17:18 01/06/2018

"Bộ trưởng nói nước đôi, tôi rất lo"

Nguyễn Lê

Chính phủ có thể đưa thêm những vấn đề, chính sách mới vào và cho rằng Quốc hội đã ủy quyền cho Chính phủ, như thế không phù hợp

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng phát biểu tại nghị trường.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng phát biểu tại nghị trường.

"Tôi đề nghị ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và nên có phản biện rõ ràng, Bộ trưởng nói nước đôi như thế tôi rất lo", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) trao đổi với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Sáng 1/6, thảo luận về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến Luật quy hoạch, các vị đại biểu còn không ít băn khoăn, nhất là việc sửa Luật Công chứng.

Nội dung sửa luật này là bỏ việc quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng, giao Chính phủ quy địnhchi tiết điều kiện thành lập và hoạt động của văn phòng công chứng.

Khi thẩm tra dự án luật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Luật Công chứng đã quy định cụ thể về điều kiện hành nghề của công chứng viên, điều kiện thành lập và hoạt động của văn phòng công chứng. Luật có tới 8 nội dung giao Chính phủ quy định, trong đó có cả điều kiện về trụ sở của Văn phòng công chứng. Quan điểm của cơ quan thẩm tra là do không giao Chính phủ quy định thêm các điều kiện khi chưa có đánh giá tác động về nội dung này.

Việc sửa Luật Công chứng là nhằm mục tiêu phù hợp với Luật Quy hoạch, thế nhưng theo đại biểu Lưu Văn Đức (Đăk Lắc) thì giao cho Chính phủ quy định chi tiết điều kiện thành lập và hoạt động của văn phòng công chứng là đi ngược lại chủ trương bãi bỏ quy hoạch về phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm đã được đề ra khi ban hành Luật Quy hoạch.

Còn theo đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) thì việc giao cho Chính phủ như vậy là không cần thiết, vượt quá sự cần thiết và phạm vi điều chỉnh.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) phân tích, để Chính phủ quy định chi tiết là chưa đảm bảo tuân thủ nguyên tắc của việc ban hành chính sách đã được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trong trường hợp thực sự cần thiết mà phải sửa các điều kiện liên quan đến tổ chức hành nghề công chứng thì phải có sự phân tích, đánh giá hồ sơ đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và có thể thông qua vào kỳ họp thứ 6, đại biểu nêu quan điểm.

Đăng ký phát biểu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu một số lý do dẫn đến quy định giao cho Chính phủ quy định như đã nói trên, trong đó có lý do các điều kiện về hành nghề công chứng ở trong luật chưa đủ.

Bộ trưởng nhấn mạnh, có một xu hướng trong những năm gần đây thì các vụ việc khiếu nại, tố cáo có liên quan đến hành nghề công chứng của công chứng viên và của các văn phòng công chứng càng ngày càng tăng. 

"Cho nên chúng tôi thấy cùng với việc thống nhất bỏ quy hoạch tổng thể quốc gia về hành nghề công chứng thì cũng phải có quy định chặt chẽ hơn về điều kiện và tiêu chí", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trước đó, cũng có một vài đại biểu đồng tình với quy định như dự thảo luật.

Thay mặt cơ quan soạn thảo giải trình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ nêu lại hai loại ý kiến của đại biểu chứ không tiếp thu hay phản biện gì cả.

Trao đổi với Bộ trưởng ngay sau đó, đại biểu Nhưỡng nhấn mạnh rằng nếu giao cho Chính phủ quy định thêm các điều kiện về hành nghề công chứng sẽ dẫn đến sự chồng chéo về mặt chính sách. Điều này trái với phương châm mà chính Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh là chỉ xem xét những vấn đề liên quan tới quy hoạch, còn những vấn đề chính sách thì không xem xét. Nhưng thay mặt Ban soạn thảo giải trình Bộ trưởng Dũng không giải thích rõ là sẽ tiếp thu ý kiến nào.

Theo đại biểu Nhưỡng, nếu đưa quy định giao Chính phủ quy định chi tiết điều kiện thì "sau này Quốc hội không kiểm soát được Chính phủ. Chính phủ có thể đưa thêm những vấn đề, chính sách mới vào và cho rằng Quốc hội đã ủy quyền cho Chính phủ, như thế không phù hợp".

"Bộ trưởng nói nước đôi như thế tôi rất lo", ông Nhưỡng phát biểu.

Được Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu từ vị trí điều hành phiên thảo luận mời báo cáo thêm, Bộ trưởng Dũng hồi âm đại biểu Nhưỡng về sửa luật Công chứng là vì còn 2 luồng ý kiến khác nhau nên cơ quan soạn thảo cần thêm thời gian nghiên cứu và báo cáo lại Thường vụ Quốc hội để xin ý kiến.

"Nếu cơ quan soạn thảo nói ngay quan điểm của mình thì sợ chưa cẩn trọng nên phải nói hơi nước đôi một chút là như vậy", Bộ trưởng giải thích.