15:14 15/01/2018

Bộ Công Thương: Năm 2018, bán vốn mạnh, xử lý dứt điểm 12 dự án ngàn tỷ thua lỗ

Bạch Dương

Bộ Công Thương xác định sẽ tập trung đi thẳng vào giải quyết những vấn đề được coi là điểm nghẽn, là hạn chế trong phát triển của ngành

Bộ Công Thương tập trung bán vốn mạnh và xử lý các dự án yếu kém năm 2018.
Bộ Công Thương tập trung bán vốn mạnh và xử lý các dự án yếu kém năm 2018.

Tại hội nghị tổng kết năm 2017, triển khai nhiệm vụ 2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã đưa ra 9 nhiệm vụ mà ngành Công Thương phải làm năm 2018.

Bộ trưởng khẳng định Bộ Công Thương xác định sẽ tập trung đi thẳng vào giải quyết những vấn đề được coi là điểm nghẽn, là hạn chế trong phát triển của ngành, tập trung vào 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Một là,  Bộ Công Thương khẳng định sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành công thương một cách thực chất, thúc đẩy phát triển các thành phần kinh tế và các loại hình doanh nghiệp theo đúng tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Năm 2018, Bộ Công Thương sẽ tiến hành thoái vốn tại nhiều đơn vị như PV Oil, Lọc hoá dầu Bình Sơn, PV Power và các Genco 1, 2, 3… Năm 2017, Bộ Công Thương đã rất thành công trong thương vụ thoái vốn ở Sabeco do đó, lãnh đạo Bộ khẳng định đây là nền tảng để các thương vụ bán vốn trong năm 2018 sẽ đạt được nhiều thành quả, góp sức vào phát triển kinh tế đất nước. 

Hai là, Bộ Công Thương sẽ hoàn thành việc xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém của các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương, bảo đảm đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc xử lý dứt điểm các tồn tại, yếu kém ở các dự án này theo đúng lộ trình và phương án xử lý đã được phê duyệt.

12 dự án thua lỗ ở Bộ Công Thương gồm: 5 dự án của Petro Vietnam là nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, dự án nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất, dự án nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ, dự án nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước, và Công ty TNHH Một thành viên Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS); 

Hai dự án thép là nhà máy thép Việt - Trung (VTM) và dự án mở rộng Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2.

4 dự án của Vinachem là Đạm Ninh Bình, dự án cải tạo và mở rộng nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai, dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng; 

Cuối cùng là Nhà máy bột giấy Phương Nam dù đã qua hai lần tổ chức bán đấu giá tài sản nhưng đều không thành công.

Ba là, Bộ Công Thương tiến hành tà soát, cân đối lại tổng thể cơ cấu các nguồn năng lượng và thực hiện các cơ chế chính sách, biện pháp để bảo đảm cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong dài hạn và theo hướng bền vững trên cơ sở huy động sự tham gia mạnh mẽ hơn của khu vực kinh tế ngoài nhà nước theo đúng tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5.

Trong đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tập trung để tính toán, cân đối lại bài toán năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong dài hạn và trong bối cảnh, điều kiện mới. Đặc biệt là vấn đề về cơ cấu năng lượng tái tạo và năng lượng không tái tạo trong phát triển điện năng; tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, than đá...

Bốn là, đẩy nhanh quá trình thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu trong ngành Công Thương theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gắn với triển khai mạnh mẽ và thực chất cuộc Cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư trong các lĩnh vực hoạt động của ngành Công Thương.

Trong đó xác định trọng tâm tái cơ cấu trong giai đoạn tiếp theo phải được đẩy nhanh thực hiện trên nguyên tắc chất lượng, lấy tiêu chí nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hiệu quả của đầu tư, khả năng tham gia của doanh nghiệp vào chuỗi giá trị toàn cầu làm tiêu chí cho quá trình này.

Năm là, tập trung xử lý một cách căn bản hơn các vấn đề về xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường ngoài nước. Theo đó, Bộ Công Thương xác định sẽ tập trung mạnh vào đổi mới, nâng cao hiệu quả của cơ chế phối hợp với các Bộ ngành, địa phương và hiệp hội doanh nghiệp để tạo sự kết nối, phối hợp đồng bộ hơn trong việc xử lý các vấn đề phát sinh trong thương mại quốc tế như vượt qua các rào cản thương mại, kiểm dịch động thực vật, các vấn đề về chống trợ cấp, chống bán phá giá của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Cùng với đó là thay đổi một cách mạnh mẽ hơn công tác xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Sáu là, Thực hiện đổi mới một cách căn bản công tác theo dõi, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam, bảo đảm cho quá trình hội nhập của Việt Nam hiệu quả và bền vững hơn.

Tập trung khai thác tốt các FTAs đã hoàn thành đàm phán, ký kết và có liệu lực thực thi. Tính toán lại chiến lược đàm phán các FTAs tiếp theo để bảo đảm lợi ích cao hơn cho đất nước trong bối cảnh mới. Đi vào các FTA song phương với các thị trường ngách mà ta có nhiều lợi thế.

Đặc biệt là trong công tác thực thi các cam kết hội nhập, song song với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hội nhập, Bộ Công Thương xác định sẽ hướng trọng tâm vào việc xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện có hiệu quả công tác theo dõi, đánh giá, tổ chức triển khai thực hiện các cam kết hội nhập để có thể nâng cao hiệu quả thực thi cam kết hội nhập nói riêng và bảo đảm cho quá trình hội nhập thành công, bền vững của Việt Nam trong thời gian tới.

Bảy là, nhanh chóng tổ chức lại lực lượng quản lý thị trường theo mô hình mới gắn với thay đổi phương thức hoạt động và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng quản lý thị trường trên địa bàn cả nước. Coi đây là biện pháp để tạo bước chuyển quan trọng trong công tác đấu tranh chống kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại.

Qua đó, tạo lập môi trường lành mạnh, công bằng cho sản xuất và kinh doanh trong nước, trực tiếp góp phần vào nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.

Tám là, tổ chức triển khai có hiệu quả chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm tạo sự chuyển biến căn bản và bền vững hơn cho khu vực thị trường trong nước, tiếp tục làm trụ đỡ quan trọng cho tăng trưởng kinh tế những năm tiếp theo.

Cuối cùng, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tập trung vào xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, khơi dậy các nguồn lực phục vụ cho phát triển các lĩnh vực công nghiệp, thương mại. Gắn với đó là việc tiếp tục cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến của ngành Công Thương.