTC) lên sàn niêm yết chính thức.
Chưa có dòng tiền mạnh dẫn dắt
Khoảng một năm trước, giá TCB chỉ khoảng 20.000 - 30.000 đồng/cổ phiếu. Trên thị trường OTC, tính tham chiếu của giá giao dịch khá hạn chế, khi sự tương tác cung cầu có giới hạn, các khoảng giá cũng chỉ tương đối.
Nhưng, với mốc 128.000 đồng/cổ phiếu tham chiếu niêm yết chính thức, ở kênh giao dịch tối ưu nhất trên thị trường về tạo thanh khoản và kết nối cung - cầu, TCB chính thức cụ thể hóa mức độ sinh lời cỡ 500-600% chỉ sau khoảng một năm, một mức độ hiếm có.
Cũng chính vì tỷ suất sinh lời quá lớn đó là yếu tố chủ chốt, tạo áp lực đè nặng giá TCB ở mức sàn trong suốt phiên giao dịch đầu tiên.
Hơn 1 triệu đơn vị đặt bán ATC chỉ vài phút sau khi thị trường mở cửa báo hiệu án lực đó; giá TCB sàn ngay và tưởng như chỉ là một giá sàn 102.400 đồng cho cả phiên, nếu như không có 10 phút giao dịch dồn dập quãng 13h45 - 13h55, trong đợt khớp lệnh liên liên tục chiều.
Suốt buổi sáng, tại TCB duy trì 1,2-1,3 triệu đơn vị chất bán sàn và trắng bên mua, thảng vài lệnh lô lớn, chủ yếu lệnh lô nhỏ giao dịch nhỏ giọt với lượng khớp chỉ gần 1 triệu đơn vị.
Nhưng trong 10 phút trên, giao dịch TCB bất ngờ bùng nổ với lệnh chảy kiểu "đồng hồ xăng", dồn dập quét sạch dư bán giá sàn với khoảng 1,3 triệu đơn vị trong chốc lát đó; giá có lúc đẩy lên 105.000 đồng.
10 phút này trở nên điển hình cho tình huống cổ phiếu Techcombank chào sàn.
Một mặt, nó phản ánh được tính kích động dòng tiền theo dõi và chờ đợi để vào cuộc. Nói cách khác, một bộ phận nhà đầu tư chờ đợi sự dẫn dắt để nhập cuộc.
Nhưng, mặt khác, diễn biến đó càng khắc sâu áp lực chốt lời tại đây. Với mức sinh lãi khổng lồ chỉ sau khoảng một năm, với nhiều lực lượng gom mua trên OTC trước đây, lợi ích và mức độ hài lòng thể hiện rõ trong 10 phút đó, khi lượng hàng đổ xô ra bán quyết liệt ngay ở giá sàn. Và cả ở đợt khớp lệnh đóng cửa, hơn 2 triệu đơn vị dư bán tiếp tục đè nặng.
Diễn biến trên chắc chắn tạo dư âm đối với áp lực chốt lời ở TCB những phiên giao dịch kế tiếp, nhất là trong diễn biến giao dịch thiếu vắng dòng tiền mạnh dẫn dắt.
Với Techcombank, kết quả phiên chào sàn phản ánh điểm rơi tối đa từ câu trả lời đầu tiên từ thị trường. Nhưng với thị trường, sự có mặt của TCB trở nên tích cực, khi mã này đóng góp gần 300 tỷ giá trị giao dịch, trong bối cảnh thị trường đang cần sự ủng hộ của dòng tiền.
Co hẹp hai chiều so sánh
Với thị trường, kết quả giá sàn hẳn đặt ra vấn đề giá tham chiếu có ở mức quá cao hay không.
Sau khi chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài với 128.000 đồng/cổ phiếu vừa qua, một lý giải khách quan là Techcombank phải tôn trọng mức giá đó, còn lại là câu trả lời của thị trường.
Ngoài ra, mức 128.000 đồng đó cũng hàm chứa yếu tố một cổ phiếu đã gần chục năm không chia tách và không bị pha loãng.
Nhưng, trên sàn, cũng như trong các phân tích kỹ thuật, nhà đầu tư thường đặt giá một cổ phiếu trong tương quan các mã cùng ngành.
Một điểm khác biệt, mức 128.000 đồng tham chiếu nói trên được xác định và công bố tại thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam ở gần với kỷ lục của chỉ số. Trong hơn một tháng qua, toàn thị trường giảm sâu, giá cổ phiếu ngân hàng hầu hết giảm từ 30 - 40%. Điều này khiến khoảng cách so sánh với TCB càng doãng rộng.
Tuy nhiên, những phiên giao dịch gần đây, giá cổ phiếu ngân hàng trên sàn niêm yết phục hồi mạnh, đặc biệt ở VCB của Vietcombank và VPB của VPBank.
Diễn biến hai chiều trên khiến khoảng cách giá giữa TCB với các cổ phiếu ngân hàng khác thu hẹp dần. Điều này có thể giúp TCB sớm tìm đến điểm cân bằng, nếu hai chiều đó tiếp tục vận động trong những phiên tới.
Còn ở phương diện kỹ thuật, theo phân tích của một công ty chứng khoán trước thềm TCB chào sàn, mốc tham chiếu 128.000 đồng tương đương P/B dự phóng là 2,75 lần, trong khi mức P/B bình quân hiện nay của các ngân hàng niêm yết vào khoảng 2 lần sau khi giảm từ mức đỉnh là 2,8 lần.
"Có thể nói định giá của TCB xứng đáng cao hơn mức bình quân ngành do tỷ trọng lãi thuần hoạt động dịch vụ trong tổng thu nhập hoạt động cao, chất lượng ban lãnh đạo và chất lượng tài sản tốt", công ty chứng khoán trên đưa ra nhận định qua so sánh trên.
Điểm còn lại, liệu tại TCB có dòng tiền mạnh vào dẫn dắt giao dịch hay không, có sớm tìm được điểm cân bằng hay không?
Trong khi đó, với quy mô vốn hóa lọt vào top 10 trên HOSE, TCB trở thành cổ phiếu có ảnh hưởng lớn tới chỉ số VN-Index. Đây cũng là điều mà nhà đầu tư e ngại nếu TCB tiếp tục giảm mạnh và níu kéo chỉ số chung.
Có một điểm đáng chú ý trong phiên chào sàn TCB, nhà đầu tư nước ngoài chưa xuất hiện ở giao dịch mua vào, trong khi đây là cổ phiếu ngân hàng còn hở "room".
Nhưng về lâu dài, với vị thế top 10 vốn hóa, là cổ phiếu của ngân hàng tốt nhất Việt Nam (xét về các chỉ số tài chính), TCB sẽ là một mã bắt buộc phải mua, phải có mặt trong danh mục như nguyên tắc của một số quỹ đầu tư tại thị trường Việt Nam. Điểm còn lại là họ hài lòng ở mức giá nào mà thôi.