5 “ông lớn” ngân hàng niêm yết áp đảo hiệu quả lợi nhuận
Tổng lợi nhuận trước thuế của top 5 ngân hàng đầu bảng bao gồm VCB, CTG, TCB, BID và MBB trong quý đầu năm đạt trên 16.591 tỷ đồng
Thống kê trên 24 nhà băng đã công bố báo cáo tài chính quý 1/2019 cho thấy, số lượng ngân hàng có lợi nhuận tăng chiếm đa số.
Xét về giá trị tuyệt đối, Vietcombank vẫn là nhà băng có lợi nhuận cao nhất ngành. Trong quý 1, thu nhập lãi thuần của Vietcombank đạt trên 8.498 tỷ đồng (xếp thứ 2 trong ngành sau BIDV), tăng 37,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh và hoạt động khác giảm lần lượt 76% và 27% thì lãi từ hoạt động dịch vụ cũng như kinh doanh ngoại hối và vàng đều tăng. Hoạt động dịch vụ ghi nhận khoản lãi thuần trên 1.069 tỷ đồng, tăng 21%, hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng cũng đạt 928 tỷ đồng, tăng 51%.
Trong khi đó, chi phí hoạt động cũng như chi phí dự phòng rủi ro tín dụng chỉ tăng nhẹ đã giúp ngân hàng này đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận gần 35%, đạt 5.878 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Với kế hoạch đề ra 20.000 tỷ cho cả năm, Vietcombank đã hoàn thành được 29%.
Đối với BIDV, đây là ngân hàng có thu nhập lãi thuần cao nhất trong ngành với 8.545 tỷ đồng trong quý 1, tuy vậy khoản lãi này đã giảm nhẹ 7% so với cùng kỳ. Ở các mảng hoạt động khác, dù các hoạt động như dịch vụ, kinh doanh ngoại hối và vàng cùng hoạt động khác đều có sự tăng trưởng về lãi thuần tuy nhiên hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh chỉ đạt 38,7 tỷ lãi thuần, giảm 93%, ngoài ra hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư còn lỗ trên 389 tỷ.
Do đó, lợi nhuận trước thuế của BIDV chỉ tăng nhẹ 1,4% lên 2.520 tỷ đồng. Ngân hàng này vẫn nằm trong top 5 ngân hàng có lợi nhuận lớn nhất ngành trong quý 1.
Nguồn: Báo cáo tài chính của các ngân hàng.
Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư cũng là một trong những nguyên nhân lớn khiến Techcombank (TCB) có thu nhập lãi thuần tăng 32% nhưng lợi nhuận trước thuế lại chỉ tăng 2%. Trong kỳ này, lãi thuần từ việc mua bán chứng khoán đầu tư giảm tới 86% so với cùng kỳ, mang về gần 64 tỷ đồng.
Trong khi đó, mặc dù hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh tăng gấp 8 lần tuy nhiên giá trị đóng góp chỉ hơn 84,6 tỷ đồng. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng cũng không được như kỳ vọng khi chỉ đạt hơn 9,16 tỷ đồng lãi thuần, giảm 80% so với cùng kỳ.
Chi phí hoạt động cũng tăng trên 27%, chiếm 1.610 tỷ đồng. Do đó, dù chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm tới 80%, còn 167,3 tỷ đồng thì lợi nhuận trước thuế quý này của Techcombank cũng chỉ xấp xỉ cùng kỳ năm ngoái.
Tổng lợi nhuận trước thuế của top 5 ngân hàng đầu bảng bao gồm VCB, CTG, TCB, BID và MBB trong quý đầu năm đạt trên 16.591 tỷ đồng, chiếm trên 61% tổng lợi nhuận của 24 ngân hàng được thống kê.
Ở chiều hướng sụt giảm, khá đáng tiếc với trường hợp của VPB và EIB khi thu nhập lãi thuần của hai ngân hàng này lần lượt tăng 16,8% và 24,2% nhưng do các hoạt động khác thiếu hiệu quả khiến lợi nhuận sau thuế lại đều giảm trên 30%.
Sức ép tăng trưởng tín dụng hiện tạo nên áp lực cho nguồn thu của các nhà băng vừa và nhỏ trong quý 1. Có 4 ngân hàng thu nhập từ hoạt động này giảm sút so với cùng kỳ bao gồm BIDV, Bắc Á Bank, NCB và Ngân hàng Bản Việt.
Thu nhập lãi thuần của SaigonBank và PGBank chỉ tăng khá yếu trong quý vừa qua. Tín dụng tăng dè dặt tạo nên áp lực không nhỏ đối với lợi nhuận khối nhà băng, ở chiều sụt giảm, Ngân hàng Bản Việt đang có mức giảm lớn nhất trong quý 1 với lợi nhuận trước thuế đạt 21,6 tỷ đồng, giảm 75,1%.