23:08 09/06/2019

Bộ Nội vụ hứa khắc phục tình trạng “công chức suốt đời” khi sửa luật

Nguyễn Lê

Có đại biểu đề nghị bổ sung quy định về thi sát hạch đối với công chức để loại ra những công chức không vượt qua được yêu cầu của kỳ thi sát hạch

Đại biểu Quốc hội đề nghị xây dựng bộ tiêu chí cụ thể để thực hiện đánh giá nhằm khắc phục hạn chế trong công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức còn hình thức như hiện nay.
Đại biểu Quốc hội đề nghị xây dựng bộ tiêu chí cụ thể để thực hiện đánh giá nhằm khắc phục hạn chế trong công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức còn hình thức như hiện nay.

Ngày 10/6 Quốc hội khoá 14 sẽ bước vào tuần làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 7.

Trước phiên thảo luận toàn thể chiều 10/6 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Bộ Nội vụ đã có báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án luật này.

Liên quan đến phân loại, đánh giá cá bộ, công chức, báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tổ phản ánh, nhiều ý kiến tán thành việc sửa đổi, bổ sung quy định về phân loại đánh giá cán bộ, công chức nhưng đề nghị nội dung đánh giá phải mang tính định lượng với những tiêu chí cụ thể hơn.

Có ý kiến đề nghị tăng thẩm quyền cho lãnh đạo trực tiếp quản lý cán bộ, công chức trong việc đánh giá; việc đánh giá phải thực hiện thường xuyên.

Một số ý kiến đề nghị xây dựng bộ tiêu chí cụ thể để thực hiện đánh giá nhằm khắc phục hạn chế trong công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức còn hình thức như hiện nay.

Về nội dung đánh giá công chức, có ý kiến đề nghị "đánh giá về thái độ phục vụ nhân dân" là yêu cầu chung trong đánh giá công chức chứ không chỉ là yêu cầu đánh giá đối với công chức trực tiếp tiếp xúc với người dân và doanh nghiệp như dự thảo quy định.

Lần sửa đổi này, liên quan đến phân loại đánh giá công chức, có ý kiến tán thành quy định cho thôi việc đối với công chức có 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ nhưng đề nghị phải thay đổi cách thức đánh giá vì thực tế vừa qua không làm được việc này. Ý kiến khác đề nghị nghiên cứu bổ sung cơ chế buộc thôi việc đối với những công chức không hoàn thành nhiệm vụ.

Có đại biểu đề nghị bổ sung quy định về thi sát hạch đối với công chức để loại ra những công chức không vượt qua được yêu cầu của kỳ thi sát hạch.

Tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, Bộ Nội vụ cho biết sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các tiêu chí đánh giá bảo đảm khách quan, định lượng, chính xác, cụ thể hơn ngay trong luật và chỉnh sửa các quy định có liên quan.

Về đề nghị bổ sung quy định về sát hạch công chức để loại ra những người không xứng đáng, nghiên cứu cơ chế buộc thôi việc đối với công chức không hoàn thành nhiệm vụ, Bộ Nội vụ "xin được tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về quyền, trách nhiệm của công chức thông qua xác định rõ vị trí việc làm và khung năng lực, trình độ tương ứng để đánh giá mức độ hoàn thành công việc sát với thực tế hơn. Qua đó nâng cao chất lượng đánh giá công chức, tạo cơ chế "có vào, có ra", khắc phục tình trạng "công chức suốt đời", báo cáo nêu rõ.

Báo cáo của Bộ Nội vụ cũng cho biết, khi thảo luận tại tổ, có ý kiến đề nghị cần đổi mới phương thức tuyển dụng để có thể thu hút được người phù hợp, khắc phục tình trạng chậm trễ trong tuyển dụng. Bổ sung hình thức thi tuyển đối với các chức danh lãnh đạo, mở rộng đối tượng ưu tiên xét tuyển đối với thủ khoa các cơ sở đào tạo, ưu tiên trong tuyển dụng đối với đối tượng nữ và đồng bào dân tộc thiểu số, quy định cụ thể hơn đối với các trường hợp xét tuyển.

Theo Bộ Nội vụ thì dự thảo luật trình Quốc hội đã mở rộng đối tượng thuộc diện xét tuyển. Các trường hợp ưu tiên trong tuyển dụng đã được quy định cụ thể trong nghị định quy định chi tiết bằng hình thức cộng điểm vào bài thi đối với từng trường hợp cụ thể.

Về thi tuyển các chức danh lãnh đạo, trong thời gian vừa qua, một số bộ, ngành, địa phương đã thực hiện thí điểm thi tuyển các chức danh lãnh đạo. Hiện nay, Bộ Nội vụ đang tiến hành sơ kết việc thực hiện, báo cáo cấp có thẩm quyền để tiếp tục thực hiện và sẽ luật hóa trong thời điểm thích hợp. 

Đối với các nội dung quy định đổi mới phương thức tuyển dụng để bảo đảm chất lượng đầu vào, tránh chậm trễ trong việc thực hiện, Bộ Nội vụ sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật bảo đảm nghiêm túc, hiệu lực, hiệu quả.