10:27 19/10/2018

5 giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới từ sửa đổi Bộ luật Lao động

Tuấn Dũng

Các sửa đổi này sẽ tác động đa chiều đến nền kinh tế, xã hội Việt Nam

Bộ luật Lao động 2012 vẫn còn một số bất cập về giới.
Bộ luật Lao động 2012 vẫn còn một số bất cập về giới.

Bảo đảm và thúc đẩy bình đẳng giới nhằm khắc phục các bất cập giới nảy sinh trong Bộ luật Lao động 2012 là rất cần thiết. Các chuyên gia của Economica trên cơ sở nghiên cứu đã đưa ra 5 giải pháp sửa đổi về chính sách trong Bộ luật Lao động nhằm khắc phục những bất cập đó.

Về tổng thể, có thể khẳng định Bộ luật Lao động năm 2012 cơ bản đã thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước Việt Nam về bình đẳng giới. Trong đó chú trọng bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của lao động nam và nữ. Đặc biệt là Luật đã chú ý tới chức năng sinh sản, nuôi con nhỏ của lao động nữ.

Năm giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới

Theo nhóm chuyên gia Economica, làm việc với sự tài trợ của DFAT (Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc) thông qua Dự án Investing in Women nhằm hỗ trợ kỹ thuật sửa đổi Bộ luật Lao động do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì, Bộ luật Lao động 2012 vẫn còn một số bất cập về giới. Đó là, tình trạng các doanh nghiệp hạn chế sử dụng lao động nữ do lo sợ tăng chi phí vì thực hiện chế độ nghỉ thai sản, lo tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo cho con cái họ. 

Việc hạn chế quyền làm việc của lao động nữ trong một số công việc đã làm ảnh hưởng tới cơ hội tìm kiếm việc làm của lao động nữ. Ngoài ra, việc quy định tội quấy rối tình dục tại nơi làm việc trong Luật chưa rõ ràng, đầy đủ nên không có tính khả thi...

Với cách tiếp cận như thế, nhóm chuyên gia của Economica đã đưa ra Báo cáo đánh giá tác động của chính sách bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới của người lao động để tham vấn về thúc đẩy bình đẳng giới trong sửa đổi Bộ luật Lao động của Chính phủ Việt Nam gồm 5 giải pháp, đó là:

Thứ nhất, người lao động có quyền nghỉ hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội khi thực hiện biện pháp tránh thai, sinh con, nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuôi, chăm sóc con dưới 7 tuổi ốm đau phù hợp với pháp luật bảo hiểm xã hội. Đây là vấn đề thú vị vì Hiến pháp năm 2013 đã nói tới quyền bình đẳng của nam nữ trong thực hiện chức năng sinh sản và nuôi con nhỏ nên cần cụ thể hóa vấn đề này trong Luật sửa đổi để tạo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật cũng như phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Nghĩa là cần sửa đổi Luật để nam giới có quyền nghỉ việc chăm sóc con nhỏ ốm đau mà vẫn được hưởng trợ cấp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Hiện nay mới chỉ quy định nam được nghỉ chăm sóc vợ, con khi thai sản.

Thứ hai, người lao động có quyền tự quyết định lựa chọn làm các công việc có ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh sản và nuôi con nhỏ với điều kiện được thông tin đầy đủ về các công việc đó. Nhóm chuyên gia giải pháp này cần có quy định rõ thêm về danh mục các công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản của người lao động và chức năng nuôi con bằng sữa mẹ của lao động nữ trong sửa đổi luật.

Thứ ba, người sử dụng lao động được khuyến khích tham gia tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo và hỗ trợ một phần kinh phí gửi trẻ, mẫu giáo của người lao động. Chi phí của người sử dụng lao động khi thực hiện các biện pháp này và các biện pháp bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới khác được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước theo pháp luật về thuế.

Người sử dụng lao động có nghĩa vụ giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho người lao động. Đồng thời bổ sung quy định rõ, khi thực hiện các biện pháp bảo đảm và thúc đẩy bình đẳng giới, người sử dụng lao động được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định. Những chi phí của doanh nghiệp hỗ trợ cho xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho người lao động được tính là chi phí hợp lý trong sản xuất, kinh doanh.

Thứ tư, Nhà nước có trách nhiệm, lập kế hoạch, biện pháp tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo ở nơi có nhiều người lao động với quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Đây là vấn đề chưa thể hiện rõ nét trong Bộ luật Lao động, nhưng đã được quy định trong Luật Giáo dục 2006, sửa đổi 2009, Luật Trẻ em 2016 và đề nghị các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội quốc gia, ngành và địa phương phải đưa các mục tiêu về trẻ em thành những nội dung bắt buộc và dự kiến nguồn lực tương ứng, trong đó có kinh phí xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo. 

Nhóm chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng Nhà nước cần có thêm chính sách khuyến khích khu vực tư nhân tham gia, coi đây là hoạt động kinh doanh có điều kiện theo Luật Giáo dục 2006, sửa đổi 2009, và Luật Đầu tư 2014. Đặc biệt nếu chính người sử dụng lao động bỏ tiền xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo cho công nhân của họ thì càng được khuyến khích và coi đó là những chi phí hợp lý để được hưởng ưu đãi.

Thứ năm, cần hoàn thiện khái niệm quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Đó là làm rõ các định nghĩa quấy rối tình dục, các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong việc phòng, chống và xử lý đối với hành vi này.

Tác động kinh tế, xã hội qua thực hiện các giải pháp

Việc sửa đổi Bộ luật Lao động theo 5 giải pháp trên không những giải quyết được các bất cập đang tồn tại mà còn thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và luật hóa các tiêu chuẩn lao động quốc tế phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, xã hội theo hướng hội nhập kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên các chuyên gia Economica cũng cho rằng các sửa đổi này sẽ tác động đa chiều đến nền kinh tế, xã hội Việt Nam.

Nhìn chung, các giải pháp thực hiện đều có tác động tốt về mặt xã hội. Nhất là lao động nam nếu tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì tác động của chính sách nghỉ chăm sóc con ốm có tác động rất tích cực. Vì chính sách hiện hành, chỉ có bảo hiểm xã hội bắt buộc có chế độ ốm đau và thai sản trong khi bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa có chế độ này.

Người nữ đã được người chồng chia sẻ trách nhiệm và do đó có tác động tích cực đến từng gia đình người lao động. Và qua đó cũng tác động tới các doanh nghiệp vì tạo ra sự công bằng về cả thuận lợi lẫn khó khăn giữa các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nam...

Trong khi giải pháp thứ hai lại tạo cơ hội cho lao động nữ có quyền chủ động bảo vệ chức năng sinh sản theo mục tiêu cá nhân trong từng thời kỳ nhằm tránh những nguy cơ bệnh, tật có thể gây ra cho thai nhi.

Giải pháp này còn giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong tuyển dụng và sử dụng lao động theo danh mục quy định của pháp luật, giảm bớt các vi phạm của doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Và giải pháp này cũng cho thấy trẻ em được quan tâm săn sóc tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng dân số và lực lượng lao động của Việt Nam trong tương lai. 

Tất nhiên, ở đây Nhà nước phải thay đổi cách quản lý về an toàn vệ sinh lao động và thanh tra lao động vì nó sẽ phức tạp hơn do phải tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp thường xuyên quan tâm đến cải thiện điều kiện lao động, an toàn vệ sinh lao động.

Khi được doanh nghiệp hỗ trợ trong trông nom, chăm sóc con con trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo thì người lao động yên tâm làm việc hơn, góp phần xóa bỏ dần định kiến về công việc chăm sóc con nhỏ gắn với phụ nữ; khuyến khích nam giới chia sẻ trách nhiệm trong việc chăm sóc con nhỏ...

Về quy định rõ ràng nội hàm và hình thức quấy rối tình dục tại nơi làm việc sẽ giúp nhận dạng rõ ràng hành vi này trong thực tế và nó có tác động tích cực trong phòng ngừa và bảo vệ người lao động nam, nữ khỏi quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Về phía doanh nghiệp, nếu làm rõ vấn đề này sẽ tạo ra cơ sở pháp lý cho việc xây dựng quy trình, thủ tục ngăn ngừa quấy rối tình dục, đồng thời quy định rõ vai trò, nhiệm vụ của các tổ chức, cá nhân trong doanh nghiệp phòng ngừa và giải quyết các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Đánh giá về mặt tác động kinh tế khi thực hiện các giải pháp trên, nhóm chuyên gia cũng đã chỉ ra nhiều mặt tích cực như giảm số lượng lao động nam mắc các bệnh nghề nghiệp nên giảm chi phí chữa bệnh, tăng cơ hội thu nhập cho lao động nữ; doanh nghiệp sẽ giảm chi phí giải quyết tranh chấp lao động...

Tuy nhiên, Nhà nước, doanh nghiệp trong một số trường hợp sẽ phải tăng chi phí tuyên truyền về quấy rối tình dục, soạn thảo các văn bản pháp quy, tăng chi phí thuê lao động khác làm công việc có trong danh mục yếu tố gây hại bị lao động từ chối... Nhưng nhìn tổng thể, tác động có lợi vẫn chiếm ưu thế lớn hơn.