8 điều ít biết về nền kinh tế lớn nhất thế giới
Nếu là một quốc gia, bang California của Mỹ sẽ là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới
Trong hơn một thế kỷ qua, Mỹ là nền kinh tế số một thế giới, dẫn đầu về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho tới thị trường chứng khoán quyền lực.
Dưới đây là 8 điều ít biết về nền kinh tế lớn nhất thế giới, theo Business Insider.
1. Trên đà có quãng thời gian tăng trưởng kinh tế liên tục dài nhất lịch sử
Tính tới tháng 5/2018, kinh tế Mỹ có hơn 8 năm tăng trưởng liên tiếp, trở thành quốc gia có thời kỳ tăng trưởng kinh tế dài thứ 2 trên thế giới. Dù đã giảm tốc sau khủng hoảng tài chính năm 2008, kinh tế nước này vẫn có tăng trưởng. Nếu duy trì tới tháng 7 năm nay, kinh tế Mỹ sẽ có thời kỳ tăng trưởng dài nhất lịch sử nước này, vượt qua khoảng thời gian 10 năm từ năm 1991 đến 2011. Tuy nhiên, Mỹ vẫn còn cả chặng đường dài để bắt kịp Australia - nền kinh tế có 27 năm tăng trưởng liên tiếp vào năm ngoái.
2. Tăng trưởng GDP dưới 3% trong 13 năm liên tiếp
Dù sắp đạt kỷ lục về thời gian tăng trưởng, Mỹ lại có 13 năm liên tiếp không đạt mức tăng GDP thực 3%. Lần cuối cùng nước này có tăng trưởng GDP trên 3% là vào năm 2005 (3,5%), theo Bloomberg.
3. Một thập kỷ tạo ra 20 triệu việc làm
Trong suốt một thập kỷ tăng trưởng liên tiếp vừa qua, các số liệu chính của nền kinh tế Mỹ cũng tốt lên. Mức lương tăng 3,4% - mức cao nhất trong hơn một thập kỷ. Trong thời gian này, tỷ lệ thất nghiệp tại nước này cũng giảm 3,8%, theo New York Times.
4. Tình trạng thiếu ngủ của người lao động khiến kinh tế Mỹ thiệt hại hàng trăm tỷ USD mỗi năm
Hơn 1/3 dân số trưởng thành tại Mỹ ngủ không đủ giấc và điều này khiến nền kinh tế nước này thiệt hại 411 tỷ USD do mất 1,2 triệu ngày làm việc mỗi năm. Thiếu ngủ có thể đến từ nhiều nguyên nhân, như làm việc quá sức, thói quen xấu đối với sức khỏe, hay thậm chí ánh sáng xanh từ thiết bị điện tử.
5. Thế hệ Z được dự báo sẽ chi tiêu 143 tỷ USD trong năm 2020
Thế hệ Z, những người sinh từ năm 1997 đến 2012, được dự báo sẽ chiếm tới 40% người tiêu dùng Mỹ và chi tiêu trực tiếp tới 143 tỷ USD trong năm 2020. Điều này có thể khiến các nhà bán lẻ phải đau đầu để thích ứng với những thay đổi trong chi tiêu của thế hệ lớn lên với internet và thiết bị di động.
6. Nếu là một quốc gia, bang California sẽ là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới
Mỹ hợp thành từ hơn 50 bang với nền kinh tế đa dạng, trong đó phát triển nhất là bang California. Nếu là một quốc gia, California sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, vượt qua cả Anh trong năm 2018. Với GDP 2.747 tỷ USD, California chỉ thua Đức, Nhật, Trung Quốc và tổng thể nền kinh tế Mỹ. Bên cạnh đó, các bang lớn khác của Mỹ là Texas và New York đều có GDP "khủng" và sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 11 và 13 thế giới nếu là một quốc gia.
7. Mỹ chi tiêu cho quân sự nhiều nhất thế giới
Với 610 tỷ USD mỗi năm, chi tiêu cho quân sự của Mỹ lớn hơn của Trung Quốc, Nga, Saudi Arabia, Ấn Độ, Pháp, Anh và Nhật Bản cộng lại. Con số này chiếm 15% tổng chi tiêu của chính phủ Mỹ.
8. Nợ công của Mỹ ở mức cao nhất lịch sử
Tháng 2/2019, nợ công của chính phủ Mỹ cán mốc cao nhất trong lịch sử: 22.000 tỷ USD. Theo các nhà phân tích, con số này khó có thể giảm trong ngắn hạn khi mà Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) dự báo thâm hụt ngân sách trung bình 1.200 tỷ USD mỗi năm - tương đương 4,4% GDP. Hai thời điểm Mỹ có nợ công cao là ngay sau Thế chiến thứ hai và trong thời gian xảy ra khủng hoảng tài chính.