Bàn Long Thành, sợ "vết xe đổ" Tân Sơn Nhất
Nhiều vị đại biểu Quốc hội cho biết là chưa kịp đọc kỹ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư sân bay Long Thành
Chiều 26/10 mới nhận được tài liệu, sớm 27 nghe tờ trình và thẩm tra, ngay lập tức sau đó về thảo luận tại tổ, nhiều vị đại biểu Quốc hội cho biết là chưa kịp đọc kỹ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư sân bay Long Thành.
Mặc dù vậy, các vị đại biểu vẫn phát hiện có nhiều điều chưa thật ổn ở dự án này.
Điều hành thảo luận tổ Tp.HCM, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM Phan Nguyễn Như Khuê cho biết trong mối quan hệ với nội dung Quốc hội bàn, cử tri thành phố rất quan tâm đến những vấn đề của sân bay Tân Sơn Nhất, nhất là việc xử lý sân golf tại đây.
Không chỉ đề nghị đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM tiếp tục quan tâm mà một số cử tri còn muốn ra tận Hà Nội - nơi các đại biểu đang tham dự kỳ họp - để gặp gỡ, trình bày, ông Khuê cho biết thêm.
Điều khiến nhiều đại biểu băn khoăn là dự án dự kiến thu hồi khoảng 5.585,14 ha đất, trong đó có hơn 1000ha là diện tích đất quốc phòng. Toàn bộ diện tích được dự kiến thu hồi một lần và cần đến hơn 23 nghìn tỷ đồng.
Phát biểu đầu tiên ở tổ thảo luận Tp.HCM, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhìn nhận, việc xây dựng dự án lớn như sân bay Long Thành đụng đến đất đai nhiều rất dễ gây ra xáo trộn xã hội. Và việc đền bù giải toả là phải chôn rất nhiều tiền vào đó, vì thế quỹ đất đó được khai thác thế nào phải có luận chứng khả thi.
Đại biểu Nghĩa cũng nêu lại câu chuyện đất quốc phòng ở sân bay Tân Sơn Nhất được mang cho thuê đến 50 năm, kinh doanh sân golf rồi nhà hàng khách sạn cho tầng lớp có thu nhập cao.
"Lúc giải phóng đất nước dân đã chứng kiến bao nhiêu khu đất quốc phòng phải hy sinh bao xương máu mới giành được, sau này thành nơi tư nhân kinh doanh thuần tuý, biến thành nhà hàng khách sạn không dính dáng gì đến quốc phòng, nguồn lợi ấy thuộc về ai?", ông Nghĩa đặt vấn đề.
Với sân bay Long Thành, đại biểu Nghĩa lo ngại nếu không có luận chứng khả thi rồi thì cũng có thể lại xảy ra như chuyện như ở Tân Sơn Nhất. Câu hỏi được đặt ra, theo đại biểu là yêu cầu giải phóng mặt bằng có cấp bách đến mức cần hàng ngàn ha một lúc không. Việc sử dụng đất phải trình bày thành luận chứng vì tốn tiền rất nhiều, tốn 20% của 23 nghìn tỷ, tức là khoảng 4.000 tỷ, đây là con số lớn lắm, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Theo đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê thì Tân Sơn Nhất chính là kinh nghiệm thực tiễn để có cái nhìn xa hơn khi bàn về sân bay Long Thành.
Điều được vị đại biểu này quan tâm là tờ trình của Chính phủ có nói sẽ đảm bảo cuộc sống của người dân phải di dời khi tái định cư sẽ bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Nhưng hiện nay thì buôn bán đất khu vực này hết sức sôi động và giá đất rất ảo. Vì thế ông Khuê lo rằng nếu xảy ra tình huống "bán lúa non", tức là người dân địa phương chuyển nhượng lại cho người khác thì sau này không phải người trong vùng dự án được hưởng chính sách nêu ra tại báo cáo của Chính phủ.
Đại biểu Khuê đề nghị phải giám sát thật chặt để ngăn ngừa việc lấy danh nghĩa dự án này để thực hiện chệch mục tiêu trong báo cáo.
Ủng hộ quan điểm phải có luận chứng kinh tế đánh giá tác động của việc khai thác sử dụng đất và giám sát đất có được sử dụng đúng mục đích hay không, đại biểu Nguyễn Phước Lộc nhấn mạnh việc bồi thường giải phóng mặt bằng rất là nhạy cảm, phải xem đền bù cho ai. Ông Lộc cho rằng không loại trừ có nhiều người dân "bán lúa non", và vấn đề không thể không quan tâm là sau đó rồi họ đi đâu làm gì? Nên có danh sách người dân tại chỗ và người nơi khác đến để có chính sách cho từng đối tượng cụ thể, ông Lộc phát biểu.
Lưu ý từ đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm là không phải đến bây giờ người dân vùng dự án mới bị ảnh hưởng mà từ khi có quy hoạch từ hơn chục năm trước thì quyền sử dụng đất của dân đã bị ảnh hưởng rồi.
Góp ý rằng cần đặc biệt quan tâm đến việc làm cho dân, nếu không sẽ dẫn đến lãng phí kép, đại biểu Tâm nêu thực tế một số nơi đã xảy ra tình trạng ngân sách để đào tạo nghề rất lớn nhưng người dân đi học nghề có sống được bằng nghề đó hay thất nghiệp lại là vấn đề khác nữa.
Đồng tình với quan điểm của Uỷ ban Kinh tế - cơ quan thẩm tra dự án - đại biểu Tâm cho rằng cần tách bạch phần nào Đồng Nai đầu tư để phát triển địa phương với phần Trung ương đầu tư cho dự án.. Cần có dự án nghiên cứu riêng về sử dụng phần đất ngắn hạn chưa triển khai đã thu hồi để tránh lãng phí, đây là vấn đề quá lớn, cần giám sát chặt chẽ, để dân nói xem họ cần gì, muốn thế nào, không để lợi ích nhóm chen vô đây được, bà Tâm phát biểu.
Nhắc lại con số tại báo cáo thẩm tra về hiện trạng nhà ở của các hộ dân có tới 4.039/4.083 căn nhà là cấp 4 và dưới cấp 4, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng phân tích đây chắc chắn là dân nghèo. Mà dân nghèo thì lấy đâu tiền để làm nhà rồi sống trong khu dân cư hiện đại như báo cáo. Ở đây phải trả biết bao nhiêu loại phí, từ tiền bảo vệ trở đi, dân chân lấm tay bùn có sống được hay nhanh chóng bị đẩy ra bên lề.
Đại biểu Hoàng cho rằng cần khảo sát chính xác xem dân có đủ điều kiện vào khu tái định cư đó không, đại biểu cũng cần biết mỗi căn nhà ở khu đó là bao nhiêu tiền, người dân vùng dự án đã 12 năm chịu thiệt thòi rồi, phải thấu hiểu hoàn cảnh của họ để xúc tiến nhanh sau khi dự án được thông qua, đại biểu Hoàng đề nghị.
Theo đại biểu Hoàng thì vừa qua dự án có được khảo sát nhưng những con số nêu tại báo cáo thì vẫn là chủ quan của ban quản lý dự án, đại biểu cần quan tâm hơn để gỡ khó cho dân.