22:13 15/04/2019

Apple và "lời nguyền" của cột mốc nghìn tỷ USD

Diệp Vũ

Có những ý kiến cho rằng Apple đã vướng vào "lời nguyền" của cột mốc vốn hóa 1.000 tỷ USD, rằng các công ty có thể gặp "vận rủi" sau khi chạm mốc này

Ảnh: Bloomberg.
Ảnh: Bloomberg.

Đầu tháng 8/2018, hãng công nghệ Apple đã ghi danh vào lịch sử khi trở thành công ty đại chúng đầu tiên của Mỹ đạt mốc vốn hóa 1.000 tỷ USD. Chỉ sau 3 tháng, mốc vốn hóa này đã trở thành "dĩ vãng" khi "táo khuyết" vấp phải loạt thách thức không dễ gì vượt qua.

Cột mốc 1.000 tỷ USD vốn hóa được Apple thiết lập sau hơn 10 năm chiếc iPhone đầu tiên ra mắt - sự kiện mở đường cho cuộc chuyển mình của "quả táo" từ một nhà sản xuất máy tính cá nhân thị trường ngách thành một "đế chế" toàn cầu về thiết bị di động và giải trí. Hôm 2/8/2018, cổ phiếu Apple chốt phiên ở mức 207,39 USD/cổ phiếu, tương đương mức vốn hóa 1.002 tỷ USD.

Hành trình thành công ty "nghìn tỷ đô"

Apple và lời nguyền của cột mốc nghìn tỷ USD - Ảnh 1.

Ảnh: Getty Images.

Apple được thiên tài công nghệ Steve Jobs đồng sáng lập trong một garage vào năm 1976. Là một trong ba người lập nên Apple, ông Jobs ra khỏi công ty vào giữa thập niên 1980, và trở lại một thập kỷ sau đó để cứu hãng khỏi bờ vực phá sản. Dưới sự lãnh đạo của ông Jobs, Apple tung ra iPhone vào năm 2007, bỏ từ "computer" (máy tính) khỏi tên gọi của công ty và đẩy mạnh sự phát triển của ngành công nghiệp điện thoại di động. iPhone đã tạo nên một cuộc cách mạng di động toàn cầu, và cho đến nay iPhone vẫn là sản phẩm chủ lực, là "cỗ máy in tiền" của Apple.

Chiến lược này của Apple đã khiến các đối thủ như Microsoft, Intel, Samsung và Nokia rơi vào thế bị động. Nhờ hướng đi đúng đắn, Apple đã vượt qua Exxon Mobil vào năm 2011 để trở thành công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất của Mỹ.

Với sự phát triển chóng mặt, Apple đã đạt ngưỡng doanh thu lớn hơn cả tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nhiều quốc gia như Bồ Đào Nha và New Zealand. Vào năm 2006, một năm trước khi chiếc iPhone đầu tiên trình làng, Apple đạt doanh thu chưa tới 20 tỷ USD và lợi nhuận ròng xấp xỉ 2 tỷ USD. Năm 2017, doanh thu của Apple đã tăng 11 lần, lên mức 229 tỷ USD - mức doanh thu cao thứ tư trong số các công ty thuộc S&P 500, và lợi nhuận đã đạt 48,4 tỷ USD. Với mức lợi nhuận này, Apple là công ty lãi "khủng" nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Ở thời điểm cán mốc vốn hóa 1.000 tỷ USD, giá cổ phiếu Apple đã tăng hơn 50.000% kể từ khi công ty phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào năm 1980, so với mức tăng khoảng 2.000% của S&P 500 trong cùng khoảng thời gian.

Trong quá trình hình thành và phát triển, Apple vươn mình từ chỗ là công ty tập trung sản xuất máy tính cá nhân Mac, thành "kiến trúc sư" của cuộc cách mạng di động, khiến hàng loạt nhà sản xuất khác "ăn theo". Cùng với đó, Apple thay đổi cách người tiêu dùng trên toàn cầu kết nối với nhau và cách các doanh nghiệp làm việc mỗi ngày.

Hơn 1 tháng sau ngày đạt mốc vốn hóa lịch sử, Apple được kỳ vọng tiếp tục "gây sốt" khi trình làng siêu phẩm điện thoại iPhone X để kỷ niệm 10 năm ngày iPhone ra đời. Nhưng cũng chính từ thời điểm này, vận mệnh của Apple có sự thay đổi nhanh chóng. Đầu tháng 11/2018, Apple cảnh báo rằng doanh thu của hãng trong mùa mua sắm cuối năm có thể không đạt kỳ vọng, và ngay lập tức hãng tuột khỏi ngưỡng vốn hóa 1.000 tỷ USD.

"Lời nguyền" của cột mốc nghìn tỷ USD

Apple và lời nguyền của cột mốc nghìn tỷ USD - Ảnh 2.

Điện thoại iPhone của Apple - Ảnh: Getty Images.

Có quá nhiều yếu tố bất lợi chống lại Apple vào lúc này: kinh tế Trung Quốc giảm tốc khiến doanh thu của hãng tại quốc gia đông dân nhất thế giới sa sút; chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đe dọa kinh tế toàn cầu; nhu cầu thị trường smartphone thế giới bão hòa; các đối thủ cạnh tranh từ Trung Quốc như Huawei ngày càng mạnh; và điện thoại iPhone bị xem là thiếu sự sáng tạo mới để giữ được "ánh hào quang" vốn có trong khi mức giá lại đắt đỏ.

Đầu tháng 1, Apple tiếp tục đưa ra một dự báo khiến giới đầu tư choáng váng: hãng cắt giảm dự báo doanh thu quý 4/2018 với lý do người tiêu dùng ít nâng cấp điện thoại iPhone hơn và doanh số suy giảm tại thị trường Trung Quốc. Cảnh báo này khiến giá cổ phiếu Apple sụt 10% trong phiên 3/1, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất 6 năm, khiến giá trị vốn hóa sụt 450 tỷ USD kể từ khi đạt đỉnh 1.100 tỷ USD trong 2018.

Những dấu hiệu ế ẩm của iPhone, đặc biệt tại Trung Quốc, ngày càng lộ rõ. Nhiều công ty bán lẻ điện thoại ở Trung Quốc đã phải giảm giá iPhone tới hơn 20% trong những tháng gần đây để đẩy hàng. Một báo cáo được công ty nghiên cứu thị trường công nghệ Gartner công bố vào tháng 2 cho thấy thị phần smartphone của Apple trên toàn cầu trong quý 4/2018 giảm 2 điểm phần trăm, còn 16%, trong khi thị phần của Huawei tăng 4 điểm phần trăm lên 15%.

Trên một thị trường smartphone cạnh tranh khốc liệt, hai đối thủ lớn nhất của Apple là Samsung và Huawei trong tháng 2/2019 đều đã lần lượt tung ra sản phẩm điện thoại gập (foldable) dùng cho mạng 5G, mở ra xu hướng mới cho những năm sắp tới. Apple đang bị cho là có sự khởi đầu chậm hơn so với đối thủ trong lĩnh vực này.

Có những ý kiến cho rằng Apple đã vướng vào "lời nguyền" của cột mốc vốn hóa 1.000 tỷ USD, rằng các công ty có thể gặp "vận rủi" sau khi chạm mốc này. Trên thực tế, Apple không phải là công ty đầu tiên trên thế giới vượt mốc vốn hóa 1.000 tỷ USD. Vào năm 2007, hãng dầu lửa quốc doanh Trung Quốc PetroChina có lúc đạt vốn hóa 1.100 tỷ USD sau khi lên sàn ở Thượng Hải. Hiện nay, vốn hóa của PetroChina chỉ còn khoảng 200 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, yếu tố thời thế trên thị trường smartphone và thị trường kinh tế toàn cầu đã khiến Apple gặp khó. Và quan trọng hơn cả, sự thiếu đổi mới và mức giá sản phẩm cao chính là những rào cản mà Apple chưa thể vượt qua chính mình. Kể từ khi ông Tim Cook trở thành Tổng giám đốc (CEO) vào năm 2011 sau cái chết của ông Jobs, lợi nhuận Apple đã tăng gấp đôi, nhưng công ty chưa thể tạo ra được một sản phẩm mới có được thành công mang tính thay đổi xã hội như iPhone đã làm.