Anh từ chối trả hóa đơn “chia tay” 39 tỷ Bảng cho Brexit cứng
Hạn chót 31/10 đang tới gần nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy sự tiến triển đột phá cho một thỏa thuận Brexit
Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 25/8 khẳng định Anh sẽ không trả hoá đơn "chia tay" Liên minh châu Âu (EU) 39 tỷ Bảng trong trường hợp nước này rời EU mà không đạt được thỏa thuận vào ngày 31/10 tới (còn gọi là Brexit cứng), theo Financial Times.
Tại hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra ở Biarritz, Pháp, thủ tướng Anh đã có cuộc gặp thân mật với Donald Tusk, chủ tịch Hội đồng châu Âu, trong bối cảnh chưa có dấu hiệu nào cho thấy sự tiến triển đột phá về một thỏa thuận Brexit sửa đổi.
Trước thềm hội nghị, ông Johnson nói rằng vẫn có cơ hội để "cải thiện" thỏa thuận Brexit mà người tiền nhiệm Theresa May đưa ra trước đó và nói rằng ông nhận thấy có "sự thay đổi về tâm trạng" của các nhà lãnh đạo EU. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận vẫn khó nói chắc rằng các cuộc đàm phán có thể đạt được thoả thuận trước hạn cuối 31/10.
Thủ tướng Anh vẫn đang nỗ lực tái đàm phán thỏa thuận để Anh rời khỏi EU mà bà May đạt được trước đó. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo EU yêu cầu London có trách nhiệm đưa ra các giải pháp khả thi.
Thủ tướng Anh khẳng định Anh không có nghĩa vụ trả phần lớn hoá đơn "chia tay" trị giá 39 tỷ Bảng nếu Brexit cứng xảy ra vào ngày 31/10.
"Nếu chúng tôi rời EU mà không có thoả thuận, nói đúng ra thì hoá đơn 39 tỷ Bảng là không còn nữa. Phần lớn số tiền này sẽ được dùng để chi tiêu cho các ưu tiên của đất nước chúng tôi. Đây không phải là lời đe dọa mà là thực tế đơn giản", thủ tướng Anh nói với kênh ITV.
Người phát ngôn văn phòng thủ tướng Anh từ chối bình luận về việc Anh sẽ trả bao nhiêu cho hoá đơn "chia tay" EU trong trường hợp Brexit cứng.
Trước đó, thủ tướng Anh khẳng định nước này sẽ rời EU vào ngày 31/10 dù có đạt được thỏa thuận hay không.
Một phần của hoá đơn 39 tỷ Bảng là số tiền mà Anh đã cam kết sẽ đóng góp cho ngân sách của EU nhưng chưa thực hiện. EU đang yêu cầu nước này phải đóng góp cho các chi phí hưu trí dành cho nhân viên EU đã được thực hiện trước Brexit. Đồng thời, EU phản đối ý kiến của Anh rằng nước này có thể sẽ không trả một phần hoặc toàn bộ hoá đơn 39 tỷ Bảng.
"Đây là nghĩa vụ của Anh. Với chúng tôi, nó phải được thực hiện trong mọi trường hợp. Nó được tính toán khi Anh rời khỏi EU", một quan chức EU cho biết.
Một nhà ngoại giao cấp cao của EU cho biết cuộc trò chuyện giữa ông Johnson và ông Tusk diễn ra trong "không khí lạc quan" với vấn đề Brexit chiếm khoảng một nửa thời gian, nhưng không có thảo luận nào về hoá đơn 39 tỷ Bảng. Ông cũng cho biết một trong những điều đầu tiên mà thủ tướng Anh nói với ông Tusk là rằng ông không muốn Brexit cứng xảy ra.
Cũng trong sáng ngày 25/8 (giờ địa phương), thủ tướng Anh đã có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump với một trong những chủ đề được mang thảo luận là một thỏa thuận thương mại hậu Brexit với Washington. Ông Johnson nhấn mạnh rằng việc đàm phán một thỏa thuận thương mại với Mỹ "không thuận buồm xuôi gió" nhưng vẫn có "cơ hội để đạt được một thỏa thuận thương mại tự do tuyệt vời với Mỹ", điều mà theo ông thì Tổng thống Mỹ cũng "rất hào hứng".
Khi hạn chót 31/10 ngày càng tới gần mà chưa có lịch trình chính thức nào được đưa ra cho các cuộc đàm phán Brexit mới, công tác chuẩn bị cho Brexit cứng đang được Anh gấp rút thực hiện.
"Chắc chắn chúng tôi phải chuẩn bị cho Brexit mà không có thỏa thuận nào, và chúng tôi phải làm việc rất vất vả để giảm thiểu những tác động về kinh tế", thủ tướng Anh khẳng định. "Mỗi ngày trôi qua, với tất cả công tác chuẩn bị, tôi cho rằng chúng tôi sẽ giảm thiểu được những rủi ro".