Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: "Tôi không tư túi trong BOT Cai Lậy"
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải trả lời nhiều vấn đề đáng chú ý tại cuộc họp báo chiều 18/1
"Khi làm Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Bộ trưởng đã thay mặt Bộ ký hợp đồng một số dự án BOT như Cai Lậy. Ông thấy trách nhiệm của mình thế nào, ông có muốn giải thích gì với người dân không?".
Đây là một trong những câu hỏi được báo giới nêu tại cuộc họp báo liên quan đến các dự án giao thông được thực hiện theo mô hình BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) thời gian qua, được Bộ Giao thông Vận tải tổ chức chiều 18/1.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời: "Lúc làm Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, tôi ký, tôi thực sự không tư túi, không có lợi ích nhóm, không có một cái gì, không bẻ cong để cho làm sai. Đó là sự thật. Còn phán quyết thế nào thì Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương sắp tới công bố thanh tra sẽ biết".
Lo khó tìm vốn cho cao tốc Bắc - Nam
Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, chủ trương huy động vốn xã hội để phát triển BOT của Chính phủ, Quốc hội là đúng đắn. "Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục làm, nếu ai làm sai thì người đó chịu trách nhiệm. Chúng ta không thể dừng, vì nếu dừng thì giao thông lạc hậu, kinh tế xã hội không phát triển".
Ông nói thêm, giai đoạn trước tháng 10/2017, khi chưa có nghị quyết của Quốc hội, thì vẫn cho thực hiện BOT trên các tuyến đường đã có. Nhưng từ tháng 10/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nghị quyết nêu rõ, sẽ không làm dự án BOT trên các tuyến đường cũ.
Gần đây, nhiều trạm đặt trên đường cũ khiến bà con nhân dân, tài xế phản ứng, thậm chí có cả ý kiến phản ứng chưa hợp lý.
Mặc dù vậy, Bộ trưởng cho rằng việc phản ứng này là tất nhiên. "Bởi vì, khi triển khai thu giá đồng loạt các trạm vận hành, trạm thu phí BOT trải đều cả nước, một số khu vực mật độ cao, sức chịu đựng nền kinh tế bị ảnh hưởng nên người dân phản đối".
Lấy ví dụ "điểm nóng" tại trạm BOT Cai Lậy gần đây, Bộ trưởng nhấn mạnh, nếu vấn đề về BOT tiếp tục nóng lên, sắp tới rất khó thu hút vốn để làm cao tốc Bắc - Nam.
Chính quyền địa phương phải đảm bảo an ninh trật tự liên quan đến BOT trên địa bàn, tìm giải pháp an toàn cho trạm thu phí, Bộ trưởng nêu quan điểm và cho biết thêm, Bộ Giao thông Vận tải sẽ làm hết trách nhiệm để quản lý điều hành BOT đúng quy định, tiếp tục huy động vốn phát triển hạ tầng giao thông.
Chưa biết Thủ tướng quyết phương án nào
Hiện tại, đã quá thời hạn một tháng Chính phủ đề nghị Bộ Giao thông Vận tải đề xuất phương án cho trạm thu phí BOT Cai Lậy, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp cụ thể nào.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể lý giải, khi xử lý một dự án thì phải xem xét tổng thể, Bộ Giao thông Vận tải đã làm nghiêm túc việc này. Còn phương án nào thì hiện chưa thể cung cấp, vì chưa biết Thủ tướng quyết định phương án nào.
"Phương án thì có nhiều, nhưng phương án nào cũng có tác động vì vậy phải chờ", ông nói.
Cũng theo ông, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục tiếp thu, xem xét các phản ứng hợp lý của người dân để điều chỉnh cho tốt.
Còn những phản ứng không chính đáng, ảnh hưởng đến dòng xe lưu thông là trái pháp luật. Bộ Giao thông Vận tải đã có chủ trương tất cả các trạm xả khi ùn tắc đến bao nhiêu km. Nếu trạm nào không thực hiện, chính quyền địa phương xử lý nghiêm.
"Có những hành vi cản trở giao thông dẫn đến ùn tắc rất nhanh. Như tại trạm BOT Cai Lậy, 26.000 xe đi qua ngày đêm, vài xe phản ứng dừng một lát thì ùn tắc 5-7 km. Xả trạm mà họ không đi thì vẫn ùn tắc kéo dài", ông Thể nói.
Về câu hỏi, quan điểm của Bộ thế nào khi không chỉ riêng với trạm BOT Cai Lậy, nhiều địa phương còn đề xuất dời trạm thu phí BOT như trạm BOT Thái Nguyên - Chợ Mới, trạm BOT Bắc Giang - Lạng Sơn…, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, các đề xuất di dời trạm phải xem tình tiết cụ thể thế nào? Như đề xuất dời một trạm ở Cần Thơ là không hợp lý. Bộ tiếp nhận toàn bộ, nhưng chỉ quyết định vấn đề nào thuộc thầm quyền Bộ, còn không phải báo cáo Chính phủ.
Cùng ngày, tại hội nghị tổng kết ngành giao thông vận tải năm 2017, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho ý kiến về việc đầu tư, quản lý và khai thác các dự án BOT.
Ông yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục tập trung xử lý những bất cập của các dự án này.
"Đây là vấn đề lớn, cần phải rà soát tổng thể, đặc biệt về giá, phù hợp với người dân và doanh nghiệp. Phí cao quá, người dân không chịu được, thấp quá thì nhà đầu tư không thể hoàn vốn. Nếu không huy động được nhà đầu tư, Nhà nước không có hạ tầng, người dân chịu thiệt hại nhiều nhất", Phó thủ tướng yêu cầu.