13:41 11/11/2019

Bamboo Capital đang thương thảo bán một phần vốn dự án Radisson Blu Hội An

Quỳnh Nguyễn

Lãnh đạo Bamboo Capital cho biết BCG sẽ bứt phá cuối năm 2019 đầu 2020 nhờ 2 dự án Radisson Blu Hội An và King Crown Village Thảo Điền

Kế hoạch lợi nhuận của Bamboo Capital
Kế hoạch lợi nhuận của Bamboo Capital

Lợi nhuận của Công ty Cổ phần Bamboo Capital (Bamboo Capital, HOSE: BCG) dự kiến tăng trưởng cao trong giai đoạn 2019-2023 nhờ phát triển một loạt dự án bất động sản (đã có pháp lý rõ ràng) và mảng năng lượng tái tạo.

Đây là chia sẻ của các lãnh đạo Bamboo Capital trong Hội nghị gặp gỡ Nhà đầu tư BCG vừa được tổ chức cuối tuần qua. Bất động sản và năng lượng tái tạo sẽ là 2 mảng hoạt động chính của Bamboo Capital. Và mảng sản xuất, BCG chỉ giữ lại những doanh nghiệp BCG đã thực hiện tái cơ cấu thành công, có hiệu quả kinh tế nhất định, có nền tảng để phát triển thành doanh nghiệp lớn hơn.

BCG dự kiến lợi nhuận sau thuế năm 2019 sẽ đạt 312 tỷ đồng, năm 2020 là 681,5 tỷ đồng, năm 2023 sẽ là 826,5 tỷ đồng.

Theo đó, đối với mảng năng lượng tái tạo, BCG đã thực hiện xong 2 dự án điện mặt trời tại Long An với tổng công suất hơn 140MW. Trong đó, Nhà máy điện mặt trời BCG – CME Long An 1 có công suất 40,5MW đang mang lại cho BCG doanh thu khoảng 13 tỷ đồng/tháng; dự kiến từ năm 2020 sẽ mang về doanh thu 140-150 tỷ đồng/năm. Dự án Nhà máy điện mặt trời BCG – CME Long An 2 (GAIA) có công suất 100,5MW vận hàng tháng 11/2019, sẽ đóng góp doanh thu khoảng 320 tỷ đồng/năm từ năm 2020.

Được biết, Nhà máy điện mặt trời BCG – CME Long An 1 được EVN mua điện với mức giá 9,35cent/kw và duy trì trong suốt 20 năm vòng đời; giá thu mua điện Nhà máy GAIA ước tính 8,72cent/kw. BCG đang nắm giữ 37,5% vốn tại Nhà máy BCG – CME Long An 1 và 32,5% vốn tại Nhà máy GAIA.

Ngoài 2 dự án trên, BCG đang tích cực hoàn thành thủ tục pháp lý cho các dự án năng lượng mặt trời khác tại Long An (100MW), Đắk Lắk (50MW), Gia Lai (300MW) và Tây Ninh (165MW); dự án điện mặt trời trên mặt nước tại Quảng Nam (200M); dự án điện gió tại Sóc Trăng (50MW).

Đối với mảng bất động sản, BCG đã triển khai dự án Radisson Blu Hội An (tên cũ là Malibu Hội An) quy mô 734 căn hộ nghỉ dưỡng và biệt thự ven biển (pháp lý là đất ở, sở hữu vĩnh viễn); dự án King Crown Village Thảo Điền, Quận 2 giai đoạn 1 có quy mô 17 căn biệt thự và giai đoạn 2 là tổ hợp căn hộ dịch vụ khách sạn, văn phòng cho thuê. 2 dự án trên đã được bán hết và sẽ được bàn giao trong năm 2020.

Theo kế hoạch một phần của dự án Radisson Blu Hội An và giai đoạn 1 dự án King Crown Village Thảo Điền sẽ được bàn giao trong năm 2019 và ghi nhận doanh thu lợi nhuận.

Chia sẻ tại hội nghị, lãnh đạo BCG cho biết: Trong năm 2019 -2020, 2 dự án lớn gồm Radisson Blu Hội An và King Crown Village Thảo Điền sẽ được BCG ghi nhận 900 tỷ đồng lợi nhuận. BCG đang thương thảo với các nhà đầu tư để chuyển nhượng một phần vốn của BCG trong 2 dự án này.

"Nếu chúng tôi đóng deal (thương vụ) với các đối tác sớm để bán một phần cổ phần của BCG trong dự án, BCG sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trong năm 2019. Với thông tin BCG có được đến ngày hôm nay, deal vẫn đang tiến hành bình thường, vì vậy chúng tôi tin tưởng khả năng thực hiện kế hoạch lợi nhuận năm 2019 đã đề ra. Nếu vì một lý do nào đó, deal đóng chậm thì lợi nhuận sẽ chuyển vào đầu năm 2020", ông Phạm Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc điều hành của BCG chia sẻ.

Được biết, BCG sở hữu 100% vốn tại dự án Radisson Blu Hội An và 48,5% vốn tại dự án King Crown Village Thảo Điền.

Các dự án bất động sản sắp tới sẽ triển khai gồm: Condotel Pegas Nha Trang có quy mô 2,74ha thực hiện trong năm 2020 - 2021; Khu đô thị Bảo Lộc quy mô 17ha thực hiện trong 2019-2023; Khu dân cư Lộc Phát (Bảo Lộc, Lâm Đồng) quy mô 46,9 ha, thực hiện từ 2019 -2022; Khu dân cư Hòa Ninh (Di Linh, Lâm Đồng) quy mô 49,3ha, thực hiện 2020 -2023; Khu đô thị Hiệp Bình Chánh quy mô 6,3ha, thực hiện 2020 -2022. Hầu hết các dự án trong danh mục đầu tư đều đã và đang hoàn thiện pháp lý.

Về nguồn vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư của BCG, theo ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch BCG, hiện tại, đa phần các dự án của BCG là hợp tác với các tập đoàn quốc tế bao gồm hợp tác kỹ thuật, công nghệ, thương hiệu và tiếp cận vốn. BCG đã ký hợp đồng với KPMG Singapore – tư vấn độc quyền cho BCG để tìm kiếm nguồn tài trợ vốn quốc tế và các ngân hàng nội địa tăng room tín dụng cho BCG khi triển khai dự án mới.

Bên cạnh đó, BCG có các cổ đông góp vốn là các tổ chức nước ngoài uy tín như Hanwha Energy (Hàn Quốc) - tham gia vào các dự án điện mặt trời, Woomi (Hàn Quốc) - tham gia vào dự án bất động sản. BCG đang làm việc các nhà đầu tư chiến lược đến từ châu Âu và Hàn Quốc sẽ được công bố trong thời gian tới.

Kinh nghiệm huy động vốn của BCG được ông Nguyễn Hồ Nam đơn cử ở 2 dự án năng lượng tái tạo đầu tiên tại Long An (đã hoàn thành). BCG đã phối hợp với Quỹ đầu tư Vietnam – Oman, bên cạnh vay vốn các ngân hàng nội địa. Tại 2 dự án này, các ngân hàng nội địa tài trợ 65% tổng mức đầu tư của dự án, khoảng 2.500 tỷ đồng.