Cận Tết, Ngân hàng Nhà nước chỉnh nhịp cân đối tiền
Giá USD giảm, hoạt động mua vào ngoại tệ tiếp tục thể hiện, lãi suất liên ngân hàng tăng lên
Từ đầu tuần này, thị trường bước vào thời điểm sát kề Tết Nguyên đán, Ngân hàng Nhà nước linh hoạt điều chỉnh nhịp cân đối để giữ ổn định.
Nhiều năm qua, cứ đến cận Tết Nguyên đán, nhu cầu VND cho mùa cao điểm thanh toán chi trả tăng mạnh lên, hoạt động chuyển đổi vốn từ USD sang VND thể hiện rõ. Gắn với đó, lãi suất VND thường tăng lên trên thị trường liên ngân hàng và tỷ giá USD/VND đi xuống.
Năm nay, đến thời điểm này, biểu hiện đầu tiên, giá USD trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại đã giảm nhẹ sau quãng ổn định từ cuối 2017. Như tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), mức bán ra lùi từ 22.745 VND xuống 22.740 VND.
Trên thị trường liên ngân hàng, giá USD cũng vừa có những phiên giảm nhẹ, xuống dưới mức giá mua vào của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước. Như kết phiên hôm qua (6/2), giá USD trên thị trường này đã xuống còn 22.707 VND, trong khi mức tham khảo mua vào của Sở vẫn giữ ở 22.710 VND.
Theo một số thành viên trong hệ thống, thời gian gần đây Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục mua ròng ngoại tệ, thậm chí xuất hiện một số ngày lượng mua vào khá lớn khoảng 400 - 500 triệu USD. Theo đó, dự trữ ngoại hối quốc gia tiếp tục gia tăng mạnh.
Như trên, cận Tết Nguyên đán, nhu cầu VND cho mùa cao điểm thanh toán chi trả lên cao, lãi suất VND cũng bắt đầu tăng trở lại trên thị trường liên ngân hàng.
Đến hôm qua (6/2), lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND đã tăng khá mạnh với mạnh 0,42 - 0,54 điểm phần trăm ở các kỳ hạn ngắn, như qua đêm đã lên 2,18%/năm, 1 tuần 2,36%, 2 tuần 2,96%...
Đáng chú ý, gắn với diễn biến trên, cũng như linh hoạt điều tiết vào mùa cao điểm, Ngân hàng Nhà nước đã có điều chỉnh trong cân đối tiền trong hệ thống.
Cụ thể, từ đầu tuần này Ngân hàng Nhà nước đã tạm ngừng phát hành tín phiếu hút tiền về. Thị trường ghi nhận đã hai phiên liên tiếp nhà điều hành tạm ngừng nghiệp vụ này, và khối lượng tín phiếu lưu hành cũng đã giảm xuống còn khoảng 22.000 tỷ đồng, từ mức khá cao quanh 50.000 tỷ đồng khoảng cuối 2017 đầu 2018.
Những năm trước, trước mùa cao điểm cận Tết Nguyên đán, Ngân hàng Nhà nước cũng thường tạm ngừng việc hút bớt tiền về qua kênh tín phiếu, chủ động hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống; sau Tết, dòng tiền quay trở lại ngân hàng thì nhà điều hành mới tiếp tục hút về để cân đối.
Riêng năm nay, cân đối nguồn hệ thống gắn với lượng ngoại tệ lớn mua vào liên tục từ cuối 2017 đến nay.