Các nước trong hiệp định RCEP muốn hoàn tất thỏa thuận trước cuối năm
Cuộc gặp tuần này của RCEP diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc
Các quốc gia thành viên trong Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), một thỏa thuận thương mại gồm 16 nước châu Á-Thái Bình Dương, sẽ tổ chức cuộc gặp cấp bộ trưởng ở Singapore vào ngày thứ Năm và thứ Sáu nhằm tiến tới mục tiêu hoàn tất thỏa thuận trước cuối năm nay.
Theo tin từ tờ báo Nhật bản Nikkei, trọng tâm của cuộc họp lần này là liệu các nước thành viên có đạt một sự đồng thuận chung để mở đường cho một cuộc gặp thượng đỉnh tại Singapore vào tháng 11. Năm nay cũng là năm mà Singapore giữ vai trò Chủ tịch luân phiên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
"Sau nhiều nỗ lực, khả năng về hoàn thiện một cách thực chất cuộc đàm phán RCEP cuối cùng đã trong tầm mắt", Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu tại lễ khai mạc của cuộc gặp cấp bộ trưởng vào ngày thứ Tư. "Tôi khuyến khích các nước RCEP có cái nhìn dài hạn, giữ động lực, tương tác mang tính xây dựng, và giữ sự linh hoạt tối đa, để chúng ta có thể đạt một thỏa thuận RCEP chất lượng cao trong năm nay".
RCEP bao gồm 10 nước ASEAN, cùng Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Nhóm nước này chiếm khoảng 1/3 GDP toàn cầu và một nửa dân số thế giới. RCEP được đề xuất bởi ASEAN và nhằm hợp nhất các thỏa thuận thương mại song phương trong ASEAN vào một khuôn khổ thương mại tự do duy nhất bao trùm phần lớn khu vực châu Á.
Vòng đàm phán đầu tiên của RCEP diễn ra vào năm 2013. Tại cuộc họp gần đây nhất diễn ra ở Tokyo hồi tháng trước, các nước RCEP dã nhất trí hoàn tất một thỏa thuận trước cuối năm 2018.
Các quốc gia thành viên RCEP hiện đang đàm phán về 18 lĩnh vực khác nhau, trong đó đã có 4 lĩnh vực đạt nhất trí, gồm: hợp tác kinh tế và kỹ thuật; doanh nghiệp vừa và nhỏ; thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại; và mua sắm chính phủ.
Cuộc gặp tuần này của RCEP diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Mới tuần trước, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã lần lượt áp thuế quan bổ sung lên 16 tỷ USD hàng hóa của nhau.
Các nước RCEP hy vọng sẽ duy trì được động lực tự do thương mại thông qua khuôn khổ mới này. "RCEP sẽ là một tín hiệu quan trọng đối với thế giới rằng các nước thành viên ASEAN và các đối tác của chúng tôi đánh giá cao tự do thương mại, hội nhập khu vực và hợp tác quốc tế", ông Lý Hiển Long phát biểu.
Đầu năm nay, 7 trong số 16 nước tham gia RCEP đã ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hay còn gọi là TPP-11. Việc ký kết CPTPP đã thúc đẩy cuộc đàm phán RCEP tiến nhanh hơn.
Tuy nhiên, theo Nikkei, RCEP sẽ đối mặt nhiều trở ngại trong vài tháng tới. Hiện vẫn còn 14 trong số 18 lĩnh vực đàm phán - bao gồm thương mại hàng hóa, cạnh tranh, đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ và thương mại điện tử - vẫn chưa đạt thỏa thuận. Hiện đang có nhiều bất đồng lớn giữa các nước thành viên. Chẳng hạn Ấn Độ lưỡng lự trong việc mở cửa thị trường cho những quốc gia lớn như Trung Quốc.
Ngoài ra, các quốc gia cũng đưa ra ý tưởng khác nhau về việc các quy định nên ngặt nghèo tới mức nào. Các quốc gia có mức độ phát triển cao hơn muốn đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn.
"Xét tới sự đa dạng của các thành viên RCEP, tất cả chúng ta đều phải chấp nhận đánh đổi và nhượng bộ", ông Lý Hiển Long nói ngày thứ Tư.
Theo dự kiến, các nước RCEP sẽ đưa ra một báo cáo về tiến trình đàm phán sau khi hoàn tất cuộc gặp tuần này.