23:58 02/01/2018

Ai phải chịu trách nhiệm khi tàu Cát Linh - Hà Đông bị vẽ bậy?

KIỀU LINH

Ai là người chịu trách nhiệm khi tàu Cát Linh - Hà Đông bị vẽ bậy? Kinh phí khắc phục thân tàu lấy ở đâu?

Tàu điện đường sắt Cát Linh - Hà Đông bị vẽ bậy.
Tàu điện đường sắt Cát Linh - Hà Đông bị vẽ bậy.

Đoàn tàu điện của đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông ở tầng 3 nhà ga Cát Linh đã bị đột nhập vẽ tranh phun sơn Graffiti cả một mảng lớn. Sự việc được phát hiện cách đây khoảng một tuần. Những hình ảnh vẽ sơn lên đầu tàu và một số toa khiến nhiều người bức xúc về hành động bôi bẩn đoàn tàu.

Đây không phải là lần đầu tiên dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông thu hút sự quan tâm của người dân Thủ đô. Thực tế, kể từ khi khởi động công trình đến nay, bao nhiêu phiền toán, lo âu vây quanh người dân khi tai nại, sập giàn giáo liên tiếp xảy ra. 

Đại diện Ban quản lý đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) cho rằng, việc đột nhập vào công trường đang thi công và vẽ lên đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông là hành vi vi phạm, có dấu hiệu phá hoại tài sản. 

Bên cạnh việc yêu cầu Tổng thầu EPC của Trung Quốc tăng cường công tác bảo vệ trên toàn công trường, Đại diện Ban quản lý Đường sắt cũng chỉ đạo đơn vị này báo cáo cụ thể sự việc tới cơ quan chức năng để điều tra.

Ngay sau đó, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết đã cử lực lượng phối hợp với phòng Cảnh sát hình sự thành phố điều tra người vẽ lên tàu và xử lý nghiêm những người liên quan.

Trả lời câu hỏi này của VnEconomy, Đại diện Ban quản lý dự án nhấn mạnh trách nhiệm bảo vệ tài sản là của Tổng thầu EPC. "Tổng thầu EPC phải chịu trách nhiệm vì đó là hàng hoá của họ quản lý. Chúng tôi đang yêu cầu Tổng thầu báo cáo biện pháp xử lý cụ thể", vị này nói.

Tuy nhiên, trách nhiệm của Tổng thầu EPC là vậy, nhưng còn trách nhiệm của Ban Quản lý dự án Đường thì sao?

undefined - Ảnh 1.

Công an vào cuộc điều tra vẽ bậy tàu Cát Linh - Hà Đông.

Theo Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư Tp.HCM), hành vi của người vẽ bậy lên tàu tuỳ tính chất, mức độ, hậu quả thiệt hại mà có thể bị xử phạt hành chính, nặng thì có thể bị xử lý về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. 

Để xác định có chịu trách nhiệm hình sự không thì phải chờ kết quả giám định cụ thể. Nếu tài sản bị thiệt hại từ 2 triệu trở lên thì có thể bị xử lý hình sự. Tùy mức độ thiệt hại lớn hay nhỏ mà khung hình phạt sẽ thấp hay cao. Ngoài ra, người gây thiệt hại còn phải chịu trách nhiệm bồi thường các thiệt hại phát sinh cho bên bị hại.

"Theo tôi, cơ quan công an cần vào cuộc điều tra nghiêm túc. Bởi ngoài việc xử lý người vẽ bậy thì những người liên quan trực tiếp đến công trình cần phải kiểm điểm trách nhiệm một cách nghiêm khắc, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật vì để gây thất thoát, lãng phí tiền tỷ của quốc gia. Một công trình trọng điểm được dư luận quan tâm. Trách nhiệm ở đây không chỉ là khiển trách, kiểm điểm mà nếu có dấu hiệu hình sự thì cũng cần khởi tố", Luật sư Trần Minh Hùng nói.

Đối với việc xử lý, khắc phục hậu quả, kinh phí để khắc phục việc vẽ bậy chằng chịt lên tàu do Tổng thầu tự bỏ tiền ra hay số tiền này trích từ nguồn vốn của dự án là câu hỏi đáng được quan tâm.

Vấn đề này, đại diện Ban quản lý Dự án cho hay, hiện Tổng thầu đã báo cáo cơ quan chức năng và chờ ý kiến để làm rõ hướng xử lý cụ thể. 

"Phải đợi Tổng thầy có văn bản báo cáo biện pháp nhưng chưa thấy có nên chúng tôi chưa nói được gì. Việc thông tin đề xuất 1 triệu USD để khắc phục vừa qua là không đúng, chúng tôi chưa nhận được báo cáo", Đại diện Ban Quản lý Đường sắt nói với VnEconomy.