Bộ Công Thương dự thu về 4,9 tỷ USD từ thương vụ thoái vốn lịch sử
Bộ Công Thương sẽ chào bán 343.662.587 cổ phần Sabeco với giá khởi điểm được xác định ở mức 320.000 đồng/cổ phiếu
Bộ Công Thương vừa phát đi thông tin bán 53,59% vốn điều lệ của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã chứng khoán SAB). Đây là số cổ phần thuộc nhà nước do Bộ Công Thương là đại diện sở hữu.
Cụ thể, Bộ Công Thương sẽ chào bán 343.662.587 cổ phần với giá khởi điểm được xác định ở mức 320.000 đồng/cổ phiếu.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, mức giá tham chiếu bình quân của SAB trong 30 phiên gần nhất trên thị trường chứng khoán ở mức 281.000 đồng/cổ phiếu. Mức giá cao nhất theo định giá của tư vấn là 184.700 đồng/cổ phiếu. Giá đóng cửa của ngày giao dịch trước ngày công bố thông tin là 320.000 đồng/cổ phiếu.
Sau khi lựa chọn các phương án, Bộ Công Thương quyết định lấy giá 320.000 đồng là giá khởi điểm.
Số lượng cổ phần mua tối thiểu của nhà đầu tư là 20.000 cổ phiếu và chỉ có nhà đầu tư trong nước được mua tối đa 53,59% cổ phần của Sabeco. Các nhà đầu tư nước ngoài được mua tối đa 49% cổ phần Sabeco.
Những tổ chức, nhà đầu tư muốn chào mua vượt các tỷ lệ sở hữu theo Luật Chứng khoán với số lượng mua trên 25% vốn cổ phần của Sabeco sẽ phải đăng ký trước 1 tuần với ban tổ chức.
Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết với quy mô, mức giá khởi điểm của SAB, đây là thương vụ bán vốn có giá trị lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á trong 3 năm trở lại đây. Ở trong nước, đây cũng là đợt thoái vốn có quy mô lớn nhất trong lịch sử.
"Ngày chào bán cạnh tranh sẽ là ngày 18/12/2017. Chủ trương bán 53,59% còn tỷ lệ bán được bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào lượng chào mua của nhà đầu tư", ông Hoài cho biết.
Như vậy, nếu thoái vốn thành công ở Sabeco, Bộ Công Thương dự kiến sẽ thu về khoảng 110.000 tỷ đồng, tương ứng gần 4,9 tỷ USD.
Hiện tỷ lệ sở hữu hiện tại của Bộ Công Thương tại Sabeco là 89,59%. Nếu thoái vốn thành công, tỷ lệ sở hữu này sẽ giảm xuống 36%.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cũng khẳng định Sabeco là doanh nghiệp có lượng vốn hóa tương đối lớn nên việc thoái vốn, cổ phần hoá phải có lộ trình từng bước để đảm bảo hiệu quả cao nhất cho doanh nghiệp, đảm bảo lợi ích cho Nhà nước và cho nhà đầu tư.
"Việc thoái vốn cũng phải tính đến khả năng hấp thụ của thị trường, có tính đến lợi cho người lao động, giữ thương hiệu cho doanh nghiệp...Trên tất cả các yếu tố này sẽ xác định lộ trình thoái vốn cụ thể. Và quá trình thoái vốn sẽ đảm bảo thực hiện công khai, minh bạch", ông Hưng nói.
Liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng thừa nhận do có vốn hoá lớn nên sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài là rất quan trọng với Sabeco. Tuy nhiên, quy định hiện nay chỉ cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia không quá 49%. Cùng đó, nhà đầu tư trong nước cũng không được phép nắm giữ vượt quá tỷ lệ được cho là thống lĩnh thị trường theo Luật Cạnh tranh.
Trên thị trường, thị giá của SAB tiếp tục phá kỷ lục khi đang được giao dịch gần 340.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hoá đạt 205.209 tỷ đồng. Đây là "vua thị giá" trên sàn chứng khoán, vốn hoá chỉ đứng sau Vinamilk.