11:37 18/04/2018

Bộ Tài chính: “Đánh thuế tài sản sẽ góp phần giảm giá nhà, đất!”

Duyên Duyên

Bộ Tài chính cho rằng thuế nhà góp phần điều chỉnh hành vi đầu cơ, tích trữ bất động sản, phản ánh thật cung - cầu về nhà đất trên thị trường

Theo Bộ Tài chính, trong dài hạn, dự thảo Luật Thuế tài sản sẽ mang rất nhiều lợi ích cho nền kinh tế, góp phần điều chỉnh hành vi đầu cơ, tích trữ bất động sản. Đây cũng là công cụ để điều chỉnh phân bố dân cư trong quá trình đô thị hóa.

Bộ Tài chính vừa công bố báo cáo đánh giá tác động dự án Luật thuế tài sản đang gây xôn xao dư luận trong thời gian gần đây. Theo đó, đơn vị này đã đánh giá dự thảo đề án luật trên cả hai phương diện tích cực và tiêu cực.

Về tác động tác tích cực, Bộ Tài chính cho rằng, dự thảo Luật Thuế tài sản đã kế thừa toàn bộ hệ thống cơ sở dữ liệu của chính sách thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hiện hành: Đơn giản, dễ thực hiện, thuận lợi trong việc kê khai, nộp và quản lý thu thuế đối với đất.

Mặt khác, dự thảo luật còn phù hợp với thông lệ quốc tế trong việc thu thuế tài sản, phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước, thu nhập của người dân.

Bộ Tài chính khẳng định, dự thảo luật đã tính toán đến khả năng nộp thuế của người dân, chỉ điều tiết đối với nhà ở có giá trị lớn, trên ngưỡng không chịu thuế.

Cụ thể, với ngưỡng không chịu thuế đối với nhà thuộc đối tượng chịu thuế là 1 tỷ đồng (tính theo suất vốn đầu tư xây dựng), không điều tiết đối với những người sở hữu nhà có giá trị không lớn, có thu nhập thấp và trung bình, không điều tiết đối với nhà đơn sơ, nhà thiếu kiên cố, nhà cấp IV, hầu hết nhà tại nông thôn, nhà cấp III.

Với ngưỡng không chịu thuế đối với nhà thuộc đối tượng chịu thuế là 700 triệu đồng (tính theo suất vốn đầu tư xây dựng), phương án này không điều tiết đối với những người sở hữu nhà có giá trị không lớn, có thu nhập thấp, không điều tiết đối với nhà đơn sơ, nhà thiếu kiên cố, nhà cấp IV, hầu hết nhà tại nông thôn, nhà cấp III (phạm vi điều tiết đối với nhà tại nông thôn và nhà cấp III sẽ nhiều hơn phương án lấy ngưỡng không chịu thuế là 1 tỷ đồng).

Bộ Tài chính nhấn mạnh, quy định mức thuế suất cao đối với đất sử dụng không đúng mục đích; đất và nhà thuộc đối tượng chịu thuế không đưa vào sử dụng; đất và nhà thuộc đối tượng chịu thuế lấn, chiếm sẽ góp phần hạn chế tình trạng đầu cơ về đất, sử dụng đất lãng phí, chiếm dụng đất công.

Việc quy định giao chính quyền địa phương quy định mức thuế suất cụ thể áp dụng tại địa phương nhằm tạo tính chủ động cho chính quyền địa phương trong việc quy định mức thuế suất thuế tài sản phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Phân tích tác động đến thị trường bất động sản, Bộ Tài chính đánh giá, tác động trực tiếp trong ngắn hạn là việc đánh thuế đối với tài sản, đặc biệt là mở rộng đối tượng chịu thuế là nhà ở sẽ góp phần điều chỉnh hành vi đầu cơ nhà, đất, từ đó góp phần giảm giá nhà, đất, đáp ứng đúng nhu cầu và khả năng thanh toán thực tế của người dân.

"Có thể khẳng định rằng, thuế không phải là công cụ duy nhất ngăn chặn các hoạt động đầu cơ về nhà đất nhưng thuế là một công cụ tài chính hữu hiệu góp phần hạn chế hành vi đầu cơ của các nhà đầu tư", đơn vị này cho biết.

Đặc biệt, về dài hạn, Bộ Tài chính khẳng định chính sách này sẽ mang đến rất nhiều lợi ích cho nền kinh tế, góp phần điều chỉnh hành vi đầu cơ, tích trữ bất động sản, phản ánh thật cung - cầu về nhà đất trên thị trường, góp phần giúp thị trường bất động sản minh bạch và phát triển lành mạnh, bền vững, khuyến khích nguồn tiền đầu tư vào bất động sản chuyển sang thành nguồn vốn đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, tạo động lực phát triển kinh tế.

"Hơn nữa, đánh thuế nhà còn là công cụ để điều chỉnh phân bố dân cư trong quá trình đô thị hóa. Ngoài ra, để phù hợp với thực tế tại Việt Nam là những người sở hữu nhiều nhà, đất là những người có tiềm lực về tài chính, giải pháp có quy định mức thuế suất cao hơn đối với đất sử dụng không đúng mục đích; đất và nhà ở không đưa vào sử dụng để khuyến khích hơn nữa việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nhà, đất.

Quy định nêu trên cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, được nhiều nước trên thế giới áp dụng và thành công", báo cáo của Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Việc đánh thuế nhà, đất ở cũng được cho là không ảnh hưởng đến quyền sở hữu nhà ở của người dân do việc đánh thuế đối với nhà ở có tính đến mức độ điều tiết, khả năng nộp thuế của người dân, chỉ điều tiết đối với nhà ở có giá trị lớn, trên ngưỡng không chịu thuế.

Đối với tác động đến ngân sách nhà nước, theo tính toán của Bộ Tài chính, với mức thuế suất 0,3%, số tiền thuế thu được vào khoảng 22.700 tỷ đồng (nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 1 tỷ đồng) hoặc khoảng 23.300 (nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng).

Với mức thuế suất 0,4%, dự kiến số tiền thuế thu được là 30.300 tỷ đồng (nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 1 tỷ đồng) hoặc khoảng 31.000 (nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng).

Về tác động tiêu cực, Bộ Tài chính cho rằng, việc đánh thuế trên toàn bộ giá trị đất ở với mức thuế suất cao và đánh thuế đối với nhà ở sẽ có tác động đến người dân, đặc biệt là đối với những người có quyền sở hữu, quyền sử dụng đất, nhà ở có giá trị lớn nhưng không có thu nhập để đóng thuế.

"Để giải quyết vấn đề này, tại Điều 10 dự thảo Luật đã quy định cho phép chậm nộp tiền thuế như sau: Trường hợp người nộp thuế không có khả năng nộp thuế thì được chậm nộp tiền thuế và không tính phạt chậm nộp trong thời gian chậm nộp thuế. Người nộp thuế phải có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản", Bộ Tài chính cho biết.