23:38 09/09/2019

Ấn Độ chỉ trích Trung Quốc về thương mại, thỏa thuận RCEP gặp khó?

An Huy

Việc Ấn Độ không hài lòng với chính sách thương mại của Trung Quốc có thể cản trở Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)

Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar - Ảnh: Bloomberg.
Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar - Ảnh: Bloomberg.

Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar ngày 9/9 chỉ trích Trung Quốc, cho rằng chính sách thương mại của Bắc Kinh là phiến diện. Đánh giá này khiến giới quan sát hoài nghi về tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mà cả Ấn Độ và Trung Quốc đều là những quốc gia thành viên.

Theo tin từ Bloomberg, phát biểu trong một cuộc thảo luận ở Singapore, ông Jaishankar nói Ấn Độ vẫn còn nghi ngờ về sự tiếp cận thị trường "không bình đẳng" ở Trung Quốc và "các chính sách bảo hộ mậu dịch" gây mất cân đối thương mại lớn giữa hai nước.

Trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2019, Ấn Độ có thâm hụt thương mại 53,6 tỷ USD với Trung Quốc.

"Dĩ nhiên, một trong những mối lo lớn của Ấn Độ là mối quan hệ với Trung Quốc, bởi chúng tôi có thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc", ông Jaishankar trả lời một câu hỏi liên quan đến cuộc đàm phán thỏa thuận RCEP đang diễn ra.

Đây là thỏa thuận có sự tham gia của 10 nước khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, và Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ và Trung Quốc. Các nhà đàm phán hy vọng thỏa thuận sẽ hoàn tất vào cuối năm nay.

Trong vòng đàm phán diễn ra ở Bangkok, Thái Lan vào cuối tuần vừa rồi, bộ trưởng 16 nước thành viên RCEP tái khẳng định cam kết đạt một thỏa thuận trong năm nay. Tuy nhiên, theo Bloomberg, hiện còn chưa rõ liệu mục tiêu này có thể đạt được hay không.

Ông Jaishankar nói ông chưa nắm rõ những nội dung thảo luận trong vòng đàm phán RCEP mới nhất, nhưng nhấn mạnh rằng sự tham gia của Ấn Độ sẽ tùy thuộc vào việc các bên có đạt được một thỏa thuận bình đẳng và không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị.

"Khả năng thuyết phục của thỏa thuận nằm ở sức mạnh của thỏa thuận. Nếu người Ấn Độ thấy rõ được điều này, thì chúng tôi sẽ hưởng ứng mạnh mẽ hơn", ông nói.

Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan, người cũng tham dự cuộc thảo luận cùng ông Jakshankar, kêu gọi Ấn Độ xem xét lại lập trường của nước này về RCEP, nói rằng New Delhi và Bắc Kinh cuối cùng sẽ phải giải quyết được những khúc mắc về thương mại.

"Tôi cho rằng đây là một việc đáng để Ấn Độ cố gắng, vì đây sẽ là một nhân tố thay đổi cuộc chơi", ông Balakrishnan phát biểu.

Các quốc gia thành viên RCEP chiếm khoảng 1/3 GDP toàn cầu và một nửa dân số thế giới. RCEP được đề xuất bởi ASEAN và nhằm hợp nhất các thỏa thuận thương mại song phương trong ASEAN vào một khuôn khổ thương mại tự do duy nhất bao trùm phần lớn khu vực châu Á.

Vòng đàm phán đầu tiên của RCEP diễn ra vào năm 2013. Năm ngoái, các nước thành viên RCEP cũng đặt mục tiêu hoàn tất thỏa thuận vào cuối năm, nhưng cuối cùng không đạt được.