14:02 20/05/2019

Bức tranh tài chính, ngân hàng qua báo cáo kiểm toán

Nguyên Vũ

Một số tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng vượt mức cho phép của Ngân hàng Nhà nước, vi phạm quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước tại Hà Nội - Ảnh: Quang Phúc.
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước tại Hà Nội - Ảnh: Quang Phúc.

Một số tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng vượt mức cho phép của Ngân hàng Nhà nước, vi phạm quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần, VAMC chưa thực hiện vai trò trong việc mua nợ và xử lý nợ xấu, theo kết quả kiểm toán.

Trước thềm kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khai mạc sáng 20/5, Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã gửi đến các vị đại biểu Quốc hội báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018.

Kết quả kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2017 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và 7 tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, cho thấy việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước năm 2017 đã góp phần hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể, kiểm soát lạm phát bình quân 3,53%; hỗ trợ tăng trưởng kinh tế 6,81%; tăng trưởng tín dụng 18,17% (mục tiêu 18%); đạt mức dự trữ ngoại hối lớn nhất từ trước đến nay, góp phần giữ ổn định tỷ giá, lãi suất.

Các tổ chức tài chính, ngân hàng được kiểm toán đạt được các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động, kinh doanh có lãi hoặc chênh lệch thu chi dương, tỷ suất lợi nhuận/vốn đạt mức trên 7%.

Song báo cáo kiểm toán cũng chỉ ra một số tồn tại, cụ thể, một số tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng vượt mức cho phép của Ngân hàng Nhà nước. Đó là các ngân hàng thương mại cổ phần: Bảo Việt, Đông Nam Á, Nam Á, Đại Chúng, Việt Nam Thương tín (với tổng dư nợ vượt 6.988 tỷ đồng).

Vi phạm quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần có Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương tín và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kiên Long sở hữu cổ phần trực tiếp qua lại lẫn nhau.

5 tổ chức tín dụng gồm Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần TNHH MTV Xây dựng Việt Nam, Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nắm giữ cổ phần của hơn 2 tổ chức tín dụng khác.

Kiểm toán còn phát hiện Công ty TNHH MTV Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa thực hiện vai trò trong việc mua nợ và xử lý nợ xấu. Cụ thể là không thẩm định giá mua (giá mua bằng dư nợ trừ (-) dự phòng rủi ro do tổ chức tín dụng tự xác định); không kiểm tra, đánh giá khách hàng vay, tính trung thực, chính xác của hồ sơ, tài liệu và tài sản đảm bảo của khoản nợ... VAMC xử lý nợ xấu sau khi mua chủ yếu thông qua việc ủy quyền lại cho các tổ chức tín dụng bán nợ, kết quả kiểm toán nêu rõ.

Kết quả kiểm toán cũng cho thấy Ngân hàng Nhà nước chưa xây dựng lộ trình giảm tỷ trọng tiền mặt xuống dưới 10% tổng phương tiện thanh toán theo đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 (giai đoạn 2011 đến 2017, tỷ lệ tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán ở mức gần 12%.) Hệ số an toàn vốn (car) toàn hệ thống, theo báo cáo kiểm toán là chưa tin cậy.

Loại trừ các ngân hàng yếu kém và các ngân hàng được mua 0 đồng, một số ngân hàng thương mại đầu tư trái phiếu chéo lẫn nhau, làm "cải thiện ảo" hệ số Car, nhiều ngân hàng thương mại phân loại nợ không đúng làm ảnh hưởng đến lợi nhuận, tác động giảm hệ số Car.

Ngân hàng Nhà nước còn chậm quyết toán các chương trình hỗ trợ lãi suất, chưa thu hồi nợ tồn đọng nhóm 2 và nợ có tính chất tồn đọng nhóm 2 để hoàn trả ngân sách Nhà nước, đến 31/12/2017 là 108,22 tỷ đồng và 2,2 triệu USD. Gồm: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam 40,03 tỷ đồng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 30,95 tỷ đồng; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam 36,23 tỷ đồng và 2,2 triệu USD...

Ở mảng xám, bức tranh ngân hàng còn có việc một số đơn vị chưa xử lý dứt điểm công nợ tồn đọng từ nhiều năm. Như, tại Ngân hàng Chính sách xã hội, các khoản tham ô, chiếm dụng từ các tổ tiết kiệm và vay vốn tại 28 chi nhánh từ trước năm 2010 và các khoản nhận bàn giao từ Ngân hàng Nông nghiệp, Kho bạc Nhà nước 3,4 tỷ đồng.

Một số nhà băng đầu tư tài chính không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư 2.391 tỷ đồng vào 6 công ty con, cổ tức/lợi nhuận được chia năm 2017 là 12 tỷ đồng.

Hạch toán doanh thu, thu nhập, chi phí chưa phù hợp, chính xác cũng là vấn đề được chỉ ra tại báo cáo kiểm toán và Ngân hàng Nông nghiệp lại được nêu tên với hạch toán thừa lãi dự thu 136 tỷ.

Sau đó, vẫn lại là Ngân hàng Nông nghiệp được chỉ ra phân loại nợ chưa phù hợp, Kiểm toán Nhà nước điều chỉnh giảm dư nợ nhóm 1 là 1.254,5 tỷ đồng, tăng dư nợ nhóm 2 là 703,6 tỷ đồng, tăng dư nợ nhóm 3 là 55,4 tỷ đồng, giảm dư nợ nhóm 4 là 100,4 tỷ đồng, tăng dư nợ nhóm 5 là 595,9 tỷ đồng. Trích lập dự phòng rủi ro tín dụng chưa chính xác cũng vẫn là Ngân hàng Nông nghiệp, Kiểm toán Nhà nước đã điều chỉnh tăng chi phí dự phòng cụ thể 341,5 tỷ đồng, giảm chi phí dự phòng chung 4,9 tỷ đồng.

Gắn với Ngân hàng Nông nghiệp còn có sai sót về trình tự, thủ tục cho vay, hỗ trợ lãi suất sai quy định.

Với Ngân hàng Chính sách xã hội, cơ quan kiểm toán cho rằng, việc xóa nợ 95,37 tỷ đồng cho 9.187 khách hàng được coi là mất tích theo xác nhận của UBND và công an xã/phường, không phù hợp với quy định của Bộ Luật dân sự 2015, trong đó một số khách hàng vẫn có thẻ bảo hiểm y tế, đóng bảo hiểm xã hội hoặc về thăm người thân.

Ngoài ra, ngân hàng này không đàm phán mức phí huy động vốn với các tổ chức tín dụng, mà thanh toán bằng mức tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là 1,35%, ảnh hưởng đến cấp bù chênh lệch lãi suất từ ngân sách nhà nước, báo cáo kiểm toán cho biết.