16:59 24/06/2019

BOT Hoà Lạc thất thu 3,5 tỷ đồng vì người dân phản đối

KIỀU LINH

Không chỉ thiệt hại mỗi ngày 230 triệu đồng vì người dân phản đối, BOT Hoà Lạc còn đứng trước nguy cơ vỡ phương án tài chính

Người dân hai xã Yên Quang và Phúc Tiến (huyện Kỳ Sơn, Hoà Bình) dùng ôtô chắn ngang 4 làn thu phí.
Người dân hai xã Yên Quang và Phúc Tiến (huyện Kỳ Sơn, Hoà Bình) dùng ôtô chắn ngang 4 làn thu phí.

Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình theo hình thức BOT dài 56 km, gồm hai hợp phần: tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình được xây dựng mới dài 25 km và hợp phần cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình dài 30 km. 

Để hoàn vốn cho nhà đầu tư, theo phương án tài chính, dự án sẽ đặt 2 trạm thu phí trên mỗi tuyến đường: Tuyến Quốc lộ 6 đặt tại Km 42+730 (đã thu phí từ 2015) và tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình đặt tại Km 17+100. Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến của dự án khoảng 27 năm 6 tháng 9 ngày.

Cuối tháng 4, Bộ Giao thông Vận tải cho phép Công ty TNHH BOT quốc lộ 6 Hòa Lạc - Hòa Bình (doanh nghiệp đầu tư dự án) tổ chức thu tiền dịch vụ đường bộ tại trạm thu phí Km17+100, đường Hòa Lạc - Hòa Bình từ 0h ngày 3/5 để hoàn vốn đầu tư cho dự án. Mức phí thấp nhất là 35.000 đồng/lượt xe và cao nhất là 180.000 đồng/lượt xe.

Chỉ sau 4 ngày thu phí, nhiều tài xế đã tập trung phản đối, trạm BOT Hòa Lạc - Hòa Bình buộc phải liên tục xả trạm. Ngày 7/5, đơn vị đã giảm 50% giá vé cho phương tiện của người dân sống ở gần trạm áp dụng đối với cả xe chính chủ và không chính chủ. 

Tuy nhiên, đến ngày 11/6, trạm thu phí BOT Hoà Lạc tiếp tục ngưng hoạt động vì người dân hai xã Yên Quang và Phúc Tiến (huyện Kỳ Sơn, Hoà Bình) dùng ôtô chắn ngang 4 làn thu phí. 

Trao đổi với VnEconomy, ông Bùi Quang Bát, Giám đốc Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 Hoà Lạc - Hoà Bình cho biết, tính đến hôm nay là ngày thứ 14 trạm không thể thu phí do người dân liên tục chặn xe. 

"Chúng tôi đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải, Thủ tướng và các bộ ngành mong muốn vào cuộc giải quyết vướng mắc để công ty sớm được thu phí trở lại", ông Bát nói và cho biết thêm, trung bình mỗi ngày trạm BOT Hoà Lạc thu được 230 triệu đồng, 10 ngày thu được 2,3 tỷ. 

"Do đó, mỗi ngày dừng thu phí chúng tôi thiệt hại 230 triệu đồng, 10 ngày thiệt 2,3 tỷ, đến nay là 14 ngày rồi, thiệt hại khoảng 3,5 tỷ đồng. Giờ không thu được tiền chúng tôi không thể duy trì được hoạt động bảo dưỡng, về dài hạn sẽ vỡ phương án tài chính", ông Bát nói.

Trước đó, ngày 18/6, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũngđã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương xem xét đề xuất của tỉnh Hòa Bình đối với tuyến BOT Hòa Lạc đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người dân.