16:32 06/03/2018

Áp thuế tự vệ, phân DAP nhập khẩu vào Việt Nam đắt hơn 1,1 triệu/tấn

Bạch Dương

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ký quyết định chính thức áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP.

Phân bón DAP, MAP nhập khẩu chính thức bị áp thuế tự vệ khi vào Việt Nam.
Phân bón DAP, MAP nhập khẩu chính thức bị áp thuế tự vệ khi vào Việt Nam.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 7/3 tới. Theo đó, các loại phân bón có trong danh mục áp thuế sẽ bị áp thuế theo lộ trình.

Từ 7/3/2018 đến ngày 6/3/2019, mức thuế tự vệ là 1.128.531 đồng/tấn. 

Từ ngày 7/3/2019 đến 6/3/2020, mức thuế giảm xuống 1.072.104 đồng/tấn.

Từ 7/3/2020 mức thuế tự vệ sẽ giảm về 0 đồng/tấn.

Trước đó, từ ngày 19/8/2017, Bộ Công Thương cũng có quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời với mức thuế 1.128.531 đồng/tấn.

Quyết định áp thuế này được đưa ra dựa trên kết quả điều tra vụ việc bán phá giá của một số doanh nghiệp nhập khẩu phân bón từ giữa năm 2017. Kết luận điều tra cũng cho thấy hàng hóa nhập khẩu đã gây ra tác động ép giá và kìm giá đối với hàng hóa sản xuất trong nước trong giai đoạn 2013-2016. 

Mức chênh lệch giá gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước là 1.855.790 đồng/tấn. Hiện tượng ép giá, kìm giá vẫn tiếp tục diễn ra trong năm 2017 nên giá bán của phân bón sản xuất trong nước vẫn thấp hơn chi phí sản xuất là 1.128.531 đồng/tấn.

Về tác động xã hội của quyết định này, Bộ Công Thương đánh giá, với một nước nông nghiệp như nước ta, vấn đề tự chủ nguồn cung phân bón là vấn đề quan trọng.

Trước năm 2009 chưa có sản xuất trong nước, giá phân bón DAP đã từng bị đẩy lên rất cao (18.000 đồng/kg năm 2008), dẫn đến thiệt hại nặng nề cho nông dân.

Thực tế cho thấy, với những ngành công nghiệp đầu vào quan trọng như phân bón, thép, kim loại cơ bản, hóa chất, chất dẻo..., khi đã có sản xuất trong nước để tạo đối trọng, giá bình quân luôn thấp hơn thời kỳ phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu trước đó. Vì vậy, rất nhiều thành viên WTO, kể cả các nền kinh tế lớn, đều đã và đang áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để phát triển các ngành sản xuất này.

Quá trình điều tra cho thấy Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý để áp thuế tự vệ chính thức ở mức 1.855.790 đồng/tấn, tức là bằng với mức thuế đang áp dụng tạm thời.

Tuy nhiên, trong bối cảnh ngành sản xuất trong nước tối đa chỉ đáp ứng được khoảng 52% nhu cầu, sau khi cân nhắc toàn diện các mặt và tham khảo ý kiến các Bộ ngành liên quan, để bảo đảm hài hòa quyền lợi giữa ngành sản xuất trong nước và nông dân, Bộ Công Thương quyết định áp dụng mức thuế tự vệ chính thức bằng với mức chênh lệch giữa giá bán thực tế và giá bán tại điểm hòa vốn của ngành sản xuất trong nước là 1.128.531 đồng/tấn, tức là chỉ bằng 60% mức thuế mà Việt Nam được quyền áp dụng theo quy định của WTO và pháp luật Việt Nam.

Mức thuế này có thể sẽ làm chi phí trồng trọt tăng thêm nhưng theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì tối đa sẽ không quá 0,72%.

Ngoài ra, WTO cho phép áp dụng biện pháp tự vệ trong thời gian 4 năm nhưng Bộ Công Thương quyết định chỉ áp dụng trong thời gian 2 năm. Sau 2 năm, sẽ xem xét, đánh giá lại tác động kinh tế - xã hội để quyết định việc có gia hạn biện pháp tự vệ hay không.