18:30 12/03/2018

Blog chứng khoán: Chưa "cho" vượt đỉnh?

iTrader

Thị trường có điều kiện tốt để bứt phá hôm nay, nhưng các trụ sụt giảm mạnh đã khiến cơ hội bị bỏ lỡ

HSX30 vẫn đang thể hiện quá trình tích lũy bình thường và tích cực.
HSX30 vẫn đang thể hiện quá trình tích lũy bình thường và tích cực.

Thị trường có điều kiện tốt để bứt phá hôm nay, nhưng các trụ sụt giảm mạnh đã khiến cơ hội bị bỏ lỡ.

Thị trường ngày 12/3/2018:

Kịch bản rung lắc tiếp tục diễn ra và vẫn do các trụ lớn nhất tạo áp lực. Mặc dù lặp đi lặp lại nhưng lần nào cũng tạo được hiệu ứng sụt giảm rất rộng trên thị trường.

Trong phiên, từ thanh khoản cho tới tốc độ giao dịch đều không thể hiện sự chắc chắn khi VNI vượt lên trên 1130, thậm chí là lên trên 1135. Nhìn qua VN30 thì rõ hơn nhiều vì chỉ số này có điều chỉnh vốn hóa. Vùng dao động của Vn30 vẫn còn nguyên và chưa hề bị phá vỡ. Trong tình hình nhiễu loạn lớn tại vùng đỉnh thì nên sử dụng các chỉ số để xác nhận lẫn nhau, thay vì chỉ nhìn 1 chỉ số mà chỉ số đó rất dễ méo mó.

Có vài điểm cần lưu ý mặc dù hình thức giao dịch thì vẫn không khác nhiều lắm hai tuần trước.

Thứ nhất, rung lắc lặp đi lặp lại nhưng biên dao động của các chỉ số đang hẹp dần. Ở các phiên dao động rất rộng vài ngày trước, nguyên nhân là do hiện tượng đồng loạt biến động cùng chiều của các cổ phiếu lớn, hoặc đa số cổ phiếu lớn. Sức ép cộng hưởng của nhiều mã lớn đương nhiên sẽ tạo dao động lớn hơn.

Dao động hôm nay khá hẹp mặc dù hình thức cũng là các trụ dẫn dắt đột nhiên sụt giảm mạnh kéo theo nhiều mã khác biến động theo. Hiện tượng giảm đồng nhịp không chặt chẽ như trước, cổ phiếu phân hóa nhanh hơn. Nhìn theo hướng lạc quan thì đây là tín hiệu tốt.

Thứ hai, thanh khoản trong nhịp rung lắc không lớn. Đo lường cường độ của các nhịp rung lắc thì có thể tính bằng % giảm hay điểm số, nhưng hiệu ứng thật sự thì phải là bao nhiêu cổ phiếu bị ép phọt ra? Khối lượng giao dịch theo chiều giảm giá cổ phiếu/chỉ số đang giảm đi. Giao dịch bán trong khi thị trường rơi nhanh thường là theo cảm tính và bán hạ giá mới tạo ra giá giảm. Nhìn theo góc độ này thì bán càng ít, thanh khoản càng thấp càng tốt.

Thị trường hiện tại vẫn đang vận động tích lũy và quá trình này diễn ra khá dài. Điều tích cực là sau nhiều phiên rung lắc mạnh mà vẫn chưa dẫn đến nhịp sụt giảm rõ rệt. Các chỉ số vẫn đang bám sát cận trên của vùng dao động.

Hiện tại nhóm ngân hàng cho thấy sức mạnh tốt, giá trước đó tăng mạnh mà điều chỉnh rất nhẹ và hầu như chỉ tích lũy ổn định trong vùng giá, thay vì có nhịp giảm đàng hàng. Phiên tăng hôm nay cũng đưa nhiều mã về sát đỉnh cũ.

Các trụ đang bị phân hóa mạnh và lại nằm trong tuần giao dịch của các quỹ ETF nên triển vọng tăng mạnh là khó. Trong bối cảnh đó chỉ cần giá không giảm ra khỏi vùng tích lũy và thị trường đi ngang đã là điều tốt.

Chốt lại thị trường vẫn đang rung lắc như cũ và không có thêm thông tin gì rõ ràng. Nếu cường độ rung lắc giảm dần (trên cơ sở giảm biên dao động và thanh khoản chiều giảm) thì cơ hội vượt đỉnh vẫn còn.

Giao dịch:


Ảnh 1.

Hôm nay Vn30 bắt đầu được điều chỉnh nhịp xuất dữ liệu từ 1 phút/lần trước đây thành 5s/lần làm bớt hẳn độ trễ của basis (data holes).

Chiến lược chính vẫn là Long ở vùng hỗ trợ và cover hoặc giữ lại nếu vượt kháng cự. VN30 vẫn đang retest vùng cản 1117-1118 nhưng dao động quá nhiễu. Đóng vị thế Long 1100 cuối tuần trước ở 1118.

Nhịp rơi buổi chiều khá bất ngờ. Khi hợp đồng tháng 3 gãy 1116 thì không kịp quan sát và giao dịch. Bắt đáy 1108-1107. Duy trì vị thế mở.

* "Blog chứng khoán" mang tính chất cá nhân và không đại diện cho ý kiến của VnEconomy. Những quan điểm, đánh giá là của cá nhân nhà đầu tư và VnEconomy tôn trọng quan điểm cũng như văn phong của tác giả. VnEconomy và tác giả không chịu trách nhiệm về những vấn đề phát sinh liên quan đến các đánh giá và quan điểm đầu tư được đăng tải.