14:05 25/10/2017

Bộ Nông nghiệp muốn bỏ, sửa hơn 100 điều kiện kinh doanh

Kiều Linh

Trong tổng số 345 điều kiện đầu tư, kinh doanh, Bộ đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 điều kiện

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác khảo nghiệm, kiểm nghiệm các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành, về cơ bản hiện nay không có tình trạng độc quyền.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác khảo nghiệm, kiểm nghiệm các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành, về cơ bản hiện nay không có tình trạng độc quyền.

Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng vừa có buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 10 tháng đầu năm 2017, Bộ đã tiến hành rà soát, đề xuất phương án cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh; đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa thủ tục hành chính; và cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, đổi mới phương thức kiểm tra chuyên ngành.

Trong tổng số 345 điều kiện đầu tư, kinh doanh, Bộ đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 điều kiện (chiếm 34,2%), trong đó bãi bỏ 65 điều kiện, sửa đổi theo hướng rút gọn 53 điều kiện. 

Bộ tiếp tục tổ chức rà soát sâu hơn đối với 508 thủ tục hành chính còn hiệu lực và đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa 287 thủ tục hành chính (chiếm 56,5%), gồm: bãi bỏ 81 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 205 thủ tục hành chính. 

Đối với hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của bộ, hiện nay, thời gian kiểm tra chuyên ngành được rút ngắn như đối với kiểm tra lô hàng thủy sản xuất khẩu, thời gian rút ngắn từ 5-7 ngày làm việc xuống còn 8 giờ/lô hàng; thực tế nhiều lô hàng được cấp giấy chứng nhận trong 2-3 giờ, tiết kiệm cho doanh nghiệp từ 15-20% chi phí. 

Đối với kiểm dịch thực vật, theo quy định của Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, thời gian giải quyết là 24 giờ kể từ khi bắt đầu kiểm dịch; thực tế đã rút ngắn xuống còn không quá 4 giờ đối với hàng hóa vận chuyển đường bộ, đường hàng không và không quá 10 giờ đối với đường biển.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác khảo nghiệm, kiểm nghiệm các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành, về cơ bản hiện nay không có tình trạng độc quyền. Bộ đã công nhận, chỉ định 63 tổ chức đủ điều kiện thực hiện kiểm tra chuyên ngành.

Về cơ bản, hiện nay, các loại phí, lệ phí chi cho hoạt động kiểm tra chuyên ngành đã được rà soát, cắt giảm, hiện chỉ còn 6 loại phí và lệ phí.

Bộ cũng đề nghị cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, theo nguyên tắc cắt giảm tối đa việc kiểm tra đối với hàng hóa xuất khẩu; chỉ thực hiện khi có yêu cầu của nước nhập khẩu hoặc của chủ hàng, hoặc quy định tại các công ước quốc tế một cách linh hoạt, phù hợp. Bên cạnh việc giảm thiểu thủ tục, thời gian, chi phí, vẫn cần duy trì kiểm tra đối với nông sản hàng hóa nhập. 

Theo đó, đề xuất cắt giảm 5 loại hàng hóa không có nguy cơ cao gây mất an toàn (chiếm 23,8%) ra khỏi danh mục hàng hóa phải kiêm tra chuyên ngành khi nhập khẩu, cắt giảm hàng hóa phải kiểm dịch thực vật ít nguy cơ chứa đối tượng kiểm dịch, cắt giảm 4 nhóm hàng hóa phải kiểm dịch sản phẩm động vật trên cạn; cắt giảm 9 nhóm hàng hóa phải kiểm dịch sản phẩm thủy sản.

Bộ cho biết, phương án đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành nêu trên sẽ góp phần tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.

Chỉ tính riêng hoạt động kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, đã giảm khoảng 654,4 tỷ đồng (ước tính cắt giảm 108.524 ngày công, chiếm tỷ lệ cắt giảm là 66,7%); kiểm dịch thực vật giảm khoảng 178,1 tỷ đồng.