21:59 25/10/2019

Cà phê cuối tuần: Ô nhiễm không khí ở Hà Nội có đến mức rất nghiêm trọng?

Thu Hằng

Chưa bao giờ, không khí tại Hà Nội lại được người dân Thủ đô đặc biệt quan tâm như hiện nay. Liệu ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã đến mức thực sự rất nghiêm trọng?

GS .TS Khoa học Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam.
GS .TS Khoa học Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam.

"Cà phê cuối tuần" kỳ này, VnEconomy có cuộc trao đổi với GS.TS Khoa học Phạm Ngọc Đăng, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam về vấn đề ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Ông nói: "Ô nhiễm không khí của Hà Nội vẫn ở mức đáng lo ngại, nhưng không đến độ ghê gớm như một số thành phố khác trên thế giới. Do vậy, việc làm cho người dân hoang mang là không cần thiết".

Không đến mức nghiêm trọng

Gần đây, các tổ chức quốc tế cũng như cơ quan chức năng về môi trường của Việt Nam đã đưa ra nhiều cảnh báo về tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội. Với nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực môi trường không khí, ông có đánh giá thế nào về chất lượng không khí ở Hà Nội hiện nay?

Vấn đề ô nhiễm không khí ở Hà Nội còn tùy theo từng thời kỳ và thường không có tính ổn định trong năm, có lúc cao lúc thấp. Tuy nhiên, ô nhiễm không khí của Hà Nội vẫn ở mức đáng lo ngại, riêng về bụi thì thuộc loại ô nhiễm nặng.

Nhưng không vì thế mà nói Hà Nội ô nhiễm không khí nặng được, vì ô nhiễm không khí còn liên quan đến rất nhiều thành phần cơ bản khác, đặc biệt là từ các khí gây ô nhiễm như SO2, CO, NOx và một số loại khí khác. Nhìn chung, so với các thành phố khác trên thế giới thì Hà Nội vẫn là một thành phố sạch về mặt khí, nhưng về mặt bụi thì rất nặng.

Vừa qua, báo chí có một số thông tin cho rằng ô nhiễm không khí của Hà Nội ở mức nguy hiểm, đáng báo động làm cho người dân rất hoang mang. Thực tế là ô nhiễm không khí của Hà Nội không đến mức nghiêm trọng như vậy. Việc đánh giá tình trạng ô nhiễm này phải dựa trên các chỉ số quan trắc môi trường.

Kết quả công bố vừa qua có cả từ một số cơ quan độc lập thực hiện được đo lường bằng máy đo nhanh, tại Đại sứ quán Mỹ cũng có thiết bị đo hiện đại. Riêng Hà Nội có tới 10 trạm quan trắc, trong đó 2 trạm là tự động hiện đại, 8 trạm đo nhanh được phân bố trên toàn thành phố.

Số liệu của Hà Nội công bố được thực hiện dựa trên các quy chuẩn quốc gia và quốc tế, từ đó đưa ra các chỉ số trung bình ngày, trung bình năm để so sánh với chỉ số tiêu chuẩn cho phép. Nếu chỉ số trung bình thấp hơn mức quy định thì chất lượng không khí tốt, nếu cao hơn 1 - 2 lần là không khí kém, từ 2 - 3 lần là ô nhiễm nặng, và trên 3 lần là ô nhiễm rất nặng. Nghĩa là chỉ số đo thực tế so với tiêu chuẩn định ra gấp bao nhiêu lần thì tương ứng mức độ ô nhiễm.

Còn kết quả ở Đại sứ quán Mỹ hay một số tổ chức tư nhân thực hiện, thường là chỉ số ô nhiễm đưa ra ở các thời điểm tức thời, có tính nguy hiểm nhất nên rất cao, nhưng lại không có giá trị so với chỉ số tiêu chuẩn. Bởi vì, chỉ số tiêu chuẩn ô nhiễm không khí dao động rất nhanh, thậm chí trong tích tắc có thể nâng lên hạ xuống, nên nếu lấy chỉ số trong tích tắc này so với tiêu chuẩn và nói rằng tăng gấp 3 đến 4 lần là nguy hiểm thì cách làm này tôi cho rằng không đáng tin cậy.

pham ngoc dang 2

"Ô nhiễm không khí của Hà Nội không đến mức quá nghiêm trọng" - GS Phạm Ngọc Đăng.

Bản thân là một chuyên gia môi trường không khí, tôi quan tâm nhiều hơn đến chất lượng thông báo không khí của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, còn chỉ số ở Đại sứ quán Mỹ hay các tổ chức khác là để tham khảo thôi, không nên coi đó là chỉ số để đánh giá.

Nhưng các cảnh báo về mức độ ô nhiễm được đưa ra từ chỉ số quan trắc tại các trạm đã đủ căn cứ chính xác để đánh giá chất lượng không khí Hà Nội hay chưa, theo ông?

Đúng là Hà Nội dù có 10 trạm nhưng chưa thể phản ánh tuyệt đối về chất lượng không khí của thành phố được. Vì ở mỗi địa điểm, khu phố thì mức độ ô nhiễm là khác nhau. Chẳng hạn như ở đường Phạm Văn Đồng, nơi có mật độ giao thông lớn, nhà cửa, đường xá xây mới, sửa chữa rất nhiều thì mức độ ô nhiễm chắc chắn cao hơn so với khu phố cổ.

10 trạm này là 10 địa điểm khác nhau, chưa thể bao hàm toàn bộ không khí của Hà Nội được, nhưng cơ bản đã thể hiện được tính đặc trưng, đồng bộ cho Hà Nội.

Trong nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm không khí được mổ xẻ, dường như vẫn thấy những nguyên nhân kinh điển là giao thông, xây dựng, còn cụ thể từ nguồn nào phát thải với số lượng bao nhiêu thì chúng ta vẫn chưa xác định được?

Đúng vậy. Tuy nhiên, ô nhiễm của Hà Nội vừa qua tăng cao còn do việc đốt chất thải nông nghiệp, đây là trường hợp đột xuất, còn nói chung vấn đề của Hà Nội cũng là ô nhiễm thông thường gặp phải của bất kỳ thành phố nào khác của Việt Nam.

Nguyên nhân cơ bản vẫn là do giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp, ngoài ra nguồn từ hoạt động sinh hoạt chủ yếu do Hà Nội vẫn còn tình trạng đun nấu bằng bếp than tổ ong, nhưng số này hiện đã giảm nhiều rồi.

Chính quyền đã thật sự quyết liệt?

Ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn ngày càng được thể hiện rõ, nhưng qua sự việc vừa rồi, nhiều ý kiến cho rằng, phản ứng của chính quyền còn chưa thống nhất và quyết liệt, người dân rất "loạn" thông tin, gây bức xúc?

Tôi nhận thấy Hà Nội đã nhận thức được vấn đề này, nhưng vẫn chưa thực sự kiên quyết áp dụng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm.

Trong khi đó, việc giáo dục cho cộng đồng về sự ô nhiễm không khí, đặc biệt bụi là do cả xã hội gây nên chứ không phải riêng ai rất quan trọng. Bởi vì, nếu cộng đồng, người sản xuất rồi như cả anh lái xe mà không nâng cao nhận thức thì rất khó.

Tôi đi đường rất nhiều lần thấy những chiếc xe buýt thải đầy khói màu đen, mà khói này ai cũng biết là rất độc hại, nguy hiểm. Nhưng bản thân cơ quan quản lý của Hà Nội cũng không có động thái cấm hay yêu cầu công ty xe buýt Hà Nội bảo dưỡng, sửa chữa để không có tình trạng như vậy nữa, trong khi đây còn là thành viên của doanh nghiệp nhà nước đấy.

Bên cạnh đó, vấn đề vệ sinh đường phố cũng chưa được thực hiện tốt, nhiều người trong nhà mình thì sạch nhưng khi đi ra đường vẫn còn vứt rác bừa bãi. Rồi vấn đề thu gom rác thải, xây dựng mới, đường sá vẫn còn hỏng lên hỏng xuống phải sửa chữa, trong khi các biện pháp thi công chống bụi của chúng ta là rất kém.

Ngay như việc kiểm soát, đánh giá tiêu chuẩn khí thải của xe cộ đã được ban hành trong quy chuẩn Việt Nam, nhưng Hà Nội cũng đã kiểm soát được đâu. Cái này nếu không kiểm soát được thì lượng phát thải ra môi trường vẫn tiếp tục gây ô nhiễm.

Kinh nghiệm của Nhật Bản là chỉ cần áp dụng đúng tiêu chuẩn quy định thì đã giảm được 6% mức độ ô nhiễm của một thành phố. Họ làm rất chặt chẽ, khi kiểm tra mà xe nào không đạt tiêu chuẩn thì không cho đi, kể cả là phải bỏ tiền ra để bảo dưỡng, sửa chữa, đạt rồi mới được lưu thông, nếu chúng ta cũng làm được như vậy sẽ giảm rất nhanh ô nhiễm bụi PM2.5 và bụi PM10.

Nhưng, Hà Nội làm vấn đề này theo tôi là chưa nghiêm minh. Rất nhiều quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng nhưng thực tế không thấy kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện. Thậm chí vẫn còn tình trạng vật liệu xây dựng bị đổ vô tội vạ, vận chuyển trái phép làm rơi vãi ra đường…mà đây cũng là tác nhân gây ra ô nhiễm bụi.

Đưa ra quy định nhưng vấn đề là phải có sự kiểm tra, kiểm soát để người dân thực hiện cho đúng.

Nhưng cũng phải thấy rằng, chưa bao giờ vấn đề ô nhiễm không khí lại được người dân Thủ đô quan tâm nhiều như lúc này, nếu nhìn nhận theo chiều hướng tích cực, liệu đây có phải là tín hiệu đáng mừng?

Người dân chứng tỏ ngày càng quan tâm đến vấn đề môi trường hơn. Nội cũng đang tích cực trồng thêm nhiều cây xanh, đây là hoạt động đáng khích lệ. Tôi nhìn thành phố cũng không còn khô cằn như mấy năm trước mà cảm thấy rất đáng hoan nghênh.

Giải pháp nào?

Như vậy, chúng ta không thể phủ nhận việc Hà Nội có ô nhiễm không khí, vậy theo ông có thể làm gì để cải thiện được tình trạng này?

Phải có cả giải pháp trước mắt cũng như lâu dài. Trước mắt là vấn đề quản lý môi trường, phải thống nhất về quan điểm giữa các đơn vị quan trắc đo lường, đánh giá để có thông tin đáng tin cậy đến người dân. Chứ để như hiện nay là người dân hơi loạn xạ về thông tin.

Thực tế, rất nhiều thông tin không được đảm bảo độ tin cậy sẽ tạo nên sự rối loạn. Tôi khẳng định, Hà Nội không ô nhiễm đến mức độ ghê gớm như Bắc Kinh hay một số thành phố khác trên thế giới đâu, nên việc làm cho người dân hoang mang là không cần thiết.

Thêm nữa là cũng cần giáo dục ý thức cho người dân, phải cùng nhau hợp sức để giữ gìn cho Hà Nội trong sạch, vì có trong sạch thì khách mới đến du lịch nhiều hơn, mà như vậy mới càng thúc đẩy phát triển kinh tế.

Còn về lâu dài, cần quan tâm đến vấn đề như quy hoạch, phát triển đô thị, đường xá, trồng thêm nhiều cây xanh…

Pham NgocDang

"Không khí Hà Nội có trong sạch thì khách mới đến du lịch nhiều hơn" - GS Phạm Ngọc Đăng.

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội dù đã được cảnh báo từ trước, nhưng dường như trước đó vẫn chưa được xem là vấn đề nghiêm trọng, theo ông đã đến lúc phải thay đổi cách nhìn nhận vấn đề này hay không?

Hà Nội đang phát triển với tốc độ quá nhanh, mức độ ô nhiễm quả thực đã tăng lên rõ rệt, cộng với nhiều tồn tại từ trước đây vẫn chưa được giải quyết khiến vấn đề có thể trở nên nghiêm trọng hơn. Trong số những tồn tại đó, không thể không kể đến hệ thống kênh rạch bốc mùi hôi thối đã từ rất lâu, cũng làm tăng ô nhiễm không khí.

Nhưng tôi nói thật, tư duy của lãnh đạo thành phố mới chỉ cố gắng làm trong nhiệm kỳ của mình thôi. Nên thực tế Hà Nội không thiếu các sáng kiến khoa học về vấn đề này chứ chưa nói đến nghiên cứu, rất nhiều nhà khoa học đã góp ý cho thành phố nhưng không được lắng nghe.

Kỳ vọng Quốc hội quan tâm

Giải pháp đã nói rất nhiều, nhưng suy cho cùng theo ông gốc rễ của vấn đề nằm ở đâu và liệu chúng ta có thể thực hiện được hay không?

Như tôi đã nói, chúng ta phải tăng cường công tác quản lý, làm sao tất cả các quy định phải được thực thi và đi vào cuộc sống. Ai không thực hiện thì phải xử phạt nghiêm.

Hai là phải tập trung vào hai nguồn ô nhiễm chính là giao thông và xây dựng để có biện pháp quản lý cụ thể. Ví dụ như kiểm soát các xe không đạt chuẩn, thậm chí là cấm lưu hành luôn, tương tự công trình xây dựng nào không thực hiện đúng quy định về bảo vệ môi trường thì cũng phải xử phạt, thậm chí là đình chỉ hoạt động.

Riêng về giao thông, nhất định phải phát triển theo hướng giao thông công cộng thì mới có thể giảm được ô nhiễm. Nhưng, không nên dùng biện pháp hành chính để cấm xe cá nhân, tôi cho đó là biện pháp vô cùng quân phiệt, không được người dân ủng hộ đâu và thực tế là không khả thi.

Việc đi lại của người dân là chính đáng và cần thiết, chỉ khi nào có phương tiện công cộng tốt thì chúng ta mới khuyến khích và hạn chế phương tiện cá nhân. Tôi theo dõi thấy các nước cũng không cần hạn chế đâu, mà khi phát triển hệ thống giao thông công cộng tốt thì người dân tự bỏ xe cá nhân, vì xe cá nhân tốn thêm tiền bảo dưỡng…trong khi xe công cộng tiện nghi, an toàn và kinh tế hơn chứ.

Chúng ta hãy nhìn đến hệ thống đường sắt trên cao, cả thời gian và tiền bạc đều vượt bao nhiêu lần so với dự tính ban đầu mà còn chưa biết đến bao giờ mới đi vào hoạt động. Một sai lầm nghiêm trọng như vậy chưa thể giải quyết được thì làm sao bảo dân tin, làm sao dám bỏ xe máy để sử dụng.

Tôi đã nói rất nhiều về vấn đề này trong các cuộc họp, thực sự không khả thi nếu cấm ô tô, xe máy trong thời điểm này. Chỉ khi phát triển tốt hệ thống phương tiện công cộng thì chúng ta mới giảm được xe cá nhân.

Theo dòng thời sự thì kỳ họp Quốc hội đang diễn ra dự kiến cũng sẽ "nóng" vấn đề môi trường, nhất là ô nhiễm không khí, nước sạch… Vậy ông có kỳ vọng gì vào những quyết sách của Quốc hội trong kỳ họp này liên quan đến vấn đề môi trường?

Tôi mong Quốc hội quan tâm, đánh giá đúng tình hình vấn đề môi trường đang diễn ra, đã đến lúc ô nhiễm môi trường cần được nhìn nhận rất quan trọng. Đồng thời, cũng rất kỳ vọng Quốc hội thực hiện xứng tầm trách nhiệm trong vấn đề bảo vệ môi trường.

Theo tôi, việc kiểm tra, giám sát trong vấn đề này trước đây vẫn chưa thực sự đúng tầm, ở đâu đó vẫn còn mang tính chất hình thức và chưa tạo được tin cậy cho người dân. Lần này, theo tôi cần phải bàn quyết liệt hơn nữa, cũng như phải tăng cường khâu giám sát nhiều hơn trong lĩnh vực này.