Cái bóng của ông Thaksin trên chính trường Thái Lan vẫn còn rất lớn
Dù sống lưu vong ở nước ngoài, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra vẫn có ảnh hưởng không hề nhỏ trên chính trường Thái Lan
Cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đã không còn ở Thái Lan kể từ khi ông bị kết án trong một vụ án tham nhũng sau cuộc đảo chính lật đổ ông hồi năm 2006. Tuy nhiên, trên chính thường Thái Lan, đặc biệt là các tỉnh nghèo thuộc vùng Đông Bắc của nước này, ảnh hưởng của ông Thaksin vẫn còn rất lớn, theo Bloomberg Businessweek.
Vào một ngày tháng 3, những chiếc xe bán tải chở đầy những người nông dân đội mũ rơm, tay cầm ô tới dự một buổi vận động tranh cử ở Khon Kaen, một địa phương thuộc Đông Bắc Thái Lan - khu vực đã giúp ông Thaksin và các đồng minh của ông chiến thắng trong bất kỳ cuộc bầu cử dân chủ nào ở Thái Lan kể từ năm 2001.
Ảnh hưởng của ông Thaksin còn lớn
Tại buổi vận động, các chính trị gia thuộc Pheu Thai, một đảng có mối liên hệ với ông Thaksin, liên tục nhắc đến ông trong những bài phát biểu. Bên dưới, những người ủng hộ mặt áo phông có in hình bà Yingluck, em gái ông Thaksin, người cũng từng giữ cương vị Thủ tướng Thái Lan nhưng bị lật đổ trong một cuộc đảo chính vào năm 2014.
Bà Sudarat Keyuraphan - một cựu Bộ trưởng nội các thời ông Thaksin và là một ứng cử viên sáng giá cho ghế Thủ tướng Thái Lan trong cuộc tổng tuyển cử vào ngày 24/3 - nói: "Chúng tôi tin vào sức mạnh đám đông của nông dân, những con người nhỏ bé". Đây cũng chính là thông điệp đã đưa ông Thaksin - người đang sống lưu vong ở nước ngoài và bị cấm tham gia trực tiếp vào cuộc bầu cử tới - đến gần với tầng lớp lao động Thái Lan.
Cuộc bầu cử lần này sẽ là một "bài kiểm tra" để xác định xem tầng lớp dân nghèo ở các vùng nông thôn có còn phản đối các vị tướng quân đội vốn có khuynh hướng đảo chính ở Thái Lan, lực lượng đã nắm quyền bính ở nước này kể từ khi lật đổ chính quyền của bà Yingluck vào năm 2014.
Các đối thủ của ông Thaksin - một phe phái lỏng lẻo gồm các nhân vật quân đội, quan chức và những gia đình giàu có thân hoàng gia ở Bangkok - đã dựa vào quân đội và tòa án để giành quyền lãnh đạo đất nước khỏi phe ông Thaksin sau 3 lần bầu cử gần đây nhất.
Lần bầu cử này, quân đội Thái Lan thậm chí còn có một tiếng nói lớn hơn trong việc quyết định ai sẽ trở thành Thủ tướng: Thượng viện Thái Lan do quân đội chọn ra sẽ góp phần quyết định ai trở thành người đứng đầu chính phủ. Điều này khiến các đồng minh của ông Thaksin sẽ khó thành lập chính phủ ngay cả trong trường hợp họ giành đa số ghế ở Hạ viện.
Khả năng cuộc bầu cử đi đến một kết quả "ngổn ngang" đặt ra nguy cơ khoét sâu những mối mâu thuẫn trong lòng xã hội Thái Lan, mà biểu hiện rõ nét nhất chính là những cuộc biểu tình có đổ máu ở Bangkok sau mỗi lần đảo chính quân sự ở nước này 15 năm qua. Xung đột chính trị đã cản trở quá trình hoạch định chính sách kinh tế và làm suy yếu vị thế của Thái Lan với tư cách một điểm đến hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á cho các doanh nghiệp sản xuất.
Thách thức đối với đồng minh Thaksin
Trong số các nền kinh tế chủ chốt ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan là nước tụt hạng mạnh nhất trong xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) từ năm 2007 đến nay. Nền kinh tế nước này được dự báo tăng trưởng khoảng 4% trong 2019, thấp hơn nhiều so với mức tăng 5,2% của kinh tế Đông Nam Á nói chung. Như vậy, đây sẽ là năm thứ 7 liên tiếp kinh tế Thái Lan tăng yếu hơn so với mức tăng chung của khu vực.
Ở vùng Đông Bắc Thái Lan, khu vực sản xuất nông nghiệp chính và là nơi có 1/3 dân số của nước này, cử tri vẫn ca ngợi những chính sách dân túy mà ông Thaksin áp dụng cách đây 2 thập kỷ, bao gồm chăm sóc y tế giá rẻ và trợ cấp cho ngành nông nghiệp. "Ông Thaksin là nhà lãnh đạo đầu tiên quan tâm đến khu vực này", giảng viên Prajak Kongkirati, trưởng khoa chính phủ và chính sách thuộc Đại học Thammasat ở Bangkok, phát biểu.
Ông Prajak nói rằng các đồng minh của ông Thaksin sẽ gặp thách thức lớn trong cuộc bầu cử tới vì một chương trình phúc lợi mới được triển khai bởi chính quyền quân sự của Thủ tướng Prayuth Chan-O-Cha. Được lên ý tưởng bởi chính một cựu quan chức cấp cao thời ông Thaksin, chương trình này hỗ trợ vốn cho nông dân và trợ cấp cho những người thu nhập thấp khoảng 10 USD mỗi tháng. Một chính đảng hậu thuẫn ông Prayuth cũng hứa sẽ giảm thuế, tăng lương tối thiểu 30%, đảm bảo giá cho những mặt hàng nông sản quan trọng như cao su, lúa gạo và mía đường.
Sangiam Dangpaung, một người nông dân trước đây luôn bỏ phiếu cho các đảng có mối liên hệ với ông Thaksin, cho biết có thể quay sang bỏ phiếu cho ông Prayuth vì những chính sách trên. "Tôi chán họ rồi", Sangiam nói về đồng minh của ông Thaksin. "Họ chỉ nói về việc chống lại ông Prayuth, nhưng chẳng bàn cách giúp đỡ chúng tôi".
Nhiều cử tri nông thôn ở vùng Đông Bắc Thái Lan cũng ủng hộ một chính đảng mới thành lập có tên Hướng tới tương lai (Future Forward) với thủ lĩnh là ông Thanathorn Juangroongruangkit, một doanh nhân 40 tuổi đến từ một gia đình giàu có. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đảng này đang giành sự ủng hộ của cử tri khỏi đảng Pheu Thai.
Nhưng dù sao đi chăng nữa, các đồng minh của ông Thaksin vẫn sẽ là một lực lượng đáng gờm trong lần bầu cử này - các cuộc thăm dò dư luận cho thấy. "Họ đại diện cho các ý tưởng của Thaksin. Dưới thời ông ấy, cuộc sống rất tốt", ông Kum Bomkod, một nông dân trồng lúa 70 tuổi, nói và cho biết sẽ bỏ phiếu cho Pheu Thai.