08:47 18/04/2018

Ba "giấy thông hành" cho hiện tượng TPBank

Minh Đức

Một ngân hàng 3 không đã lột xác hoàn toàn đến độ có thể gây hoài nghi về kết quả

"TPBank khi chưa so sánh được với các đàn anh về quy mô, thì chúng tôi chọn cách đi riêng. Ngân hàng số là lựa chọn để làm lợi thế cạnh tranh, để rút ngắn và vượt lên. Đến nay chúng tôi xác định vị thế hàng đầu trên thị trường ở định vị này" - ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị TPBank nói về hướng lựa chọn khi bắt đầu tái cơ cấu.
"TPBank khi chưa so sánh được với các đàn anh về quy mô, thì chúng tôi chọn cách đi riêng. Ngân hàng số là lựa chọn để làm lợi thế cạnh tranh, để rút ngắn và vượt lên. Đến nay chúng tôi xác định vị thế hàng đầu trên thị trường ở định vị này" - ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị TPBank nói về hướng lựa chọn khi bắt đầu tái cơ cấu.

Ngày 19/4, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank) sẽ đưa cổ phiếu (mã TPB) chào sàn tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE). Mức giá 32.000 đồng/cổ phiếu được xác định tham chiếu cho "một hiện tượng kỳ lạ".

Từ một trong 9 ngân hàng thương mại yếu kém bắt buộc phải tái cơ cấu giai đoạn 2011 - 2015, TPBank trở thành thành viên có các chỉ số sinh lời ROE, ROA hàng đầu trong hệ thống.

Quá trình lột xác này diễn ra như thế nào và bằng cách nào?

Từ 3 không đến 3 thực

"Hiện tượng kỳ lạ" là cách nói mà ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị TPBank kể lại với VnEconomy, khi nhận đánh giá từ nhà đầu tư trong các cuộc tiếp xúc gần đây.

Hơn 5 năm trước, cũng trong một lần trao đổi với VnEconomy, ông Phú từng tự đánh giá rằng TPBank là một ngân hàng 3 không. Đánh giá rút ra sau khoảng ba tháng vị doanh nhân này tham gia và đảm nhận vị trí Chủ tịch TPBank, kể từ khi tập đoàn DOJI (nơi ông cũng là Chủ tịch Hội đồng Quản trị) đầu tư và trở thành cổ đông lớn.

Cái không thứ nhất là không có chiến lược cụ thể; không có bộ máy đúng nghĩa và đúng yêu cầu của một tổ chức tín dụng cần phải có, ngay cả bộ phận tối quan trọng là quản trị rủi ro; định vị là ngân hàng điện tử nhưng lại thiếu nền tảng, không có sản phẩm cạnh tranh được trên thị trường.

Tổng quan tài chính, đầu 2012, TPBank bị xác định diện yếu kém phải tái cơ cấu bắt buộc. Khi đó lỗ đã âm vào một nửa vốn điều lệ. Tổng tài sản chỉ khoảng 13.000 tỷ đồng, dư nợ chưa được 10.000 tỷ đồng, khoảng 600 nhân viên, khoảng 50.000 khách hàng. Nợ xấu lên tới hơn 6%.

Bối cảnh nóng bỏng của rủi ro hoạt động ngân hàng 2011 - 2012 càng dồn đẩy thể trạng trên đến nguy cơ đổ vỡ.

Tháng 7/2012, sau khi DOJI đầu tư, trở thành cổ đông lớn, quá trình tái cơ cấu được triển khai. TPBank được áp ngay 3 cái thực - theo cách nói của ông Đỗ Minh Phú.

Có thực mới vực được đạo, đầu tiên ngân hàng có nguồn tiền thực đủ mạnh để tái cơ cấu.

"Sau khi bán lại thương hiệu Diana, nguồn tiền thực, tiền sạch này được chúng tôi đưa đầu tư vào TPBank, để lập tức đập vào lỗ hổng mất vốn, để chống đỡ ngay thanh khoản trong bối cảnh thị trường và hoạt động ngân hàng nói chung rất chông chênh khi đó. Ngân hàng gần như không phải xoay xở đi mượn tiền nữa. Đến nay nhìn lại, để tái cơ cấu thành công trước hết phải có tiền thực; đã có những trường hợp tiền ảo, vay mượn mà dẫn đến thất bại vừa qua", ông Phú cho biết.

Sau nguồn lực rót vào này, các cổ đông TPBank tiếp tục tăng thêm vốn điều lệ để kê trạng thái ngân hàng thăng bằng trở lại.

Cái thực thứ hai, cơ chế và mô hình quản trị thực được triển khai, đưa Hội đồng Quản trị thực sự tham gia vào quản trị điều hành; vai trò những người làm chủ được thực sự đưa vào vận hành ngân hàng.

Cái thực thứ ba, nhân sự điều hành và bộ máy thiết lập mới, đúng nghĩa theo yêu cầu cần có của một ngân hàng thương mại.

Ông Phú nói rằng, trước đó TPBank gần như không có khối bán lẻ, không có khối đầu tư, không có khối quản trị rủi ro đúng nghĩa. Cỗ máy không thể vận hành an toàn chứ chưa nói là hiệu quả khi thiếu và yếu những cơ cấu đó.

Và để cỗ máy vận hành chặt chẽ, đúng quy trình, an toàn để tiến tới hiệu quả, đã có hơn 1.000 văn bản nội bộ của TPBank được bổ sung và cập nhật, khoảng 4.000 văn bản sửa chữa và loại bỏ trong quá trình tái cơ cấu.

Ba "giấy thông hành" đặc biệt

Cuối năm 2015, sau ba năm và trước kế hoạch hai năm, TPBank tuyên bố đã cơ bản tái cơ cấu thành công, bù đắp hoàn toàn lỗ lũy kế và bắt đầu có lãi.

Nhanh mắt và qua thẩm định khắt khe, chưa đầy một năm sau đó, tháng 8/2016, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) quyết định đầu tư vào TPBank, trở thành cổ đông lớn.

Đây là thương vụ chưa từng có, một định chế tài chính quốc tế đầu tư vào một ngân hàng thương mại từng được nhận diện yếu kém và vừa tái cơ cấu tại Việt Nam. IFC đã "gây sốc" khi trả tới 13.800 đồng/cổ phần TPBank, trong khi trên thị trường tự do mức giao dịch khi đó chỉ khoảng 7.000 đồng.

Nhiều năm kinh nghiệm tại thị trường Việt Nam, IFC không phải ngẫu hứng đầu tư và đưa ra mức giá đó. Mà đây được xem như chứng nhận, "giấy thông hành" đầu tiên đối với TPBank để trở lại thị trường với một vị thế hoàn toàn mới - ngân hàng đã có thể trạng tốt và tiềm năng đầu tư được đánh giá cao qua mức giá trên.

Chưa dừng lại, tháng 12/2017, một lần nữa "hiện tượng kỳ lạ" TPBank tiếp tục thu hút thị trường, qua thương vụ quỹ đầu tư của Hà Lan PYN Elite Fund chi 40 triệu USD để sở hữu 4,99% cổ phần, với giá còn cao hơn gấp đôi mức IFC trả hơn một năm trước. Và đây là "giấy thông hành" thứ hai cho TPBank, bước lên một cấp độ mới trên thị trường.

Đó là cấp độ về hiệu quả kinh doanh, khi 2017 ngân hàng này có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trên 70%, vượt xa kế hoạch và vượt mốc 1.200 tỷ. Tổng tài sản đạt trên 124.000 tỷ, tín dụng vượt 73.000 tỷ, nợ xấu ba năm liền kiểm soát dưới 1%, cùng hơn 2 triệu khách hàng.

Và năm 2018, TPBank tiếp tục đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế gần gấp đôi năm ngoái, với 2.200 tỷ đồng, cũng như lần đầu tiên đưa ra kế hoạch trả cổ tức và thưởng cổ đông với tỷ lệ lên tới 28%.

"TPBank khi chưa so sánh được với các đàn anh về quy mô, thì chúng tôi chọn cách đi riêng. Ngân hàng số là lựa chọn để làm lợi thế cạnh tranh, để rút ngắn và vượt lên. Đến nay chúng tôi xác định vị thế hàng đầu trên thị trường ở định vị này, đặt trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặt trên con đường của trí tuệ nhân tạo, với những thay đổi và nhu cầu từ khách hàng. Cho nên, đi sau nhưng không phải đến muộn", ông Phú nói.

Chính lợi thế cơ cấu cổ đông lớn là những tập đoàn hàng đầu về công nghệ như FPT, MobiFone là động lực để TPBank nhanh chóng bứt phá với định vị trên. Mà theo ông Phú, họ không có sân sau, không có xung đột lợi ích, cùng có tầm nhìn, để DOJI yên tâm bắt tay cùng tái cơ cấu và đồng hành đến nay.

Tiếp tục đặt kế hoạch tăng trưởng mạnh về lợi nhuận năm 2018, ông Đỗ Minh Phú lý giải, do gốc rễ TPBank gieo trồng trong những năm vừa qua, đặc biệt ở phân khúc bán lẻ và ngân hàng số, đã đến mùa cho quả, cộng hưởng với bối cảnh thuận lợi của kinh tế vĩ mô và hoạt động ngân hàng nói chung.

Sau khi tái cơ cấu thành công, với chuyển biến mạnh cùng triển vọng kết quả kinh doanh đó, TPBank đưa cổ phiếu chào sàn HOSE ngày 19/4 này. Qua kiểm duyệt của Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán, ông Phú cho rằng, với sự kiện này, TPBank tiếp tục đón "giấy thông hành" thứ ba, được cấp từ đánh giá của thị trường và các nhà đầu tư.