17:19 08/08/2019

8 doanh nghiệp lớn ngành ICT "bắt tay" lập liên minh chuyển đổi số

Thủy Diệu

Liên minh có mục tiêu là đưa Việt Nam chuyển đổi số thành công và trở thành một quốc gia hùng cường

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chúc mừng sự ra đời của Liên minh Chuyển đổi số Việt Nam.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chúc mừng sự ra đời của Liên minh Chuyển đổi số Việt Nam.

Liên minh Chuyển đổi số Việt Nam với sự tham gia của 8 doanh nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu gồm Viettel, VNPT, FPT, MobiFone, CMC, Bkav, VNG, MISA đã chính thức ra mắt ngày 8/8/2019 trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Công nghệ thông tin - Truyền thông (Vietnam ICT Summit 2019), với mục tiêu đưa Việt Nam chuyển đổi số thành công và trở thành một quốc gia hùng cường.

Chủ tịch Liên minh Chuyển đổi số Việt Nam là ông Lê Đăng Dũng, hiện đang là Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).

Ông Lê Đăng Dũng cho biết, liên minh ra đời trên cơ sở tập hợp của những doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam. Liên minh có sứ mệnh truyền cảm hứng trong toàn xã hội về chuyển đổi số, chủ động thực hiện chuyển đổi số và tạo ra nền tảng, hạ tầng, dịch vụ, tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam và xã hội Việt Nam cũng chuyển đổi số.

Ở khía cạnh vĩ mô, Chính phủ đã thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, hướng tới xây dựng cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy xây dựng, phát triển Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng dự thảo Đề án Chuyển đối số quốc gia với những mục tiêu cụ thể và táo bạo như đến năm 2020, kinh tế số gia tăng 20% mỗi năm; Việt Nam thuộc nhóm 20 nước dẫn đầu thế giới và top 3 ASEAN về chỉ số cạnh tranh toàn cầu; xếp hạng top 50 thế giới và top 3 ASEAN về chỉ số cạnh tranh toàn cầu; xếp hạng top 50 quốc gia về Chính phủ điện tử với 100% thủ tục hành chính được cung cấp ở cấp độ 3 và 4, đặc biệt, năng suất lao động xã hội tăng trưởng từ 8-10% mỗi năm.

Đối với các địa phương hiện cũng đang khẩn trương triển khai chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước với mô hình đô thị thông minh hướng đến mục tiêu góp phần thúc đẩy nâng cao sức cạnh tranh, đổi mới, sáng tạo, minh bạch, tinh gọn, hiệu lực hiệu quả quản lý của chính quyền các đô thị, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.

"Để có thể đạt được những mục tiêu ấy, bên cạnh thể chế của Chính phủ, sự hưởng ứng của xã hội, cần có sự tiên phong và dẫn dắt của các doanh nghiệp viễn thông và công nghệ thông tin", Chủ tịch Liên minh Chuyển đổi số Việt Nam Lê Đăng Dũng nhấn mạnh, đồng thời cho biết các thành viên Liên minh Chuyển đổi số Việt Nam cam kết, cùng chung tiếng nói, tích cực và trách nhiệm đóng góp để hoàn thiện thể chế và hành lang pháp lý cho chuyển đổi số quốc gia.

Liên minh cam kết phát triển hạ tầng mạng băng rộng quốc gia, bao gồm các mạng di động thế hệ mới (4G, 5G), triển khai cáp quang rộng khắp, phấn đấu đến từng hộ gia đình, phát triển mạng viễn thông ảo hóa, mạng điện toán đám mây, phát triển mạng kết nối internet vạn vật (IOT) sâu rộng, phát triển các nền tảng mở (ATI, open, platform) tạo sân chơi số bình đẳng cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.

Đồng thời chủ động, tích cực tham gia hoàn thiện Chính phủ điện tử trong thời gian sớm nhất. Nhanh chóng cung cấp cho người dân các hệ sinh thái dịch vụ số như thanh toán số, thương mại điện tử, nội dung số, kinh tế chia sẻ; ứng dụng các công nghệ tiên tiến, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ an ninh mạng, bảo vệ an toàn mọi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và quốc gia trên không gian mạng; tạo động lực và nhu cầu cho việc đào tạo và thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin truyền thông chất lượng cao trên toàn cầu.