10:44 30/08/2018

8 tháng, Bảo hiểm Xã hội thu hơn 202.000 tỷ đồng

Dũng Hiếu

Tại Hội nghị thông tin định kỳ ngày 29/8, đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, trong tháng 8/2018, toàn ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã thu 28.932 tỷ

Bảo hiểm Xã hội sẽ tăng cường thanh tra và đẩy mạnh việc kiểm tra, kiểm soát chi phí khám chữa bệnh tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Bảo hiểm Xã hội sẽ tăng cường thanh tra và đẩy mạnh việc kiểm tra, kiểm soát chi phí khám chữa bệnh tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Tại Hội nghị thông tin định kỳ ngày 29/8, đại diện bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, trong tháng 8/2018, toàn ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã thu 28.932 tỷ đồng. Lũy kế hết tháng 8/2018, toàn ngành thu 202.917 tỷ đồng, đạt 61,5% kế hoạch cả năm. Trong đó thu bảo hiểm xã hội là 138.402 tỷ đồng, thu bảo hiểm thất nghiệp là 9.881 tỷ đồng, thu bảo hiểm y tế là 54.633 tỷ đồng.

Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, ước đến hết tháng 8/2018, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 13,97 triệu người; bảo hiểm xã hội tự nguyện là 241 nghìn người; bảo hiểm thất nghiệp là 11,93 triệu người; bảo hiểm y tế là 81,76 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 87,25% dân số.

8 tháng đầu năm, toàn ngành đã giải quyết 78.092 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; giải quyết 539.527 người hưởng trợ cấp 1 lần; 6.360.226 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Bên cạnh đó, trong tháng 8, cả nước có khoảng 15,13 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; lũy kế 8 tháng đầu năm có 116 triệu lượt người bảo hiểm y tế.

Ngành Bảo hiểm xã hội phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết cho 90.200 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, 4.313 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề. Lũy kế 8 tháng đầu năm, giải quyết cho 464.087 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, 23.299 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề.

Liên quan tới việc cấp thẻ bảo hiểm y tế học sinh khi năm học mới sắp bắt đầu liệu có xảy ra tình trạng cấp sai như năm ngoái hay không, bà Mai Hạnh, Phó trưởng Ban sổ - thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, năm ngoái, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thực hiện cấp đổi toàn bộ thẻ bảo hiểm y tế cho tất cả những người tham gia, kể cả học sinh.

Quá trình chuyển đổi mã số đã xuất hiện những vướng mắc, bất cập như: phần mềm chưa nhận diện, cộng được thời gian học sinh tham gia ở nhiều cấp, bậc học dẫn đến sai thời điểm đủ 5 năm liên tục để hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế cao hơn. Những sai sót này đã được ngành sửa chữa, cập nhật. "Năm nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam không in đổi thẻ bảo hiểm y tế nữa, học sinh tiếp tục đóng và dùng thẻ bảo hiểm y tế đã cấp", bà Mai Hạnh nói.

Từ nay đến tháng 9, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam xác định nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật An toàn vệ sinh lao động.

Ngoài ra, ngành đẩy mạnh việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhất là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình; phối hợp với ngành giáo dục đánh giá kết quả thực hiện công tác bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên năm học 2017-2018; triển khai bảo hiểm y tế học sinh - sinh viên năm học 2018- 2019.

Nói về công tác thanh tra và kiểm tra, Vụ Thanh tra (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) cho biết, từ đầu năm đến nay, tổng số đơn vị sử dung lao động được thanh tra, kiểm tra 11.756 đơn vị. Qua đó phát hiện số lao động chưa đóng là hơn 21.000 người, số tiền truy đóng là hơn 53,4 tỷ đồng; đóng không đúng đối tượng, thừa thời gian là 637 lao động với số tiền phải thoái thu, hoàn trả hơn 2,4 tỷ đồng; số lao động thiếu so với quy định là hơn 30.000 lao động với truy đóng hơn 34,3 tỷ đồng.

Đáng chú ý là số tiền các đơn nợ trước khi có quyết định thanh tra hơn 1,5 tỷ đồng nhưng khi triển khai thanh tra, các doanh nghiệp nợ đã nộp hơn 519 tỷ đồng; kết thúc thanh tra nộp hơn 300 tỷ đồng. Các đoàn thanh tra đã ra 492 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt hơn hơn 17,3 tỷ đồng.

"Điều này góp phần giảm đáng kể số tiền nợ bảo hiểm xã hội trong 8 tháng, số nợ bảo hiểm xã hội toàn quốc hơn 6.700 tỷ đồng, chiếm 3,3%; giảm 30% so với cùng kỳ năm trước", ông Đào Việt Ánh, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, chia sẻ.

Hiện Bảo hiểm Xã hội Tp.HCM chuyển hồ sơ một doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội sang cơ quan công an điều tra để xử lý. Trước mắt, bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ thực hiện các biện pháp nghiệp vụ như thanh tra, kiểm tra, thông tin rộng rãi tình hình nợ của các doanh nghiệp nợ trên phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo.

Trong thời gian tới, bên cạnh đẩy mạnh việc kiểm tra, kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; tăng cường thực hiện giám định điện tử tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, kiên quyết từ chối thanh toán chi phí bất hợp lý, không đúng quy định, bảo hiểm xã hội vẫn tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất.

Đặc biệt tại các đơn vị nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; kịp thời xử lý và kiến nghị xử lý các hành vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về bảo hiểm xã hội, quy định xử phạt theo Luật Hình sự 2015.