18:00 27/09/2019

Bộ Giao thông Vận tải: "Không chia nhỏ các gói thầu cao tốc Bắc - Nam"

KIỀU LINH

Về mặt kỹ thuật và kinh tế, chia theo các chặng đường từ đâu đến đâu đã được xác định, chặng thu phí cũng đã được tính toán đến khả năng thu hồi vốn

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Chiều 27/9, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức họp báo thường kỳ quý 3/2019 do Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông chủ trì. Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải giải đáp nhiều vấn đề liên quan đến việc huỷ đấu thầu quốc tế rộng rãi cao tốc Bắc - Nam. 

"Khi tổ chức đấu thầu trong nước, Bộ Giao thông Vận tải sẽ chia nhỏ các gói thầu thế nào để các nhà đầu tư trong nước có khả năng tham gia"?, phóng viên đặt câu hỏi.

Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định: Không thể chia nhỏ các gói thầu. Lý do là Nghị quyết 52 đã xác định dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông có 11 dự án thành phần, trong đó có 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Về mặt kỹ thuật và kinh tế, chia theo các chặng đường từ đâu đến đâu đã được xác định, chặng thu phí cũng đã được tính toán đến khả năng thu hồi vốn. "Đây là các dự án thành phần đã chốt từ đầu, không thay đổi phần đó được", Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định. 

Liên quan đến kiến nghị hạ tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Nghị quyết 52 cũng xác định vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tham gia dự án 20%, không thể thay đổi được. Tuy nhiên, có thể nghiên cứu điều chỉnh về kinh nghiệm trong bối cảnh các nhà đầu tư Việt Nam chưa có kinh nghiệm làm nhiều đường cao tốc. Do đó, có thể hạ tiêu chí là nhà đầu tư đã từng tham gia đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông và có quản lý tốt.

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cũng tiết lộ, tháng 10 tới sẽ tiến hành phát hành hồ sơ mời thầu. "Bao nhiêu nhà đầu tư tham gia chúng tôi chưa biết được, phải chờ khi nhận hồ sơ sơ tuyển Bộ sẽ công bố", Thứ trưởng nói và cho biết thêm rằng, không có chỉ định nhà đầu tư với 8 dự án cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, kịch bản này cũng được Quốc hội xem xét, Nghị quyết 52 đã chỉ rõ đoạn nào không có nhà đầu tư, báo cáo lại Thường vụ Quốc hội để chuyển sang đầu tư công. 

Trước đó, như VnEconomy đưa tin, Bộ Giao thông Vận tải vừa quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế và điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án PPP thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Giới chuyên gia đánh giá cao quyết định này của Bộ Giao thông Vận tải nhưng cũng cho rằng vốn của các doanh nghiệp trong nước rất hạn chế, do đó, khi chuyển sang đấu thầu trong nước, Bộ Giao thông Vận tải phải tính đến việc chia nhỏ các gói thầu ra để nhà đầu tư có thể tham gia.

"Các doanh nghiệp Việt Nam thừa sức làm những đường cao tốc. Chúng ta cũng đã từng làm nhiều đường cao tốc rồi. Nếu anh đã biết số vốn của Việt Nam chỉ có chừng này thì phải chia nhỏ các gói thầu ra, mỗi gói thầu có giá trị ít thôi thì có cần 100% vốn Việt Nam cũng thừa. Mặc ai đó nói là tủn mủn; miễn sao có thêm nhiều doanh nghiệp nội địa tham gia đấu thầu và có thể trúng thầu", chuyên gia Đỗ Thuỵ Đằng nói.

8 dự án xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 theo hình đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT, gồm: Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Đồng Nai.

Dự kiến tổng mức đầu tư 8 dự án này 104.070 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư Nhà nước 40.360 tỷ đồng dành cho giải phóng mặt bằng, tái định cư.