01:01 19/10/2019

Cà phê cuối tuần: GDP và “cơ hội vàng” để thay đổi chất lượng tăng trưởng

Mạnh Chung

"Tôi giờ đây thay đổi quan điểm rằng, chúng ta vẫn có thể vừa tăng trưởng nhanh vừa bền vững"

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn - Ảnh: M.Chung.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn - Ảnh: M.Chung.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam mới chỉ là đầu ra để so sánh mức thu nhập đạt được chứ chưa tính đến chi phí bỏ ra để đạt được kết quả tăng trưởng đó, như chi phí xã hội, chi phí môi trường… Nếu tính tất cả các chi phí như vậy vào có thể sẽ làm sụt giảm tăng trưởng đi rất nhiều.

Đưa ra góc nhìn trên trong câu chuyện "Cà phê cuối tuần" với VnEconomy, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn hơn một lần nhấn mạnh Việt Nam nên đặt ra mục tiêu xây dựng chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, trong đó có nội dung quan trọng là GDP xanh và cho rằng bối cảnh hiện nay đang là "cơ hội vàng" để Việt Nam thay đổi chất lượng tăng trưởng.

Hai luồng suy nghĩ

Thời gian qua Việt Nam đạt được những kết quả tăng trưởng kinh tế khá ấn tượng mà gần đây nhất tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2019 đạt 6,98%, cao nhất 9 năm qua. Cá nhân ông cảm nhận thế nào, hẳn sẽ rất vui?

Thì cứ thấy tăng trưởng cao, phát triển tốt là vui rồi, nhưng đó là cảm nhận của một công dân. Còn cảm nhận của nhà kinh tế thì có hai luồng suy nghĩ đan xen. Đó là những nỗ lực của Chính phủ, doanh nghiệp, người dân đã có những kết quả đáng ghi nhận, và thứ hai, tôi vẫn luôn suy nghĩ nhiều về chất lượng của tăng trưởng hơn là số lượng.

Ông có thể nói cụ thể hơn được không?

Số lượng (con số tăng trưởng cao) là cho giai đoạn nào đó và sẽ theo quy luật kinh tế. Một nền kinh tế càng lớn thì tốc độ tăng trưởng cao sẽ khó giữ nguyên được, nó sẽ dần dần giảm tốc. Vấn đề khi nào giảm và giảm với mức độ như thế nào, chứ không thể kỳ vọng luôn luôn tăng cao được.

Thứ hai, tăng trưởng luôn đặt ra vấn đề của chất lượng tăng trưởng. Đó là có dựa vào nguồn lực chắc chắn không, có thể giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định, lâu dài không. Còn tăng trưởng chỉ dựa vào đầu tư, nguồn lực có sẵn hoặc dễ dàng khai thác, huy động, thì khi nào hết nguồn lực đấy sẽ không còn tốc độ tăng trưởng cao được nữa.

Trong khi mô hình tăng trưởng cũ của ta dựa quá nhiều vào tài nguyên, vốn, nhưng phần đại diện cho lực lượng khoa học công nghệ đóng góp cho tăng trưởng vẫn không cao. Do vậy phải suy nghĩ nhiều hơn về nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực khoa học công nghệ.

Còn nói về con số tăng trưởng thì của ta cũng chưa thực sự cao. Hồi xưa, phát triển thần kỳ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan toàn mức 8,6-9,2%. Kể cả Trung Quốc, nước lớn như thế nhưng cứ liên tục tăng trưởng hơn 10%. Mình mới tăng trưởng cao nhất khoảng gần 8%, còn lại 7,5%, tất nhiên như thế cũng quý rồi. Bây giờ cứ cố 6,9-7% là mừng lắm.

Cơ cấu kinh tế: Vẫn loay hoay phần đáy nụ cười!

Một chi tiết đáng chú ý liên quan đến con số tăng trưởng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm qua. Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,36%, đóng góp 52,6%, khu vực dịch vụ tăng 6,85%, đóng góp 42,6%. Với sự tăng trưởng trên cho thấy các khu vực này đang có sự chuyển biến nhanh và làm trụ cột của nền kinh tế, điều đó cũng cho thấy cơ cấu kinh tế cũng đang có sự chuyển dịch rất tích cực. Quan điểm của ông thì sao?

Trước nay chúng ta vẫn dựa vào hai khu vực này là chính. Nông nghiệp đóng góp cho tăng trưởng bao giờ cũng thấp nhất. Năm vừa rồi tăng trưởng nông nghiệp trên 3% cũng là tốt nhưng năm nay không biết vì có dịch tả lợn châu Phi nên có thể có ảnh hưởng.

Bởi vậy, xu hướng tăng trưởng của khu vực công nghiệp xây dựng cao và đóng góp ngày càng nhiều hơn cho tăng trưởng (GDP) là tốt, nhưng đây là khu vực không có gì thay thế và cũng dễ nhìn thấy. Vấn đề hiện nay là phải nhìn sâu hơn đằng sau các con số đó.

Ví dụ công nghiệp và xây dựng tăng trưởng thế nhưng chúng ta tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu được nhiều hay ít? Giá trị gia tăng để lại cho Việt Nam nhiều hay ít? Chứ con số GDP hay giá trị tạo ra ở khu vực công nghiệp xây dựng và dịch vụ đó thì đấy là chung cả khu vực nước ngoài và trong nước.

Khu vực FDI họ làm ra và mang về nước họ mình có thu được đâu. Trong khi khu vực FDI hoạt động hiệu quả hơn, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế, được ưu ái nhiều hơn, nhưng đóng góp cho ngân sách nhà nước lại ít hơn khu vực tư nhân, còn khu vực tư nhân thì không hiệu quả bằng, khó khăn nhiều hơn, số lượng đóng cửa vẫn rất cao nhưng đóng góp lại nhiều hơn FDI, như thế phải xem lại.

Nếu tính toán cẩn thận tôi cho rằng phần mình được không bao nhiêu. Vì ta tham gia vào chuỗi giá trị trong công nghiệp chủ yếu lắp ráp, gia công, mà từ lâu ai cũng biết phần chúng ta được chủ yếu chi cho lao động nhưng lao động ở đây là nhân công giá rẻ. Chúng ta cần phải đi vào hai cánh của chuỗi nụ cười giá trị gia tăng, là về thiết kế, và một bên là makerting, bán hàng, phân phối thì mới có giá trị nhiều hơn. Chứ ta cứ loay hoay ở phần đáy của nụ cười thì không thu được bao nhiêu cả.

20191009_101139(0)

Đành rằng thế, nhưng trước đây ta chủ yếu lệ thuộc vào khai khoáng, dầu khí, khai thác khoáng sản,… thì sự thay đổi trên cũng là tốt đấy chứ?

Chúng ta đã nhận ra không thể nào tập trung vào tài nguyên được, vì tài nguyên cũng sẽ cạn kiệt, ô nhiễm, và nếu là tăng trưởng bền vững thì không thể dựa vào tài nguyên, cho nên đóng góp của tài nguyên, đặc biệt là dầu khí cho ngân sách giờ dưới 5%, đâu phải dựa vào tài nguyên.

Vấn đề của chúng ta là bắt nhịp sâu vào vào nền kinh tế thế giới, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đặt mục tiêu thế nhưng chúng ta hiện không làm được, bởi rất nhiều lý do, trong đó có lý do quan trọng là công nghiệp hỗ trợ phát triển vẫn còn rất hạn chế.

Thế nên, con số đưa ra chúng tôi vẫn cho là tốt, vẫn đánh giá tích cực nhưng phải nhìn đằng sau nó để tiếp tục khắc phục chứ không phải cứ nhìn thấy số năm nay tốt hơn năm sau hay mức độ tương tối cao là đã phấn khởi.

Chuyển dịch thế nào cho hợp lý?

Vậy theo chủ quan của ông, cơ cấu kinh tế cần chuyển dịch theo xu hướng như thế nào mới tạo ra sự ổn định, bền vững hay thể hiện được chiều sâu của tăng trưởng?

Cơ cấu thì phải mổ xẻ kỹ hơn. Ví dụ trong công nghiệp cần mổ xẻ cơ cấu ngành công nghiệp nào chúng ta có lợi thế và có thể bắt kịp. Như hiện nay chúng ta tận dụng cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data), Blockchain…, đấy là khu vực sẽ tạo ra giá trị gia tăng rất cao, do vậy giờ phải nhắm vào đó, kinh tế số sẽ phải đầu tư vào nhiều hơn, khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, rồi nguồn lực để phục vụ, chúng ta phải đi sâu vào.

Tất nhiên nó cũng là công nghiệp, có thể là dịch vụ, nhưng là phần mà chúng ta mong muốn.

Còn công nghiệp như sản xuất dệt may, sản phẩm gọi là truyền thống, đến một lúc nào đó cũng tới ngưỡng, không thể nào tiếp tục đi may cho toàn thế giới được. Kể cả trong lĩnh vực may người ta cũng không làm theo kiểu cũ mà dùng robot rồi. Máy được lập trình làm ra những sản phẩm theo yêu cầu, làm việc 24/24, không đòi tăng lương, không điều kiện lao động gì cả, năng suất lại rất cao và làm theo nhu cầu của đơn đặt hàng, mỗi một người có thể được cung cấp những sản phẩm theo đơn hàng của cá nhân.

Cách làm xưa là cứ sản xuất đại trà hàng nghìn chiếc áo sơ mi ra thị trường rồi ai mua thì mua. Bây giờ theo đơn đặt hàng, dự báo theo nhu cầu rồi đưa vào sản xuất. Như thế không cần đặt nhà máy may ở một quốc gia có lao động giá rẻ, mà họ mang về bản địa sản xuất.

Vấn đề đặt ra là phải nghiên cứu thật kỹ lĩnh vực nào có thể tham gia được, lĩnh vực nào thậm chí mình có thể đuổi kịp và vượt các nước ở trong khu vực, bởi nhiều lĩnh vực họ cũng như mình, cũng mới bắt đầu khởi động từ cách mạng công nghiệp 4.0, đặt cho tất cả các nước trong khu vực ở các nấc thang khác nhau về phát triển, trong một mặt chung và khởi điểm chung để chạy thi.

Hay, trong cơ cấu công nghiệp đang nói ở trên thì cũng phải xác định cụ thể cái gì hiện ta đang có lợi thế, cái gì nên tập trung để có thể bứt phá, để đuổi kịp và vượt, đấy mới là quan trọng. Bản thân con số là tốt, cho thấy cơ cấu chuyển đổi, nhưng cái mà chúng ta mong muốn là phải chuyển đổi nhanh hơn, chuyển đổi cụ thể hơn vào lĩnh vực mà ta có lợi thế và nếu biết tận dụng thì có thể đuổi kịp và vượt.

Phải đặt vấn đề như thế thì mới ra được chiến lược lâu dài, động cơ cho tăng trưởng mới đảm bảo được đúng và bền vững.

Cần đặt mục tiêu kinh tế xanh, GDP xanh

Những đánh giá, góc nhìn, hay lo lắng của ông ở trên mang tính căn cơ, lâu dài, chứ thực tế khi thông tin tốc độ tăng trưởng GDP quý 3/2019 của Việt Nam được công bố ngay lập tức đã có những hiệu ứng tích cực khi nhiều tổ chức, định chế tài chính quốc tế đã nâng nâng dự báo tăng trưởng cả năm của Việt Nam?

Có thể họ có các kịch bản khác nhau, mặc dù tất cả dự báo kinh tế họ lại thấy bi quan, như tăng trưởng ở các nước lớn, tăng trưởng ở khu vực, kể cả Trung Quốc đều bi quan và đánh tụt. Ví dụ như IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế) hai báo cáo đầu năm của tháng 1 và tháng 4 đều điều chỉnh thấp xuống, tăng trưởng của các nước trong khối phát triển, đang phát triển, mới nổi đều bị đánh tụt cả.

Bức tranh chung như thế thì không tốt. Riêng của ta, nếu họ điều chỉnh lên có thể họ đưa ra kịch bản các nhà đầu tư tại Trung Quốc chạy ra ngoài sau khi có cuộc thương chiến Mỹ - Trung nên Việt Nam tiếp tục đà thu hút đầu tư nước ngoài. Hiện nay Việt Nam so với các nước trong khu vực thì tỷ lệ thu hút FDI/GDP là cao nhất và tiếp tục được cải thiện. Chắc là họ đoán, tính toán theo cách đầu tư GDP do FDI đóng góp thì có thể sẽ cao lên.

Viện Kinh tế Việt Nam cũng có đánh giá riêng của mình nhưng cuối năm chúng tôi mới công bố. Chúng tôi đưa ra các kịch bản khác nhau, vì hiện nay nền kinh tế của ta độ mở là 200%, có thể nói phụ thuộc vào bên ngoài rất nhiều. Chứ tăng trưởng (các dự báo) hiện nay được đưa ra với giả định rất quan trọng là thế giới không có những thay đổi lớn.

Thực tế mình tăng trưởng được là do các thị trường xuất khẩu được ổn định, như Mỹ, EU, dù khối EU tăng trưởng không cao chỉ 1,2%, nhưng EU bây giờ lại vướng thêm Brexit chưa giải quyết ổn thỏa, rồi những bóng mấy u ám của thương chiến Mỹ - Trung cũng ảnh hưởng tới EU, hay một loạt các vấn đề có thể dẫn tới khủng hoảng như vấn đề về Trung Đông, Syria,… Nếu đưa ra các kịch bản để đánh giá tăng trưởng mà cứ giả định nó không có gì thay đổi thì chưa chắc đã đúng. Phải tính nhiều kịch bản, có cao, trung bình và thấp.

Tôi vẫn thiên về việc chúng ta không quá lạc quan vì một nền kinh tế mở cửa mạnh như thế, phụ thuộc vào bên ngoài nhiều thế, nên khi cuộc thương chiến xảy ra chưa thấy có hồi kết, cho đến khu vực EU vẫn chưa thấy động lực tăng trưởng mạnh thì tôi không cho rằng thế giới xung quanh ta là thuận lợi.

Có thể sẽ có những bất ổn xảy ra và sẽ làm sẽ ảnh hưởng tới đầu tư và thương mại, khi đó nguồn lực đầu tư và thương mại rất quan trọng cho tăng trưởng sẽ làm cho tăng trưởng có thể thay đổi chứ không phải có một con số 6,8, 6,9 hay 7%. Tôi cho rằng cần cẩn trọng hơn việc này.

Nên tôi vẫn nói tăng trưởng là dựa vào nguồn lực nào, có giữ được mức tăng trưởng đó lâu không. Vấn đề thứ hai là chất lượng tăng trưởng. Và lại, tăng trưởng mà mình đạt được chỉ là đầu ra để so sánh mức thu nhập đạt được thôi chứ chưa tính được chi phí phải bỏ ra để đạt được kết quả như vậy.

20191009_101717

Chi phí ở đây là như thế nào, thưa ông?

Nói như nhà doanh nghiệp bao giờ cũng tính cả chi phí chứ không riêng doanh thu. Doanh thu rất to nhưng chi phí cũng rất lớn thì có khi doanh nghiệp bị lỗ. Trong thống kê của ta chưa tính được chi phí mà chúng ta phải trả giá, ví dụ chi phí về xã hội, chi phí về môi trường, rồi không khí ô nhiễm thì chi phí cho người dân đi chưa bệnh (phổi), hay chi phí của tài nguyên thiên nhiên mất đi để đóng góp cho tăng trưởng, rồi các vấn đề khác của xã hội…

Chính vì thế chúng ta phải đặt ra mục tiêu xây dựng chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, trong đó có nội dung quan trọng là GDP xanh. Tôi cho rằng phải tính toán được cái đó thì mới làm rõ chi phí chúng ta phải bỏ ra bao nhiêu để đạt mức tăng trưởng cao là 6,9, hay 7,08% như năm ngoái.

Theo tôi, nếu tính vào tất cả chi phí kiểu như thế có thể nó làm sụt giảm tăng trưởng rất nhiều. Tất nhiên cái này phải có tính toán còn chưa tính toán thì chưa nói cụ thể được. Nhưng theo tôi những chi phí như trên ở Việt Nam là lớn, rất dễ nhận thấy như ô nhiễm môi trường, rồi tàn phá tài nguyên, tàn phá đa dạng sinh học, phát thải khí nhà kính…

Ngoài ra chưa kể vấn đề chất lượng theo hướng tạo việc làm, sinh kế bền vững cho người dân. Mình tăng trưởng thế nhưng nhiều tầng lớp xã hội có thể bị bỏ rơi hay bị đặt ở ngoài lề. Tăng trưởng phải làm thế nào để tất cả người dân tham gia vào quá trình tăng trưởng, chia sẻ kết quả tăng trưởng đó, đấy mới là cái chúng ta mong muốn.

"Cơ hội vàng" đã đến!

Ông từng một vài lần đề cập đến việc mô hình tăng trưởng cũ đã tới hạn và cần thiết phải nhanh chóng chuyển đổi mô hình kinh tế, mô hình tăng trưởng mới, trong đó xác định cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, kinh tế số là hạt nhân và đảm bảo cho việc tăng trưởng ổn định, bền vững. Vì sao lại vậy, thưa ông?

Chúng ta đang sống trong bối cảnh mới của một thế giới đang vận động rất nhanh và có những yếu tố mới, trong đó có hai yếu tố làm ảnh hưởng đến Việt Nam là cách mạng công nghiệp 4.0, thứ hai là biến đổi khí hậu. Việt Nam là một trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng biến đổi khí hậu nhiều nhất trên thế giới. Khi trước đây vẫn là đầu tư thương mại, dòng vốn… thì với hai yếu tố lớn này nó tạo cho chúng ta một sức ép mới phải đối mặt với thách thức mới.

Chuyển đổi số do cách mạng 4.0 đặt ra hàng loạt vấn đề chúng ta phải bắt nhịp ngay. Trước nay, một thời gian tôi có quan điểm đã tăng trưởng nhanh thì không thể bền vững và đã tăng trưởng bền vững thì không thể nhanh, vì lý do như đã nói: tăng trưởng nhanh thì ảnh hưởng ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính… Nhưng sau khi xuất hiện và càng ngày càng rõ nét hơn cách mạng công nghiệp 4.0 và những hiện tượng mới của nền kinh tế số tôi đã bắt đầu thay đổi quan điểm. Tôi cho rằng, chúng ta vẫn có thể vừa tăng trưởng nhanh vừa bền vững được nếu biết tận dụng cách mạng 4.0 và biết tận dụng những ý tưởng mới.

Trong nền kinh tế hiện đại ý tưởng rất quan trọng. Không chỉ là ý tưởng của doanh nghiệp, của người dân, mà ý tưởng của cách điều hành, ý tưởng của những thể chế sáng tạo, những thể chế mang tính chất thử nghiệm, thí điểm. Phải có những cách như thế thì mới có những đột phá.

Hiện nay yếu tố thể chế sẽ vẫn tiếp tục đóng vai trò rất quan trọng, bên cạnh đó thì khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ là đóng góp - có lẽ quan trọng hàng bậc nhất - để quyết định chúng ta có đuổi kịp, không muốn nói là vượt các nước trong khu vực hay không. Và cũng chỉ có sử dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chúng ta mới có thể xử lý được các vấn đề về tác động của môi trường và biến đổi khí hậu.

Giai đoạn tới, theo tôi, mô hình tăng trưởng của Việt Nam phải đi vào chất lượng và phải quyết liệt việc dựa vào đổi mới sáng tạo, dựa vào khoa học công nghệ, dựa vào nguồn nhân lực chất lượng cao và biết tập hợp những người tài, trong đó đặc biệt là 4,5 triệu người Việt kiều để họ đóng góp trực tiếp, gián tiếp vào dòng chảy của đất nước.

Điều tôi lo lắng nhất là phần đầu tư cho khoa học công nghệ - một trong những nguồn gốc tăng trưởng bền vững tốt nhất. Hiện nay, các nước trong khu vực, các nước tiên tiến đều coi khoa học công nghệ là nguồn lực quan trọng bậc nhất để giữ cho tăng trưởng ổn định và bền vững. Tất cả các nước có thu nhập cao vẫn dành tỷ lệ % cao của GPD đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, như Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Hàn,… đều đạt mức rất cao, trong đó nhiều nước đầu tư cho khoa học công nghệ, cho R&D đến 4% GDP. Trong khi của ta chi cho khoa học công nghệ chỉ dưới 5%, mới đạt 0,42% GDP, quá bé.

Vậy theo cá nhân ông, cơ chế chính sách, những cải cách hiện nay đã đủ và đảm bảo cho Việt Nam bắt nhịp được với mô hình tăng trưởng mới, với các yếu tố và xu hướng mới như đã đề cập trên?

Tôi cho rằng Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mới đây là vô cùng kịp thời và phù hợp. Vấn đề bây giờ là thực hiện thôi.

Chúng ta có rất nhiều chính sách và chính sách đúng, chỉ khi thực hiện thì còn nhiều vấn đề, vướng mắc, không phải chỉ một chuyện thực hiện theo nghĩa đen mà còn có những điều kiện chưa đảm bảo, nguồn lực không có. Đặt ra chính sách mà không có nguồn lực thực hiện thì cũng không thực hiện được.

Hay rất nhiều yếu tố khiến chúng ta có chính sách đúng, quyết liệt, nhưng đến khoản thực hiện thì vướng rất nhiều thứ, kể cả chồng chéo về luật, chồng chéo về các quy định, cho đến các điều kiện để thực hiện đạt được các mục tiêu đặt ra.

Tôi nghĩ, nhận thức và chính sách của Trung ương, Chính phủ, các Bộ ngành về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, về chuyển đổi số, kinh tế số, đổi mới sáng tạo – những yếu tố then chốt của mô hình tăng trưởng mới, là đúng hướng, bởi lần này nếu chúng ta bỏ lỡ cơ hội thì không còn "cơ hội vàng" nào để có thể đuổi kịp các nước và vươn lên.

Khi tư duy thay đổi chắc chắn thể chế, tổ chức bộ máy cũng thay đổi theo, không thì mãi mãi chúng ta không bao giờ có "cơ hội vàng" này nữa.